Những đứa trẻ ở xã biên giới, sát bên Campuchia mong ngóng tết đến |
thúy hằng |
Có mặt ở xã Hưng Điền, H.Tân Hưng, Long An, xã biên giới sát Campuchia những ngày mà Tết Nguyên đán đã đến rất gần, chúng tôi cũng cảm nhận được sự náo nức mong chờ của những em học sinh nơi này. Rất nhiều đứa trẻ ở đây lớn lên trong vòng tay của ông bà nội, ông bà ngoại để ba mẹ lên TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh thành khác để mưu sinh. Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ hiếm hoi trong năm, để các con được ở trong vòng tay cha mẹ.
Xa hơi ấm mẹ cha từ nhỏ
Ngồi cùng các bạn chờ đợi nhận những phần quà trong ngày khánh thành cây cầu 3 Tháng 2 do Báo Thanh Niên, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cùng các nhà tài trợ xây dựng, cậu bé Trần Thanh Điền cứ nhấp nhổm không yên. Điền trú ấp Cây Me, học sinh lớp 6 Trường THCS Hưng Điền, em cho biết mình còn một cô em gái đang học lớp 4 ở trường tiểu học Hưng Điền. Cả hai anh em Điền đều ở cùng ông bà nội từ nhỏ để cha mẹ đi Bình Dương làm công nhân.
“Tết nào ba mẹ em cũng về ăn tết với cả nhà. Ba mẹ được ở nhà khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày là đi. Lúc em ngủ dậy buổi sáng là thấy ba mẹ đi rồi. Lần nào em cũng khóc”, Điền kể.
Trần Thanh Điền (bìa trái) |
thúy hằng |
Ông bà nội của Điền người ngoài 60 tuổi, người ngoài 70, nhưng vẫn đi chăn bò để kiếm thêm tiền lo cuộc sống. Mỗi tháng ba mẹ của em sẽ gửi một khoản tiền về để lo ăn học cho Điền và em gái. Khi Điền học lớp 5, em bắt đầu biết cách chăn bò, lùa bò kiểu gì để không đi vào ruộng lúa của người dân. “Năm nào em cũng là học sinh giỏi. Ba mẹ em dặn ở nhà phải ráng học giỏi”, Điền kể.
Xa mẹ từ 11 tháng
Dưới cái nắng gay gắt ở vùng biên giới Campuchia, bóng dáng bà Nguyễn Thị Thu, 62 tuổi và cháu ngoại Nguyễn Thị Kim Tiền, 7 tuổi liêu xiêu. Một tay bà ôm một thùng sữa mới được tặng, tay kia dắt cháu, gương mặt loang loáng mồ hôi.
Bà Thu kể ba mẹ cháu Tiền đều làm thuê làm mướn, khó khăn mới kiếm được đồng tiền ở quê. Khi Tiền được 11 tháng tuổi, chưa dứt sữa mẹ, ba mẹ để Tiền ở quê cho bà ngoại chăm để lên Bình Dương tìm việc trong khu công nghiệp. Tới nay, Tiền đã học lớp 2, bé em gái của Tiền học mẫu giáo 5 tuổi, cả hai chị em đều lớn lên trong vòng tay ông bà ngoại.
“Tội lắm cô ơi, chúng nó xa mẹ từ khi còn nhỏ xíu, chưa biết gì nên có năm tết đến, ba mẹ chúng về, chúng còn không theo, ẵm bồng chúng cũng không chịu, cứ khóc đòi ông bà ngoại. Mẹ chúng cứ khóc vì nhớ con, mà con đâu biết gì”, bà Thu kể.
Bà Thu và cháu ngoại Kim Tiền |
thúy hằng |
Bà Thu và chồng đều không biết chữ, tối về các cháu có hỏi bài toán hay viết chữ nào, ông bà cũng đành chịu, hôm sau thì tới nhờ cậy cô giáo.
“Con cái xa cha mẹ là thiệt thòi đủ đường. Chúng tôi đang mong ngóng các con về đoàn tụ ngày tết. Cả một năm cả nhà đã xa nhau, chỉ mong đến tết, dù bữa cơm có đơn sơ với khứa cá kho, ít rau luộc cũng thấy ngon lành hơn cả ngày thường”, bà Thu xúc động.
Ngóng như ngóng mẹ về
Trần Hiếu Nghĩa, trú ấp Gò Chuối, học sinh lớp 6 Trường THCS Hưng Điền, lúc nào cũng được nghe ông bà nội kể khi em vừa tròn 20 tháng tuổi thì ba mẹ để em ở nhà với ông bà rồi lên Bình Dương tìm việc. Em gái của Nghĩa năm nay 4 tuổi, em sinh ra ở Bình Dương và ở luôn cùng ba mẹ trong nhà trọ.
“Một năm thì em mong nhất 3 tháng hè và những ngày tết. Hè thì em được ba mẹ đón lên Bình Dương ở cùng với ba mẹ. Tết Nguyên đán thì ba mẹ về quê, cả nhà được đi thăm bà con, được làm bánh tét, được ăn cơm chung cả nhà”, mắt sáng long lanh, cậu học sinh lớp 6 kể.
Trần Hiếu Nghĩa mong từng ngày đến Tết Nguyên đán |
thúy hằng |
Một tiệm tạp hóa ở xã biên giới Hưng Điền |
thúy hằng |
Nghĩa không nhớ những lần khóc nhè lúc còn rất nhỏ vì nhớ hơi mẹ. Nhưng khi đã đi học, hay cho tới bây giờ, rất nhiều lần em vẫn vừa gọi điện thoại cho mẹ, vừa mếu máo nói “con nhớ mẹ”.
“Khi em được điểm cao, có chuyện gì vui, hay bị bạn bè bắt nạt, em cũng đều muốn kể với mẹ. Nhưng mẹ thì ở xa. Tối nào mẹ em cũng gọi điện về nhà, mẹ hỏi ăn cơm chưa, học bài xong chưa. Có lần em vừa nói chuyện với mẹ vừa khóc. Em chỉ mong tết đến thật mau để mẹ về”, Nghĩa kể.
Ông bà nội của Nghĩa đã lớn tuổi và có nhiều bệnh. Ông bị bệnh tim, bà bị huyết áp. Ba mẹ Nghĩa dù ở xa lúc nào cũng dặn Nghĩa ráng học cho giỏi, để sau này có thể làm công việc gì nhẹ nhàng hơn chứ không phải lao động chân tay vất vả như ba mẹ. “Em thích đi học. Lúc nào em cũng mong em học giỏi, để sau này giúp đỡ ông bà. Ba mẹ em bảo làm công nhân cực khổ lắm, phải ráng học để sau không phải khổ nữa”, cậu học sinh lớp 6 nói.
Trần Thanh Điền sống cùng ông nội từ nhỏ |
thúy hằng |
Ông Trần Văn Phương, công an viên thường trực, công an xã Hưng Điền, H.Tân Hưng, Long An cho biết đời sống người dân ở địa phương còn nhiều khó khăn, bà con chủ yếu làm nông hoặc làm mướn.
Đại đa số thanh niên trong độ tuổi lao động ở xã đều rời quê tới các đô thị lớn để tìm việc làm có mức thu nhập cao hơn. Xã có khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi đến trường, rất nhiều em trong số này ở lại quê cùng ông bà để cha mẹ lên các thành phố lớn tìm việc làm, mưu sinh.
Tết Nguyên đán 2023 đã đến cận kề, các ấp trong xã biên giới sát Campuchia rộn ràng hơn hẳn những ngày thường. Người vặt lá mai, người dọn dẹp lại mái nhà đơn sơ, trẻ con đến trường nhưng cũng háo hức mong chờ. Vài ngày nữa ba mẹ sẽ về. Vài ngày nữa gia đình sẽ thật sự đoàn tụ. Với những đứa con, chỉ được bên mẹ mới có một mùa xuân trọn vẹn…
Bình luận (0)