Trẻ gái dậy thì nhưng chậm kinh, hay đau bụng, coi chừng 'dị tật bất sản âm đạo'

Duy Tính
Duy Tính
14/04/2022 11:29 GMT+7

Trẻ gái đến tuổi dậy thì nhưng chậm kinh, lại có biểu hiện đau bụng, sa sút thì bố mẹ cần quan tâm đưa con đi khám sản phụ khoa để phát hiện các bất thường mà điều trị kịp thời.

Ngày 14.4, nguồn tin từ Bệnh viện Tâm Anh (TP.HCM) cho biết các bác sĩ của bệnh vừa tạo “đường hầm” thoát lưu 500 ml máu kinh đặc quánh ứ lâu ngày trong tử cung âm đạo, bơm rửa toàn bộ túi máu cho bé gái 11 tuổi dậy thì.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau phẫu thuật

bvcc

60 phút tạo đường ống âm đạo cho bệnh nhi

Mẹ bé gái cho biết, từ tháng 11.2021, chị thấy bé bắt đầu đau bụng vùng dưới rốn, nhưng không thấy kinh nguyệt. Suốt 5 tháng đau bụng nhưng không hành kinh, mỗi tháng bé đau bụng khoảng 7 - 10 ngày, bụng nặng, cảm giác căng. Gần đây, bé đau nhiều hơn, không thể ăn ngủ bình thường, bé sút cân 5 - 6 ký.

Kèm theo đó là bé đi đại tiện khó, việc học tập bị gián đoạn nhiều lần do đau bụng càng lúc càng liên tục, tăng nặng. Lo lắng cho con, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Tâm Anh TP HCM khám phụ khoa.

Qua mô tả của mẹ bé cũng như quan sát dấu hiệu trên cơ thể, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp bé gái đã bước vào tuổi dậy thì nhưng chưa thấy kinh nguyệt.

Từ kết quả siêu âm phụ khoa gợi ý, cháu bé đã được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu. Kết quả cho thấy có cơ quan sinh sản, buồng trứng, tử cung bình thường, nhưng âm đạo bị bất sản đoạn giữa. Đường ống âm đạo của bệnh nhi không rỗng như bình thường mà bị “đặc” hoàn toàn một đoạn khoảng 5 cm nằm ở 1/3 giữa. Phên âm đạo bị đông đặc, có bề dày không đáng kể, phía trước dính liền bọng đái, phía sau dính liền trực tràng.

“Tình trạng phên âm đạo đặc gây ra và tử cung có tình trạng ứ máu kinh, làm căng giãn lớn từ tử cung đến 1/3 trên âm đạo và đè ép diện rộng vào trực tràng khiến bé mắc đại tiện nhiều nhưng lại không đi được, chất lượng sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi xác định cháu bé mắc dị tật bẩm sinh đường sinh dục không có một đoạn dài âm đạo, hay còn gọi là bất sản âm đạo”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm sản phụ khoa, Bệnh Tâm Anh TP.HCM cho biết.

Bất sản âm đạo hiếm gặp, tần suất thống kê khoảng 1/4.000 đến 1/5.000 phụ nữ. Hầu hết thường không được phát hiện sớm mà chỉ phát hiện khi người phụ nữ đi khám vì vô kinh nguyên phát hoặc không thể quan hệ tình dục, hoặc không hành kinh và đau bụng theo chu kỳ hằng tháng.

Ngày 6.4, ca phẫu thuật kéo dài hơn một giờ đồng hồ dưới sự dẫn đường của siêu âm, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật tạo ra một đường mở thông đi ngang qua âm đạo bị “đặc”.

Hơn 500 ml máu kinh màu nâu đen, đặc quánh, ứ đọng trong tử cung và âm đạo lâu ngày đã được thoát lưu ra ngoài và toàn bộ “túi” máu được bơm rửa liên tục. Một ống thông cũng được đặt vào, lưu giữ lại để duy trì “đường hầm” mới được tạo ra. Ống thông duy trì "đường hầm" này sẽ được các bác sĩ đánh giá và lưu lại một khoảng thời gian phù hợp trước khi tháo bỏ luôn.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định, “đường hầm” âm đạo hoạt động thông suốt, máu kinh đã được dẫn lưu ra ngoài bình thường. Bệnh nhi xuất viện khỏe mạnh sau 4 ngày điều trị.

Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM cũng từng tiếp nhận bệnh nhi 11 tuổi đến từ Quảng Nam bị đau bụng âm ỉ kéo dài càng lúc càng nặng dần, gây suy kiệt cơ thể do đau, ăn uống kém và gặp khó khăn khi đại tiện. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bé mắc dị tật bẩm sinh bất sản âm đạo hiếm gặp.

Các dấu hiệu của dị tật bất sản âm đạo

Theo bác sĩ Mỹ Nhi thông tin, bất sản âm đạo là dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh của nữ giới khi âm đạo không có được cấu trúc rỗng hoàn toàn như bình thường, mà bị “đặc” hoàn toàn hoặc một phần.

“Bình thường, khi bước vào tuổi dậy thì, các bé gái sẽ có cột mốc đánh dấu thời kỳ này là xuất hiện có kinh nguyệt, máu kinh chảy qua lỗ tử cung đổ thằng vào lòng ống âm đạo, và thoát ra ngoài qua lỗ thủng tự nhiên của màng trinh. Tuy nhiên, ở các trường hợp bất sản âm đạo như bé gái này, ống âm đạo không có ở đoạn 1/3 giữa, khiến máu kinh không thể lưu thông qua ống âm đạo ra ngoài như bình thường. Máu kinh đọng lại, dồn ứ ở tử cung do không thể thoát đi đâu được, làm giãn to phần trên âm đạo. Sự căng giảm phần trên tử cung âm đạo khiến người bệnh đau đớn vùng bụng dưới ngày càng tăng, không thể đi đại tiện dễ dàng như bình thường.

Nếu không phát hiện sớm có thể bé sẽ suy kiệt thể chất, chấn thương tâm lý do chịu nhiều đau đớn. Máu kinh ứ đọng, gây chèn ép cơ quan lân cận, có thể dẫn đến gây khó đi tiểu tiện. Bệnh nhân còn đối diện nguy cơ trào ngược máu kinh vào ổ bụng qua hai vòi trứng, làm tăng nguy cơ ứ máu vòi trứng, lạc nội mạc tử cung vùng chậu.

Bác sĩ Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm sản phụ khoa, Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM cũng cho biết thêm, đã có nghiên cứu khoa học chỉ ra dị tật bất sản âm đạo xuất hiện ngay từ trong thai kỳ. Nguyên nhân là do tại một số thời điểm trong vòng 20 tuần đầu của thai kỳ, các ống Mullerian không phát triển bình thường. Bé gái chào đời vẫn phát triển bình thường, đủ bộ phận sinh dục bên ngoài như môi lớn, môi bé, nhưng bên trong tử cung âm đạo có thể chỉ phát triển một phần hoặc không phát triển.

Bác sĩ Ngô Thị Bình Lụa còn cho biết thêm, hiện nay, một số nguyên nhân gây chậm kinh, vô kinh như suy buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang, dậy thì muộn… có thể liên quan bất thường về nội tiết tố nữ, bất thường di truyền, nhiễm sắc thể, hay mắc dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục như không có tử cung, tử cung nhi hoá, hoặc bít màng trinh, bất sản âm đạo…

Bác sĩ Ngô Thị Bình Lụa khuyến cáo, phụ huynh có con gái trong độ tuổi dậy thì nếu không có kinh nguyệt, hoặc không có kinh nguyệt nhưng có các dấu hiệu cho thấy con đang dậy thì (ngực nảy nở, có mụn trứng cá, có lông vùng sinh dục…) thì cần đưa trẻ đi khám phụ khoa sớm để kiểm tra nguyên nhân chậm kinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.