Trẻ tự kỷ mơ... hòa nhập

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
12/05/2021 09:48 GMT+7

Chưa từng ướm đồng phục đến trường; 'lạc điệu' trong lớp học là tình cảnh nhiều trẻ tự kỷ phải đối mặt. Lắm lúc nhiều gia đình có con tự kỷ phải tự hỏi khi nào cánh cổng trường hòa nhập sẽ mở ra…

Chưa biết mặt lớp học ra sao!

Chị Hường (ngụ Q.8, TP.HCM) thở dài khi kể lại ngày đăng ký học lớp 1 cho con mình – cậu bé L.H.L (8 tuổi). Thấy tờ xác nhận L. là trẻ tự kỷ, thầy hiệu trưởng liền “chặn ngõ” rằng trường sẽ nhận vào, nhưng vì L. bị tự kỷ, không có kỹ năng và trường không có ai quản lý nên nếu L. có xảy ra chuyện gì nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm.
“Nghe vậy tôi vừa sợ, vừa tủi nên không dám cho L. vô học”, chị Hường nói và kể lại, khi lên 2 tuổi, L. vẫn không biết nói, không giao tiếp được. Thấy vậy, chị H. mới đưa L. đi bác sĩ khám và biết con mình bị tự kỷ.
Càng lớn, L. càng bị tăng động, lăng xăng, không vừa ý gì sẽ xô mẹ ngã, có khi bực tức gì còn đập đầu vào tường. “Bạn bè trong xóm xa lánh nó”, chị Hường nói.
Gia đình đã sớm đưa bé L. đi can thiệp (những liệu pháp được thực hiện nhằm hỗ trợ, cải thiện tình trạng của trẻ tự kỷ - PV). Trước đây, gia đình đưa L. đến một trung tâm can thiệp với học phí 4 triệu đồng/tháng (3 buổi/tuần). Được một thời gian, chị Hường cho L. chuyển sang học theo giờ để giảm chi phí còn 2,5 triệu đồng/tháng. Chị nói: “Chồng tôi làm hồ, tôi ở nhà lãnh hàng về may, L. còn có chị đang học trung học, gia đình lo không xuể nên mới chuyển lớp. Dẫu thời gian này vất vả nhưng thấy L. bắt đầu biết nói, biết tự mặc đồ... tôi mừng lắm”.

Em L.H.L. trong một buổi sinh hoạt tại nhà cô Dung

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Thấy con tiến triển, năm L. 6 tuổi, chị xin cho con vào lớp 1 nhưng không thành. Mới vài tháng nay, qua vài người giới thiệu, chị mới cho L. học ở nhà cô Nguyễn Thị Phương Dung tại Q.8, TP.HCM.
L. là một trong những học sinh bị tự kỷ mà cô Dung đang kèm cặp. Cô luôn khuyên chị Hường sau khi L. được can thiệp, gia đình nên để bé đi học lại lớp 1 ở trường công. Tuy nhiên, chị Hường vẫn cắt cớ nhiều câu hỏi như “Liệu L. có ra sao không?”, “Liệu L. có sống... nổi với bạn bè mình trong lớp không?”...
Gương mặt L. toát lên vẻ thông minh, sắc sảo, cô Dung bảo chắc có lẽ vì L. được ba mẹ yêu thương. Nhưng nhiều trẻ tự kỷ không được vậy, như trường hợp của bé K. (16 tuổi) - đang được can thiệp tại lớp của chị Đặng Thúy Hồng.
Chị Hồng nói, K. là đứa thiệt thòi nhất trong số học sinh của chị: “Mẹ bỏ đi từ khi K. còn rất nhỏ, còn ba K. năm nay đã ngoài 80 tuổi, không quan tâm em nếu không nói là kỳ thị, xa lánh em. Hơn chục năm K. chỉ lủi thủi ở nhà. Đến năm K. 15 tuổi, cô của K. mới dắt em đến cơ sở tôi và ngỏ lời để em sống ở đây luôn, mỗi tháng chạy xe lên thăm em và lấy hết lương hưu để đóng học phí, sinh hoạt cho K.”.

K. (đang được can thiệp tại cơ sở của chị Đặng Thúy Hồng) cùng cô giáo trình diễn tiết mục đàn

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Dẫu vậy, với chị Hồng, K. cũng như bao học trò khác, đều là nhân tài. “K. bị rối loạn thị giác và hay nói nhảm. Nhưng K. viết chữ cực kỳ đẹp, đàn hay, giỏi võ, khéo tay nữa”, chị H. tự hào.

"Lạc lõng" trong trường

Khi kể về con mình – em L.T.N (11 tuổi), chị Loan (ngụ Q.8, TP.HCM) vẫn không kiềm được những lời tự trách. Chị nói: “Thương nhất là khi con mình bị tự kỷ như vậy mà mình lại nghèo khó”.
Chị Loan cho hay, gia đình tan vỡ, chị cùng hai đứa con dọn đi thuê trọ, còn mình làm công nhân. “Tôi cứ lo làm, thấy N. ở nhà thấy ít nói và hay loạn chữ nhưng tôi cũng không nghĩ sâu xa. Đến năm N. học lớp 1, ngày đầu tiên sau giờ ra chơi, thay vì nó vào lớp của mình lại đi lên lớp 3, làm cả trường nhốn nháo phát loa tìm nó”, chị Loan nói và cho biết thêm: “Lập tức, thầy hiệu trưởng gặp tôi, mách tôi tự làm tờ đơn ngừng xét thi đua trong lớp. Tờ đơn sau do chị N. làm ký và không biết có nộp lại không, nhưng sau đó tôi để N. thôi học”.
“Đôi lần tôi buồn khi nghĩ không biết rồi sau này ai sẽ nuôi N. Nhưng khi theo học lớp cô Dung 2 năm nay, và việc thấy N. nói, đọc, hiểu được nhiều thứ khiến tôi… mừng không tả nổi, chứ khi xưa, ngày nào tôi cũng thắp nhang để... cầu cho bé nói rành rẽ”, chị Loan xúc động.
Cô Dung nói N. bị chứng rối loạn ngôn ngữ và không nhớ theo trật tự số. Chẳng hạn, cậu bé N. sẽ nói “Cô chào” hay “Cô tạm biệt” thay vì “Chào cô”, “Tạm biệt cô”. Sau thời gian luyện tập, đến nay N. đã khắc phục được. Nhưng tiếc là N. đã quá số tuổi quy định vào lớp 1 (theo quy định hiện nay trẻ khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 3 tuổi – PV).

N. hiện nay đã quá số tuổi quy định vào lớp 1. Mẹ N. hằng ngày vẫn đưa đón N. đến lớp học của cô Nguyễn Thị Phương Dung

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Chị Đặng Thúy Hồng cũng cho biết, cơ sở của chị cũng có nhiều em đối mặt cảm giác chơ vơ và “lạc quẻ” ở trường học... Cậu bé T. (10 tuổi, ngụ Q.2) bị tự kỷ, tăng động, sợ âm thanh lớn, bị rối loạn xúc giác nên hay cắn tay, chân để tìm cảm giác cân bằng. Trước đây T. sống ở Hà Nội, ba mẹ của T. biết em có dấu hiệu tự kỷ khi em hơn 1 tuổi nên can thiệp sớm. Năm 3 tuổi, T. vào TP.HCM và theo học chị Hồng. Đến 6 tuổi, em vào trường học hòa nhập nhưng cũng rất lạc lõng, có vài lần hễ tới giờ ra chơi, T. ra ngoài sân trường nằm...
“Chưa kể, những học sinh của tôi dạy, có em bị bạn chọc nên bùng nổ, đánh bạn; phụ huynh, giáo viên ý kiến, em này phải nghỉ học một năm, sau đó được can thiệp và gia đình đấu tranh để đi học lại, dù đã ổn định nhiều nhưng vẫn bị phản ánh, đang trong tâm thế bị từ chối học lần nữa”, chị Hồng bộc bạch.

Cần “cung” nhiều hơn

Năm 2017, tôi có tham dự lễ ra mắt thư viện cung cấp, sách, tài liệu nuôi dạy trẻ tự kỷ đầu tiên tại TP.HCM của chị Đặng Thúy Hồng. Rất tâm huyết về đối tượng trẻ em này, chị đề cao chính sách hòa nhập giáo dục: trẻ tự kỷ sau khi can thiệp cần được tạo điều kiện để chứng minh năng lực như mọi trẻ khác. Chị cũng chia sẻ: “Xã hội chúng ta đâu đó vẫn nhìn trẻ tự kỷ như bị điên, không bình thường và bất lực nên các em dễ bị gạt ra lề xã hội. Tôi tin rằng, giữa các lối đi thì trước mắt, cần có nhiều chương trình can thiệp, các trung tâm… trong bối cảnh số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng ngày càng tăng”.

Hỗ trợ chứ không phải chối từ

Là một trong những người tiên phong dạy trẻ khuyết tật như trẻ khiếm thính, bại não, tự kỷ…, cô Nguyễn Thị Phương Dung cũng tin rằng nhà trường, xã hội cần chung tay chào đón trẻ tự kỷ sau khi các em được can thiệp bằng giáo dục chuyên biệt. Đặc biệt, do thời gian hỗ trợ từng trường hợp dài ngắn khác nhau, nên cần mở điều kiện trẻ quá 3 năm sẽ không được học lớp 1 như hiện hành.
“Trẻ tự kỷ có tính cách riêng, đôi khi sợ những điều rất phi lý, nếu có bùng nổ thì đều có nguyên do. Giáo viên phải dự đoán đứa trẻ thích gì, không thích gì để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Nhưng với một lớp học có đông học sinh và giáo viên lại không có kiến thức về nó thì khó trách giáo viên”, cô Dung cho hay.
Cô Dung cũng nhận định: “Phải cấp thiết nâng cao và đan chương trình đào tạo giáo dục hòa nhập vào trường để giáo viên tương lai có kiến thức ít nhiều về trẻ đặc biệt và hỗ trợ chứ không phải từ chối các em. Giáo dục hòa nhập sẽ mở ra cánh cổng cho trẻ tự kỷ, để các em có thể làm quen, sống phấn đấu bình đẳng, đàng hoàng, tự lực và tự trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.