Nhưng Amada lại bị sốt cao hơn sau khi uống siro. 9 ngày sau, bé qua đời trong bệnh viện.
"Khi con bé mất, tôi đã chạy đến ôm con và khóc thảm thiết. Bác sĩ an ủi tôi rằng con đã mất rồi, hãy để cho con an tâm ra đi. Điều đó không hề dễ dàng với tôi. Đó không phải là điều dễ dàng", anh Saidy kể lại.
Vào khoảng thời gian Adama qua đời, cơ quan quản lý dược phẩm của Gambia đã gửi thông báo yêu cầu các hiệu thuốc tạm ngừng bán sirô sau một loạt ca tử vong đáng ngờ.
Một tháng sau, cái chết của hơn 70 trẻ em ở nước này do suy thận cấp tính được các quan chức y tế toàn cầu cho là có liên quan đến siro ho sản xuất tại Ấn Độ.
Siro có chứa ethylene glycol và diethylene glycol.
Diethylene glycol là hóa chất được sử dụng trong dầu phanh và bộ tản nhiệt của xe.
Các bệnh nhân nằm trong số 300 trẻ em tử vong siro ho nhiễm độc trên toàn thế giới - dù không phải tất cả đều được sản xuất tại Ấn Độ.
Đây là vụ ngộ độc nguy hiểm nhất được ghi nhận trong nhiều thập niên, có liên quan đến chất độc đã được giới khoa học biết đến.
Tổ chức Y tế Thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của siro ho trên toàn cầu vào tháng 1.2023.
Các xét nghiệm cho thấy loại thuốc được bán ở Gambia chứa hàm lượng chất độc cực kỳ nguy hiểm.
Reuters phát hiện một số chai thuốc được dán nhãn giả mạo WHO phê duyệt.
Cherno Jallow, một bác sĩ phẫu thuật nhi khoa tại Bệnh viện Giảng dạy Banjul ở thủ đô của Gambia, cho biết đây là lần đầu tiên ông chứng kiến con số tử vong lớn như vậy.
"Làm việc ở đây với tư cách là bác sĩ nhi khoa duy nhất, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ chuyện gì như thế này. Chúng tôi đã từng có nhiều trường hợp tử vong, nhưng không đến con số này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến chuyện như vậy", bác sĩ Jallow cho hay.
Nhà máy sản xuất thuốc ở Ấn Độ đã bị chính quyền nước này đóng cửa vào tháng 10.2022.
Các thanh tra chính phủ phát hiện Maiden Pharmaceuticals Ltd đã vi phạm các quy tắc "trong các hoạt động sản xuất và thử nghiệm" nhưng sau đó giới chức nói đã tự kiểm tra và không tìm thấy độc tố trong siro.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết không có mối liên quan trực tiếp nào giữa loại siro mà các nạn nhân uống và việc tử vong.
Giám đốc điều hành Maiden Naresh Kumar Goyal nói với Reuter rằng ông không làm gì sai, và không trả lời các câu hỏi tiếp theo.
Gambia, một trong những quốc gia nhỏ và nghèo nhất châu Phi, không có ngành công nghiệp dược phẩm, không có phương tiện kiểm nghiệm thuốc nhập khẩu và chỉ có hơn 20 dược sĩ phục vụ cho 2,5 triệu người.
Tuy nhiên, ngay cả khi bằng chứng từ các bác sĩ ngày càng tăng, các quan chức chính phủ Gambia vẫn đòi hỏi có thêm bằng chứng.
Trong hai tháng, chính phủ đã không đề cập đến rủi ro của siro trong các tuyên bố công khai.
Theo các nhân viên y tế, nhiều mạng sống có thể được cứu nếu chính quyền hành động nhanh hơn.
Bộ trưởng Y tế Ahmadou Lamin Samateh không bình luận về cáo buộc này. Nhưng hồi tháng 11.2022, ông nói chính quyền đã hành động nhanh chóng khi biết rằng siro là nguyên nhân có thể gây ra những ca tử vong trên.
Nhưng như vậy đã là quá muộn đối với nhiều người.
Ebrima Sagnia mất con trai sau khi cho con uống siro để hạ sốt.
Sagnia hiện đại diện một nhóm cha mẹ kêu gọi cải cách hệ thống.
Ông và các bậc cha mẹ cho biết ban đầu chính phủ hỗ trợ họ 200 USD/người (khoảng 4,7 triệu đồng), nhưng họ đã từ chối số tiền này.
Mục tiêu chính của nhóm là đảm bảo điều này không bao giờ xảy ra nữa.
"Chúng tôi đang làm việc đó, để nhờ các luật sư, tất nhiên là những người Gambia tốt, đứng về phía chúng tôi, cùng chúng tôi đấu tranh, đòi lại công bằng cho bọn trẻ. Bởi vì chúng tôi đã thua rồi, nhưng chúng tôi không muốn điều đó tái diễn", ông Sagnia nói.
Bình luận (0)