Mấy hôm nay tại TP.HCM, một số cây xăng chỉ bán theo “định mức”, không bán theo nhu cầu dù Sở Công thương nói có 71 cây xăng kéo dài giờ làm việc...
“Bệnh” của thị trường xăng dầu, có lẽ ai cũng hiểu. Vẫn bổn cũ soạn lại: Sắp đến kỳ điều chỉnh, theo diễn biến thị trường thế giới thì chắc chắn giá sẽ tăng nên họ găm hàng chờ bán theo giá mới cao hơn, lợi hơn. Chứ “tầm này” còn đổ lỗi cho hụt nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dẫn đến tình trạng khan hiếm thì không ai chấp nhận được. Bởi chúng ta có 2 nguồn cung chính là từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu.
Hụt chỗ này thì tăng chỗ kia bù đắp lại. Kinh doanh ở đâu, mặt hàng gì chẳng thế. Đặt trường hợp một nguồn hụt đột ngột, chưa kịp tăng nhập từ nguồn kia thì cũng có thể dẫn tới khan hiếm cục bộ vài ngày. Nhưng tính từ khi Nghi Sơn “làm mình làm mẩy” đến nay đã cả tháng rồi. Chưa kể theo quy định về kinh doanh xăng dầu thì các đơn vị đầu mối luôn phải đảm bảo dự trữ lưu thông 20 ngày. Bộ Công thương trong cuộc họp khẩn ngày 9.2 cũng khẳng định không thiếu và có phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ... Nên việc khan hiếm hiện nay chắc chắn là có vấn đề.
Nói lại cho rõ thôi chứ “có vấn đề” thì ai cũng thấy rồi. Cái cần phải làm rõ hơn chính là tình trạng thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu hiện nay. Sự “lệch pha” giữa kết quả thanh kiểm tra với thực tế thị trường đang gây bức xúc trong dư luận. Việc cây xăng treo biển hết hàng, hỏng trụ bơm, người bán cầm chừng... giữa thanh thiên bạch nhật, giữa lòng thành phố, thị xã, thị trấn... Rất nhiều người dân đều thấy, báo chí phản ánh cụ thể địa chỉ nhưng riêng cơ quan chức năng lại không thấy là rất vô lý. Cần nhớ, xăng dầu không chỉ là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến giá thành hàng hóa tiêu dùng mà còn là an ninh năng lượng. Vì vậy, chỉ cần một cây xăng bán cầm chừng thì tác động dây chuyền của nó rất lớn, gây hoang mang cho người dân, nảy sinh tâm lý đầu cơ tích trữ. Mà đầu cơ tích trữ xăng dầu rất nguy hiểm khi đối mặt với rủi ro cháy nổ... Đã có địa phương phải lên tiếng cảnh báo người dân không nên tích xăng dầu bằng can, chai nhựa trong đợt khan hiếm ngay sau Tết Nguyên đán cách đây chưa đầy nửa tháng. Nhưng nếu khan hiếm vẫn tiếp tục, thì mọi khuyến cáo chẳng có ý nghĩa gì trước nỗi lo không đủ xăng dầu để chạy xe, vận chuyển, sản xuất hàng hóa, lưu thông phân phối...
Ngoài vấn đề lợi ích, rõ ràng bệnh khan hiếm xăng dầu còn đến từ việc xử lý chậm chạp, chế tài chưa nghiêm minh với các hành vi găm hàng; sự “nuông chiều” với “yêu sách” của các đơn vị đầu mối, các nhà máy lọc dầu trong việc cung ứng cũng như điều hành thiếu linh hoạt của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến ngành này.
Thế nên, muốn trị dứt điểm căn bệnh khan hiếm trên thị trường xăng dầu vẫn liên tục tái diễn, có lẽ cần phải xem lại việc thanh kiểm tra luôn được tuyên bố rầm rộ, khẳng định cứng rắn nhưng vẫn bỏ lọt các hành vi vi phạm từ đầu mối cung cấp cho đến hoạt động phân phối kinh doanh xăng dầu trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó là xử lý những bất cập về cơ chế, điều hành, quản lý ngành xăng dầu nói chung là lỗi của nhà nước vì xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện. Người dân có quyền mua theo nhu cầu và được cung ứng đầy đủ.
Bình luận (0)