Trì hoãn điều trị khiến bệnh lý cột sống trở nặng

Liên Châu
Liên Châu
20/04/2019 05:03 GMT+7

Nhiều bệnh nhân bị bệnh lý cột sống chỉ chấp nhận điều trị “chính thống” khi đã quá nặng, thậm chí liệt, do đó giảm cơ hội được điều trị khỏi.

Tăng phản ứng viêm do đắp lá

Trước khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đức Giang, bệnh nhân (BN) Bạc Cầm Đ. (nam, 31 tuổi, ở xã Chiềng Pha, H.Thuận Châu, Sơn La) đã bị đau lưng nhiều năm, từng khám và điều trị nhiều nơi. Cách đây 2 tháng, BN có chỉ định phẫu thuật nhưng vẫn e ngại và tiếp tục điều trị thuốc nam ở quê.
Ngay trước nhập viện lần này, BN đột ngột không đi tiểu được, không đại tiện được, tê bì mất cảm giác vùng hậu môn sinh dục nên hốt hoảng đến khám tại BVĐK Đức Giang và nhập viện đêm 10.4.
Kết quả chụp X-quang và cộng hưởng từ cho thấy, mảnh đĩa đệm thoát vị cột sống L5 - S1 (vùng thắt lưng - xương cùng) đã bị trượt khỏi hai đốt sống, chui xuyên qua ống sống chèn các rễ thần kinh. BN được phẫu thuật giải phóng chèn ép và lấy mảnh đĩa đệm di trú đã chui vào khe giữa các rễ thần kinh.
Các phẫu thuật viên đánh giá, ca mổ điều trị cho BN Bạc Cầm Đ. đã phải kéo dài hơn 2 giờ so với cuộc phẫu thuật thông thường do BN đắp lá tại vùng đau làm tăng phản ứng viêm, dính gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Nếu BN quyết định mổ sớm thì đã không bị ảnh hưởng đến các cơ tròn chi phối đại, tiểu tiện.
Hiện tại BN đang được theo dõi sau mổ, cơ hội bình phục hoàn toàn rất hạn chế do trì hoãn mổ.
Bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, khuyên: "Những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nên đến khám tại các trung tâm phẫu thuật cột sống. Trường hợp có chỉ định phẫu thuật của bác sĩ chuyên khoa, BN không nên cố điều trị bằng phương pháp khác để tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc".
Tùy vào vị trí chèn ép do đĩa đệm bị trượt khỏi đốt sống, BN có thể bị liệt, hạn chế vận động. Nếu đĩa đệm chèn ép vào các dây thần kinh cảm giác vùng chậu - hông thì lại ảnh hưởng đến các tạng khác.

Kiểm soát tai biến trong mổ

Bác sĩ Kiên chia sẻ, tại BVĐK Đức Giang, các bác sĩ đã gặp nhiều BN bị thoát vị đĩa đệm khi đứng trước việc phải quyết định phẫu thuật đều rất e ngại, chần chừ. Một số người đi tìm các phương pháp điều trị khác như: thuốc nam, thuốc bắc, bó lá... với hy vọng tránh phẫu thuật. Nhưng việc trì hoãn này khiến bệnh trầm trọng hơn.
Bác sĩ Kiên cho biết, phẫu thuật cột sống hiện đã có bước tiến xa do tay nghề của phẫu thuật viên nâng cao; nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ giúp xác định chính xác vị trí phẫu thuật.
Trong trường hợp bác sĩ tác động gần dây thần kinh, thiết bị xác định cảnh báo thần kinh sẽ báo động, nhờ đó các phẫu thuật viên sẽ tránh được các can thiệp gây tổn thương dây thần kinh, tránh được các tai biến do mổ.
“Nhiều người vẫn cho rằng không mổ thì bệnh vẫn thế, mổ biết đâu nặng thêm và đi chữa chỗ này chỗ kia biết đâu lại khỏi. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì mảnh đĩa đệm vỡ sẽ chèn ép nặng hơn, gây những hậu quả đáng tiếc như trường hợp BN Đ. là một điển hình”, BS Trần Trung Kiên đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.