Triển khai nhanh chương trình phục hồi kinh tế

11/01/2022 06:30 GMT+7

Dự báo tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi lẫn thách thức đan xen trong năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kiểm soát lạm phát

Theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, năm nay sẽ tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Trong đó bao gồm việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 - 8%; tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên 35% GDP với việc lấy đầu tư công dẫn dắt. Song song sẽ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

VN đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6 - 6,5%

Phạm Quang Vinh

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng các mục tiêu của Chính phủ đề ra chỉ mang tính định hướng. Trong một thế giới vẫn có nhiều bất định như diễn biến của dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn tiếp tục, áp lực lạm phát. Như vậy quá trình phục hồi kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, trong đó có VN. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế VN rất lớn, vì vậy phục hồi của nền kinh tế cũng sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức độ phục hồi của nền kinh tế thế giới. Gần đây, phần lớn các dự báo trong và ngoài nước đều cho rằng tăng trưởng GDP của VN năm nay sẽ từ 6 - 6,5% với điều kiện có chương trình hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế đi kèm. Nếu không có chương trình hỗ trợ mang tính sâu rộng thì tăng trưởng GDP của VN chỉ có thể từ 4,5 - 5%. Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ đề ra cũng tương đồng với nhiều dự báo. Nhưng bản thân VN không thể kiểm soát được các biến số thì để đạt được mục tiêu đề ra phải kiên định với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó đặc biệt là việc thực thi chính sách như thế nào. Bởi trên thực tế, khả năng tiếp cận của người dân, của doanh nghiệp (DN) đối với các gói hỗ trợ trước đây là khá thấp. Theo đó, yêu cầu về trách nhiệm của việc kiểm tra, giám sát của cán bộ công chức trong thời gian tới khi thực hiện chương trình hỗ trợ, phục hồi kinh tế đã trình với Quốc hội. Trong đó có cả các vấn đề về hạ tầng, nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch...

Ông Thành nhấn mạnh: Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cơ quan chuyên môn, nếu thực hiện tốt các chính sách này thì tăng trưởng kinh tế VN sẽ có diễn biến tích cực, đạt được mục tiêu đề ra.

Covid-19 sáng 11.1: Cả nước 1.914.393 ca | Dịch bệnh ở Hà Nội lại lập “kỷ lục” mới

Hướng vốn vào sản xuất kinh doanh

Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022 thì quan trọng nhất là chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải được thực hiện nhanh, đúng đối tượng để đem lại hiệu quả cao. Quan trọng nhất là trong quá trình triển khai, làm sao để rõ ràng, chặt chẽ nhằm giảm thiểu việc dòng tiền không chảy vào sản xuất kinh doanh mà sang những lĩnh vực đầu cơ khác như bất động sản, chứng khoán. Song song đó, các khó khăn về pháp lý cần được tháo gỡ nhanh để DN, nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi mới đồng hành cùng Chính phủ để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cơ quan chuyên môn, nếu thực hiện tốt các chính sách này thì tăng trưởng kinh tế VN sẽ có diễn biến tích cực, đạt được mục tiêu đề ra

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), những chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ đưa ra và quyết ở tầm Nghị quyết ngay đầu năm 2022 chứng tỏ quyết tâm lớn của Chính phủ trong nỗ lực phục hồi kinh tế và sống chung an toàn với dịch. Chính vì sống chung với dịch nên tăng nguồn chi cho y tế là cần thiết. Nghị quyết 01 cũng là “kim chỉ nam” cho công tác triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất lịch sử với gần 350.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông cho rằng có một vài con số cần bàn bởi nó liên quan quá trình triển khai của các bộ ngành sau này. Chẳng hạn, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 7 - 8% là thấp mà phải đưa ra mục tiêu đạt 2 con số, tức trên 10%. Hay gói chi an sinh xã hội, dành 6.600 tỉ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong lúc này là không phù hợp.

Từ nhận xét trên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: Gói an sinh xã hội cần tập trung vào đào tạo lại lực lượng lao động, nâng cao tay nghề, cụ thể hóa ra bằng những bước đi cụ thể thế nào, chứ không nên làm chính sách hỗ trợ người lao động bằng kiểu “bấm đốt ngón tay” tự tính. Nghị quyết đưa ra tham vọng năng suất lao động phải tăng 5,5% để cạnh tranh với các nước, vậy ngành đào tạo việc làm cần có đề cương cụ thể, đào tạo cái gì, ngành nào để lao động có thể tăng được tỷ lệ đó, thậm chí cao hơn. Tương tự, gói hỗ trợ phát tiền cho người lao động để đóng tiền thuê nhà thì nên… bỏ đi. Thay vào đó có thể xem xét hỗ trợ người lao động được vay với lãi suất 0% với sự cam kết của chủ DN, công đoàn...

Trong gói hỗ trợ DN trị giá 110.000 tỉ đồng, cần cụ thể hóa về nhóm đối tượng cần hỗ trợ, cách thức, phương thức triển khai. Gói giãn, giảm, miễn 35 loại phí, lệ phí cho DN là rất tốt nhưng cần có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí logistics. Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, chi phí logistics đội lên nhiều và DN sẽ khó gánh chịu nổi khi kéo dài...

Cả nước đã phân bổ khoảng 185 triệu liều vắc xin Covid-19

Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát triển đồng bộ, ổn định các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản…

Thứ ba là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ tư là phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thứ năm là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu là thúc đẩy vùng liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.