Xe

Triển vọng thế giới hoàn toàn thoát khỏi đại dịch Covid-19 trong năm 2023

17/12/2022 15:00 GMT+7

Dù triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường đang trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết, thế giới vẫn cần tiếp tục chú ý đến đại dịch Covid-19 trong năm 2023.

Các vật trang trí Giáng sinh lấy cảm hứng từ đại dịch Covid-19 được bày bán tại Thụy Sĩ ngày 6.12

reuters

Đối với nhiều nơi trên thế giới, năm 2022 đánh dấu thời điểm đại dịch Covid-19 bước vào giai đoạn kết thúc. Sự thay đổi này có thể được nhìn thấy rõ sau những nỗ lực mở cửa nhưng thất bại ở nhiều quốc gia.

Khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối năm 2021 với khả năng gây tái nhiễm làm số ca mắc Covid-19 tăng đột biến sau đó, chủng virus này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi cho các nhà khoa học và dẫn đến những dự đoán nhầm lẫn về khả năng trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, tình hình trở nên ổn định hơn. Theo Reuters, cho đến nay, các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên quan chặt chẽ với Omicron và có những đặc điểm giống với chủng virus này.

Năm 2023, thế giới sẽ thật sự bỏ lại đại dịch Covid sau lưng?

Với nhiều người, việc tiêm vắc xin đã giúp giảm nguy cơ trở nặng và tử vong sau khi mắc Covid-19. Các công ty dược phẩm cũng phát triển thế hệ vắc xin tăng cường mới nhắm vào các biến thể Omicron. Cộng đồng y khoa cũng đã đưa ra nhiều phương pháp cải tiến để điều trị cho những người bị bệnh.

“Dường như bằng cách nào đó, virus đã mắc kẹt trong thung lũng tiến hóa này. May mắn thay, không có biến thể khác biệt đáng kể nào xuất hiện”, tiến sĩ Daniel Kuritzkes, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham and Women's thuộc Trường Y Harvard ở Boston, Massachusetts (Mỹ), cho biết.

Vì vậy, đeo khẩu trang hiện không còn là yêu cầu bắt buộc ở nhiều nơi. Trường học đã tiếp tục tổ chức các lớp học trực tiếp. Các chuyến du lịch, kỳ nghỉ lễ và các lễ kỷ niệm lớn đã quay trở lại. “Đại dịch đã kết thúc”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu vào tháng 9, đề cập đến việc người Mỹ đang thay đổi hành vi của mình.

Tuy vậy, các quan chức y tế toàn cầu cảnh báo người dân không nên mất cảnh giác dù họ thừa nhận rằng triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường có sự thay đổi lớn sau gần 3 năm đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 được đưa ra vào tháng 1.2020.

"Chúng ta vẫn chưa đạt đến đó. Nhưng kết thúc đã ở trước mắt", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với báo giới ngay sau phát biểu của Tổng thống Biden vào tháng 9.

Vì sao cần tiếp tục chú ý đến Covid-19?

Mặc dù mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến từ Covid-19 đã giảm bớt ở nhiều nơi, đại dịch vẫn tiếp tục tác động đến cuộc sống hàng ngày.

Gần 7 triệu người đã tử vong vì Covid-19. Mỗi ngày, thế giới vẫn đang ghi nhận gần 2.000 nạn nhân. Các đợt bùng phát mới tiếp tục khiến mọi người không thể đi làm hay đi học và nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài dường như gia tăng sau những lần tái nhiễm. Sự phân bổ vắc xin, mũi tiêm nhắc lại và phương pháp điều trị vẫn còn bất bình đẳng trên toàn cầu.

Thêm kết luận bày tỏ nghi ngờ nguồn gốc Covid-19

Điều này có ý nghĩa gì vào năm tới?

Đối với nhiều chuyên gia, năm 2023 sẽ hướng toàn bộ sự chú ý vào tác động của Covid-19 đối với sức khỏe toàn cầu.

Dữ liệu cho thấy đại dịch đã làm gián đoạn tất cả các loại hình chăm sóc sức khỏe, từ tiêm chủng cho trẻ em đến khám sàng lọc ung thư. Tuổi thọ ở một số quốc gia đã giảm, trong khi những lo ngại về sức khỏe tâm thần tăng vọt. Những tác động của Covid-19 kéo dài chỉ vừa mới được ghi nhận trong khi lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia trở nên hiển hiện hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là liệu những thay đổi trong thời gian đại dịch có tiếp tục tồn tại hay không và có thể thực hiện loại chính sách nào để thích nghi. WHO và các quốc gia thành viên đang thảo luận về một hiệp ước đại dịch để phản ứng tốt hơn đối với các đợt bùng phát mới trong tương lai.

Covid-19 sẽ tiếp tục khiến những người bị suy giảm miễn dịch và khi các ca bệnh gia tăng ở một địa phương cụ thể phải chú ý. Trong những trường hợp như vậy, mọi người nên cân nhắc việc đeo lại khẩu trang ở những nơi đông người và nên cập nhật thông tin về các loại vắc xin hiện có.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm vẫn cảnh giác trước khả năng xuất hiện một biến thể SARS-CoV-2 mới có thể làm suy yếu đáng kể vắc xin và phương pháp điều trị hiện hữu.

Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết những khoảng cách trong tỷ lệ xét nghiệm và tiêm chủng Covid-19 "đang tiếp tục tạo điều kiện hoàn hảo cho một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện có thể gây ra tỷ lệ tử vong đáng kể".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.