Trình Quốc hội gói hỗ trợ kinh tế hơn 400.000 tỉ đồng

Anh Vũ
Anh Vũ
04/01/2022 11:52 GMT+7

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ , sáng nay 4.1, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội .

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Nhà nước tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
gia hân

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chính thức phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên khai mạc, báo cáo Quốc hội Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay, mục tiêu của chương trình nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, gói kích thích nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo báo cáo, chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023, gồm:

Thứ nhất mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỉ đồng).

Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỉ đồng).

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỉ đồng).

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỉ đồng).

Thứ 5, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng.

Về chính sách tiền tệ, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ xác định điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong 2 năm.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội
gia hân

Chính phủ trình sử dụng khoảng 46.000 tỉ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; theo dõi sát tình hình, sẵn sàng bán can thiệp thị trường ngoại tệ trong trường hợp phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước tác động tới thị trường ngoại hối.

Các giải pháp khác gồm: sử dụng khoảng 5.000 tỉ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1.000 tỉ đồng để mua máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; sử dụng khoảng 5.000 tỉ đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh...

Như vậy, kể cả chính sách tài khóa và tiền tệ cùng các nguồn khác, Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy mô gói hỗ trợ khoảng hơn 400.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.