Trịnh Xuân Thành: 'Chiến binh' chơi tốt nhiều vị trí trước cả 'đàn em' Trọng Hoàng

Lê Tân
Lê Tân
18/05/2020 07:15 GMT+7

Trước Trọng Hoàng, có lẽ Trịnh Xuân Thành, ngôi sao một thời của bóng đá Hải Phòng là người có khả năng thi đấu tốt ở nhiều vị trí nhất đội tuyển Việt Nam.

 

Trái tim quả cảm từ hạng nhất 

 

Năm 2002, HLV Calisto có “nhiệm kỳ” đầu tiên làm HLV trưởng Đội tuyển quốc gia Việt Nam. Đây là là thời điểm rất khó khăn bởi hàng loạt hảo thủ thuộc thế hệ vàng như Hồng Sơn, Trần Tiến Anh, Thiện Quang, Công Minh, Đỗ Khải, Việt Hoàng chia tay đội tuyển. Để chuẩn bị cho Tiger Cup 2002, HLV Calisto vẫn còn có Huỳnh Đức, Minh Quang, Đức Thắng, Quang Hà, Văn Sỹ, Phương Nam làm trụ cột nhưng những người mới như Xuân Thành, Thế Anh, Minh Phương, Tài Em, Trường Giang, Huỳnh Hồng Sơn và Văn Quyến vẫn khiến người hâm mộ lo lắng. Trong đó, Trịnh Xuân Thành là gương mặt gây nhiều sự tranh cãi nhất.

 

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, từ bé, Trịnh Xuân Thành đã lăn lộn với trái bóng tròn. "Tôi và anh cả Trịnh Xuân Thắng mê bóng đá từ bé. Anh em tôi theo tập chú Công “khèo” ở đội nghiệp dư của Q.Lê Chân. Năm 1991, tôi theo anh Thắng lên ăn tập ở đội Quân khu 3. Đến năm 1993 thì về lại Hải Phòng và được tuyển vào lớp năng khiếu bóng đá của Trường Văn hóa Hải Phòng”, Trịnh Xuân Thành bồi hồi nhớ lại những ngày đầu theo nghiệp quần đùi áo số.


Năm 1995, Sau khi đội Công an Hải Phòng vô địch Cup Quốc gia, nhiều cầu thủ giỏi của đội đã giải nghệ. Trịnh Xuân Thành được đôn lên đội 1. Thời điểm đó, cầu thủ sinh năm 1976, Xuân Thành đá tiền đạo và cùng với Trường Sơn được đánh giá là nhân tố nhiều triển vọng của bóng đá đất cảng. "Lúc mới lên đội 1, tôi đá bản năng lắm. Tuy nhiên, những ngày làm đồng đội với anh Đinh Thế Nam giúp tôi phát triển về tư duy rất nhiều. Từ đó tôi mới thấy, được chơi với người giỏi sẽ khiến mình tiến bộ hơn. Điều này càng rõ ràng khi tôi được lên tuyển. Đó như 1 thế giới bóng đá hoàn toàn khác", Trịnh Xuân Thành chia sẻ.

Xuân Thành đối đầu với trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng (Dũng giáp) ở V-League

Tư liệu


Thời điểm đó, Công An Hải Phòng gặp rất nhiều khó khăn về lực lượng, tinh thần thi đấu nên thành tích không được tốt. Thậm chí đội còn phải xuống chơi ở giải hạng Nhất sau mùa giải 2001 - 2002. Trong bức tranh tối của bóng đá đất cảng khi đó, Trịnh Xuân Thành trở thành điểm sáng hiếm hoi với khả năng chơi bóng kỹ thuật cùng sự cần mẫn, nhiệt tình. Chính những tố chất này đã giúp Thành “hói” (biệt danh của Trịnh Xuân Thành vì luôn để đầu trọc) lọt vào mắt xanh của HLV Calisto.


Đánh giá về Trịnh Xuân Thành, HLV Calisto từng nói: “Thành có một trái tim quả cảm. Tôi cần những trái tim quả cảm, chứ không cần những cầu thủ có một chút tài nhưng luôn nghĩ mình là sao". Chính vì vậy, HLV Calisto đã cương quyết bảo vệ Xuân Thành trước vô số hoài nghi. Trịnh Xuân Thành chia sẻ: “Thực ra, từ lúc được thầy Tô gọi lên đội tuyển, tôi luôn lo lắng. Tôi đến từ một đội bóng đã xuống hạng. Suốt quá trình tập huấn, tôi luôn trong danh sách các cầu thủ có thể về nhà. Tôi phải chiến đấu nhiều hơn, chăm chỉ hơn”.

Xuân Thành (phải) trong màu áo tuyển Việt Nam

Zenda Tuấn


Không phụ lòng tin của HLV Calisto, “chiến binh quả cảm đến từ hạng nhất” Trịnh Xuân Thành đã có một kỳ Tiger Cup cực kỳ thành công. Chắc chắn, người hâm mộ Việt Nam không thể quên bàn thắng gỡ hòa mà Trịnh Xuân Thành ghi vào lưới Myanmar ở loạt trận cuối cùng vòng bảng. Nhờ bàn thắng đó, đội tuyển Việt Nam đã giải tỏa rất nhiều sức ép để thi đấu thăng hoa. Chiến thắng với tỉ số 4 - 2 trước Myanmar cũng đã giúp thầy trò HLV Calisto vượt qua chủ nhà Indonesia giành luôn ngôi đầu bảng A. “Bàn thắng đó làm tôi hưng phấn đến nỗi sau đó phải nhận thẻ đỏ vì thi đấu quá sung. Rất may, tôi không bị thầy Tô trách mắng”, Trịnh Xuân Thành cười hiền nhớ lại.


Thực ra, ngoài tinh thần chiến đấu, cần mẫm thì sự đa năng cũng là yếu tố quan trọng giúp Trịnh Xuân Thành được HLV Calisto ưu ái. Thời mới lên đội 1 của Công An Hải Phòng Trịnh Xuân Thành đá ở vị trí tiền đạo. Dần dần, Thành “hói” lùi xuống đá tiền vệ công hoặc hai biên. Lên tuyển, HLV Calisto cho Xuân Thành thử đá nhiều vị trí.

 

Thành còn được coi là phương án dự phòng số 1 cho Minh Phương ở vị trí hậu vệ phải. “Bản thân mình có nền tảng kỹ thuật tốt nên chỉ cần tư duy thêm là thích nghi được với vị trí mới. Ngay khi được bố trí đá ở hàng tiền vệ 3 người. Tôi cũng dễ dàng luân chuyển vị trí công thủ với Trường Giang và Tài Em”, Xuân Thành bộc bạch. Với HLV Calisto, sự đa năng đó là rất quan trọng trong các tính toán chiến thuật. 

Xuân Thành, chiến binh quả cảm

NVCC

 
Chính cách chơi rất nhiệt và đa năng của Xuân Thành mà phảng phất sau này nhiều người hâm mộ nhìn thấy ở đàn em Trọng Hoàng cho thấy từ thời đầu những năm 2000 cầu thủ Hải Phòng này đã thể hiện tính đa năng mà bất cứ nhà cầm quân nào cũng ưa thích. Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận xét " Xuân Thành là mẫu cầu thủ rất chịu khó trên sân, luôn chơi rất nhiệt và không nề hà bất cứ khó khăn nào. Một mẫu cầu thủ lên công về thủ rất nhịp nhàng với tính chiến đấu vô cùng cùng mãnh liệt.."
Khát khao cống hiến cho bóng đá quê hương

Sau thành công ở Tiger Cup 2002, Xuân Thành nhận được rất nhiều lời mời chào hấp dẫn của các đội bóng khác. Tuy nhiên, Xuân Thành chưa vội đồng ý. “Khoác áo Công An Hải Phòng tôi có biên chế trong ngành công an. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ xác định mình đá bóng vì biên chế ngành. Năm 2002, đội bóng được chuyển cho Sở Thể dục thể thao. Nhiều anh em nghỉ đá bóng về công tác trong lực lượng. Tôi xin ở lại. Tôi muốn đưa đội bóng quê hương thăng hạng”, ngôi sao lớn nhất ở Hải Phong khi đó chia sẻ.

Xuân Thành luôn thể hiện tinh thần chiến đấu cao

NVCC

 

Mùa giải 2002 - 2003, đội bóng thành phố hoa phượng đỏ có tên mới là Thép Việt Úc - Hải Phòng thăng hạng. Đây cũng là lúc Xuân Thanh chia tay đội bóng quê hương để về đầu quân cho đại gia mới nổi Becamex Bình Dương. Ngay ở trận đầu tiên trong màu áo mới, Trịnh Xuân Thành đã có màn ra mắt thuyết phục khi ghi hai bàn trong chiến thắng 5-1 trước Ngân Hàng Đông Á ở Cup Delta (giải giao hữu).


Sau 3 năm thi đấu cho Becamex Bình Dương, Trịnh Xuân Thành tiếp tục về đầu quân cho Thép miền Nam -Cảng Sài Gòn, Thể Công rồi giải nghệ ở Hòa Phát Hà Nội năm 32 tuổi. “Sau khi giải nghệ, tôi cũng đi học thêm vì muốn theo đuổi công tác huấn luyện. Với sự đa năng và kinh nghiệm của mình, tôi tin là có thể làm tốt. Cũng có vài nơi mời tôi về làm trẻ nhưng tôi lại muốn về Hải Phòng để tìm cơ hội cống hiến. Tiếc là với tình hình bóng đá Hải Phòng khi đó và bây giờ không như tôi kỳ vọng, mong muốn làm công tác đào tạo trẻ chuyên nghiệp vẫn chưa thành.”, Xuân Thành buồn bã nói.

Xuân Thành trong màu áo Becamex Bình Dương

 

Xuân Thành trong màu áo Hòa Phát

Thực tế, mang tiếng là có đội bóng đá V-League nhưng việc đào tạo bóng đá trẻ ở Hải Phòng hiện nay rất tệ. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đã giải thể. Các lứa trẻ ăn tập mà không biết tương lai sẽ ra sao. Nhân tài đất cảng không còn mặn mà cống hiến cho quê hương mà tìm đến các học viện, trung tâm khác như Viettel, VPF, Hoàng Anh Gia Lai. Điều đó khiến Trịnh Xuân Thành và nhiều danh thủ khác của Hải Phòng đau xót. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thành vẫn hi vọng: “Nếu trong thời gian tới, bóng đá Hải Phòng sẽ được vận hành một cách chuyên nghiệp, bài bản từ gốc. Tôi sẵn sàng cống hiến mà không quan tâm đến vật chất”.


Còn hiện tại, Trịnh Xuân Thành đang có một cuộc sống ổn định với công việc ở Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng. Cựu danh thủ này cũng là gương mặt thân quen của nhiều giải bóng đá phủi. Tuần nào, Xuân Thành cũng phải chơi vài trận bóng trên đủ thể loại sân. Có lẽ vì thế, dù đã bước sang tuổi 44 nhưng chiến binh của thầy Calisto vẫn giữ được sự bền bỉ, dẻo dai khiến nhiều thanh niên phải nể phục. 

Xuân Thành ra sân giao hữu cùng các cựu danh thủ một thời tại sân PVF

Xuân Thành ra sân đá với các cựu cầu thủ như thủ môn Mạnh Dũng của Hải Phòng

NVCC

Xuân Thành và gia đình nhỏ của mình

NVCC

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.