Chị Võ Huyền Chân (27 tuổi), nhân viên siêu thị tại TP.Cần Thơ cho biết năm nào cũng vậy, ăn tết xong là chị được cha mẹ chuẩn bị cho rất nhiều quà quê mang lên thành phố, nào là thức ăn đã chế biến, cá tươi làm sẵn, bánh trái, nước ngọt...
Mẹ chị Chân cắt rau đồng cho con mang đi |
THANH DUY |
Chị Chân chia sẻ: “Biết ngày tôi đi, cha mẹ thức rất sớm để chuẩn bị quà, gói ghém cẩn thận để hành trình vượt đường xa được trơn tru. Hầu như có bao nhiêu thức ăn ngon trong nhà là cha mẹ đều muốn cho con cái mang đi, không muốn giữ lại thứ gì cho mình cả”.
Tương tự, chiếc xe máy của anh Nguyễn Công Chí Nguyện (34 tuổi) cũng gồng gánh đồ đạc của cha mẹ gửi mang lên tỉnh Bình Dương. Chừa chỗ ngồi thoải mái, còn lại những vị trí của xe có thể treo, móc, đựng thức ăn thì không chỗ trống. Thậm chí, anh Nguyện còn phải chế thêm thanh gác ngắn sau yên xe để treo nải chuối và con gà mái tơ.
Anh Nguyện bộc bạch: “Mẹ biết tôi có tủ lạnh nên gửi rất nhiều thứ đồ ăn, bảo không ăn kịp thì để dành ăn từ từ. Mỗi năm tôi về nhà chỉ có 3 - 4 lần nên cha mẹ luôn hỏi tôi muốn ăn gì để chiều ý. Nếu không đi mua trực tiếp được thì cha mẹ tìm cách liên hệ gửi người này người kia cho tôi mang lên thành phố”.
Các bạn trẻ lỉnh kỉnh mang hành lý và quà quê của cha mẹ gửi khi trở lại thành phố |
THANH DUY |
Còn theo chị Nguyễn Ngọc Diễm (26 tuổi), với mỗi món quà, chị cảm nhận được tình thương của cha mẹ dành cho mình rất nhiều. Những ngày trong tết, cha mẹ quây quần dưới gian bếp để nấu những bữa cơm gia đình. Khi chị trở về Đồng Tháp làm việc, họ lại tất bật chuẩn bị những món quà quê gửi mang theo.
“Mẹ cha đoán tâm lý rất hay, toàn gửi món tôi thích kiểu hương đồng gió nội. Từ sáng sớm, ông bà đã ra ruộng để hái rau dại, làm cá. Trái mít chuột cắn một lỗ nhỏ và nải chuối mới ngả chín cha mẹ cũng bỏ vào bao cho tôi mang theo. Đối với một số người, họ có thể chê những món quà này có giá trị thấp. Nhưng với tôi thì nó rất đong đầy tình thương, tôi luôn tự hào về gốc gác ‘quê mùa’ của mình”, chị Diễm bày tỏ.
Muốn con tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nguyên (62 tuổi, quê huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết việc con cái đi làm ăn xa xứ để lo cơm áo gạo tiền khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Đó cũng là lý do sau tết, cha mẹ thường "ép" con cái mang theo nhiều quà quê lên thành phố để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
“Tôi thường nấu những món có thể lâu ngày như thịt kho, chả lạnh, chả lụa để gửi cho gia đình người con gái đi làm công nhân ở TP.HCM. Mỗi năm, con chỉ về được ít lần nên ở nhà có gì tôi cũng muốn gửi cho con”, bà Nguyên trải lòng.
Bà Năm chuẩn bị sẵn cá lóc để gửi con sau kỳ nghỉ tết |
THANH DUY |
Đối với nhiều cha mẹ, không phải sau tết còn gì thì cho đó, mà những món quà quê đã được chuẩn bị từ trước để gửi con cái. Vì vậy, bên cạnh bánh mứt, nước ngọt thì bà Lưu Thu Năm (47 tuổi, ngụ tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) còn dự trữ sẵn cá đồng, khô cá lóc, trứng vịt để gửi cho con khi trở lên thành phố làm việc có ăn.
“Tôi nghe các con nói ăn đồ chợ riết ngán quá nên khó khăn thế nào cũng ráng tìm đồ đồng tự nhiên để gửi cho con. Những món quà mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Tôi cảm thấy vui vì các con trân trọng tình cảm và tấm lòng của mình”, bà Năm nói.
Theo anh Nguyễn Bá Thành (34 tuổi), công nhân xưởng gỗ ở TP.HCM, thành phố có bán đủ mọi thứ nhưng với anh, những món quà quê của cha mẹ gửi cho mới là ngon nhất, gợi nhiều cảm xúc nhất. Hơn 4 năm qua, anh đã bay nhảy nhiều nơi để kiếm sống, được bà con đối xử đàng hoàng, tử tế. Nhưng suy cho cùng, không nơi nào bao dung hơn quê hương, nhiều tình thương hơn gia đình và không một ai có tấm lòng bao la hơn cha mẹ.
Giới trẻ miền Tây trở lại các thành phố lớn với nhiều thứ quà quê của cha mẹ gửi cho |
THANH DUY |
“Dẫu chuyện làm ăn có lúc thăng lúc trầm, tôi cũng lớn rồi nhưng bao giờ về với cha mẹ cũng được yêu thương, được chăm sóc. Sau tết, mỗi lần đi làm ăn xa tôi đều được cha mẹ gửi cho rất nhiều quà quê giản dị. Chuẩn bị quà cho con cái chứ cha mẹ còn vui hơn mình. Vì vậy, dù tha phương cầu thực thì mỗi năm tôi đều cố gắng tranh thủ về ăn tết cùng gia đình, xem đó cũng như một cách để trả ơn cho cha mẹ”, anh Thành nói.
Bình luận (0)