Trời se lạnh, mưa lớn kéo dài, coi chừng gặp bệnh

Phạm Hữu
Phạm Hữu
05/10/2023 07:00 GMT+7

Bước qua tháng 10, những cơn mưa lớn kéo dài kèm nhiệt độ xuống thấp là một trong những tác nhân gây bệnh mà nhiều người trẻ thường gặp như cảm lạnh, sốt xuất huyết, ho hoặc đau mắt đỏ...

Với tình trạng mưa liên tục trong nhiều ngày thì bạn trẻ cần nhận diện những tác nhân gây ra các loại bệnh, cách phòng tránh và chăm sóc tốt cơ thể.

Trời se lạnh, mưa lớn kéo dài, coi chừng gặp bệnh - Ảnh 1.

Mưa nhiều cùng nhiệt độ giảm thấp dẫn đến nguy cơ mắc nhiều căn bệnh ảnh

Phạm Hữu

Bác sĩ Bùi Huy Hoàng (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM) cho biết bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng phổ biến nhất là vào mùa mưa. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn mang vi rút đốt và truyền vào người. Khi bị nhiễm vi rút gây sốt xuất huyết, người bệnh thường có những triệu chứng như: sốt cao, rối loạn đông máu, xuất huyết, mệt mỏi và đau nhức cơ, thường có dấu chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam...

Theo bác sĩ Hoàng, để phòng bệnh, các bạn trẻ cần mặc quần áo dài, ngủ màn để tránh muỗi đốt. Xử lý các nơi chứa nước tù đọng để không có nơi cho muỗi đẻ trứng và diệt lăng quăng nếu có. Ngoài ra nên phun thuốc diệt côn trùng, giữ cho nhà thông thoáng để không trở thành nơi thích hợp cho muỗi ở. Khi có dấu hiệu sốt cao phải đến ngay bệnh viện để được khám, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị tại nhà.

Bác sĩ Hoàng nói thêm, hiện nay thời tiết mưa nhiều kèm theo nhiệt độ giảm thấp dễ làm cơ thể bị nhiễm lạnh. Chưa kể sự thay đổi thời tiết này làm tăng nguy cơ bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm mũi họng, phổi, phế quản. Nguyên nhân đây là thời điểm khá thuận lợi cho vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc sinh trưởng và tấn công vào cơ thể gây bệnh. Do đó cần giữ ấm cơ thể, mặc quần áo dài, cẩn thận khi ngủ trước quạt máy, điều hòa nhiệt độ khi thời tiết trở lạnh. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với người đang cảm cúm để tránh bị lây nhiễm.

"Trong nước mưa có thể chứa vi khuẩn, bụi hay các tạp chất, nếu rơi thẳng vào mắt làm nhiễm trùng, từ đó gây nên các bệnh như: đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Bạn trẻ cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, dùng riêng khăn lau mặt, thường xuyên rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn", bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Ngoài ra, hai bệnh đau xương - khớp và đường tiêu hóa cũng gây nhiều ảnh hưởng đến đối tượng trẻ. Bác sĩ Hoàng cho biết để tránh nguy cơ mắc những căn bệnh nói trên, sau khi bị mắc mưa nên tắm lại bằng nước ấm, lau người thật khô, uống các loại nước nóng. Đặc biệt phải uống đủ nước, vì khi trời lạnh cơ thể thường bị đánh lừa về tình trạng dư nước. Bên cạnh đó, cần kiểm tra nguồn thực phẩm, nước uống, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể thao thường xuyên nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.