Trọn nghĩa vẹn tình

07/10/2022 09:00 GMT+7

Trên quãng đường 1.300km chạy dịch về quê. Một phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số vạch áo cho đứa con 10 ngày tuổi bú, giữa hàng chục người bên những chiếc xe máy cà tàng ven đường. Trong chốc lát, tôi quyết định chở mẹ con về quê.

Thảm cảnh bên đường và động lực

Trưa 26.9.2021, nghe tin đoàn người dân tộc thiểu số (có sản phụ và trẻ 10 ngày tuổi) đi xe máy từ huyện Bù Đăng, Bình Phước về huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An sắp đến Đà Nẵng, tôi liền đến tác nghiệp. Bên lề Quốc lộ 14B (thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), có hơn 20 người Mông nghỉ bên đường, hành lý chất đầy trên những chiếc xe máy cà tàng. Người mẹ trẻ Xồng Y Rê (sinh năm 2002; quê thôn Huồi Ức, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) vô tư vạch áo cho con bú.

Mẹ con chị Xồng Y Rê ăn cơm khi xe dừng bên đường tại đường tránh TP.Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) vào tối 26.9.2021

hoàng quân

Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng tặng mỗi gia đình 1 triệu đồng cùng nước, nhu yếu phẩm và liên hệ xe chở mẹ con sản phụ về quê. Chị Rê mới sinh còn yếu và đứa trẻ còn đỏ hỏn sẽ gặp khó khăn, hiểm nguy nếu tiếp tục đi xe máy thêm 800km nữa trên đường “trốn dịch” hơn 1.300km từ huyện Bù Đăng về Kỳ Sơn.

Tôi vững tin bởi thấy bà con có xét nghiệm nhanh âm tính, được tiêm vaccine 1 lần và nghĩ họ chưa mắc Covid-19 vì gần 500km đã đi phải xét nghiệm nhanh ở nhiều chốt dọc đường. Lúc đó dịch căng, việc kiểm soát ở các chốt rất chặt chẽ.

“Nhìn những cặp mắt đỏ lòm của những người đồng bào do chạy xe máy suốt 3 ngày qua, ai cũng xót xa. Gọi xe hỏi chi phí 10 triệu đồng, nhưng bác tài yêu cầu phải có xét nghiệm PCR thì đi qua chốt mới được. PCR thì 6 tiếng nữa mới có kết quả. Mấy anh em đang tính phương tiện thì anh Hoàng Quân - Báo Công an TP.HCM đến và nói để anh đưa họ về vì anh đã tiêm 2 mũi rồi và có giấy đi đường. Tôi không nghĩ là anh Quân nhận giúp vì anh ấy chỉ lên thăm họ như chúng tôi chứ đâu có chuẩn bị để đi một chuyến xe dài về đến vùng núi Kỳ Sơn”, anh Khương (Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng) chia sẻ sau khi tôi lái xe cá nhân chở mẹ con sản phụ Xồng Y Rê và vợ chồng anh Lầu Bá Giờ (32 tuổi; quê xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn; người bà con với chị Rê).

Xe bon bon. Tôi không nghĩ nhiều về chặng đường phía trước gập ghềnh ra sao, việc mình làm giúp được gì, mà nghĩ nếu dùng dằng thì rất khó chịu. Nếu không quyết nhanh, mẹ con sản phụ tiếp tục về bằng xe máy, lỡ có chuyện chẳng lành dọc đường thì mình ăn năn. Chiếc Fadil nhỏ cũng đủ chỗ cho những người Mông xa lạ và lái xe không chuyên là tôi.

Dọc đường qua các chốt, chúng tôi khai báo y tế, cam kết không được tiếp xúc... với người khác. Mưa to. Trời tối. Tôi căng mình chạy và cố bắt chuyện cho rôm rả để tập trung lái xe. Anh Giờ kể, tháng 4.2021, anh và nhiều người vào Bù Đăng làm công nhân cao su, lương 6 - 7 triệu đồng/tháng/người. Làm được 2 tháng thì dịch bệnh phức tạp ở TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước. Mấy tháng nghỉ làm, ăn ở cũng sạch tiền, lại thiếu gạo, thức ăn và lo nhiễm bệnh nên mọi người về quê. “Về quê mới sống được, có rau ăn rau, ngô ăn ngô, sắn ăn sắn… chứ ở lại không biết ra sao”, anh Giờ nói.

Người viết trao quà của một số người thiện nguyện và của UBND huyện Kỳ Sơn hỗ trợ mẹ con sản phụ Xồng Y Rê và vợ chồng anh Lầu Bá Giờ

hoàng quân

Người Mông say xe, đường xa và vốn đã mệt vì đi xe máy 3 ngày nên đuối, nhác nói chuyện, không muốn ăn. Họ muốn sớm về nên luôn hối tôi chạy. Sản phụ khóc nức nở, không ưng bụng khi nghe nói sẽ cách ly tập trung ở TP.Vinh, Nghệ An vì rất xa nhà, xa người thân. Tôi động viên, hứa sẽ đưa đến huyện nên mọi người an tâm hơn, ăn uống ngon lành.

Trời càng tối. Mưa vẫn to. Tôi nhắc Giờ cùng nhìn đường. Giờ nói chắc nịch: “Cán bộ yên tâm! Em không ngủ đâu. 5 phút sau liếc sang ghế phụ thấy Giờ nhắm mắt, ngáy khò khò. Đường xa lắm nẻo gian nan mà thấy mẹ con sản phụ an toàn, người mẹ không phải đứng bên đường vạch áo cho con bú, tôi mừng. Cứ đi, mệt nghỉ và sự tự tin, hướng thiện giúp những người Mông được an toàn.

Cái kết vẹn nghĩa tình

Đến Hà Tĩnh, chiếc xe nhỏ oang oang bởi những cuộc điện thoại của đồng nghiệp thông tin về lịch trình từ Vinh đến Kỳ Sơn hơn 360km, mưa lớn, ngập nước, sạt lở núi… nên xe ôtô lớn của UBND huyện Kỳ Sơn về Vinh đón hơn 100 người Mông từ Bình Phước về. Riêng những người trên xe tôi được bố trí 1 xe cấp cứu để đưa về.

Tôi vẫn tỉnh táo, tự tin và càng có thêm động lực để lái xe. Lúc 0 giờ 50 ngày 27.9.2021, chúng tôi đến chốt kiểm dịch ở cửa ngõ vào Vinh, cũng là nơi hẹn để giao người. Sau các thủ tục y tế, mọi người được cán bộ huyện Kỳ Sơn đón nhận.

Cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đón người

hoàng quân

Hoàn thành chuyến xe nghĩa tình xong cũng gần 2 giờ sáng; tôi nghỉ luôn trên xe, cạnh chốt trực. Đêm như dài thêm. Tôi vui vì chuyến đi gần trọn vẹn, những người Mông sắp đến quê an toàn. Cả chặng đường, tôi luôn dứt khoát nhưng lần này lại đắn đo. Chỉ cần qua chốt này, đi chỉ thêm 100km nữa là đến nhà mình (nơi sinh ra, lớn lên); để mẹ và các em được thấy tôi bằng da bằng thịt và thắp nén hương cho bố (đã mất 9 năm) mà suốt 2 năm dịch phức tạp, tôi chưa thể về quê. Nhưng về sẽ cách ly có thể lâu dài trong khi công việc, vợ con… vẫn ở Đà Nẵng. Tôi đành ngủ lại trên xe, chờ ngày sớm hết dịch đưa vợ con cùng về quê.

Ngủ đến sáng (28.9.2021) thì anh em báo chí ở Nghệ An đem đồ ăn, thức uống, món quà đậm ân tình xứ Nghệ ra chốt động viên, tiếp tế và chia tay tôi về Đà Nẵng. Những người Mông đoàn tụ, đến cách ly tập trung. Liên lạc liên tục được kết nối và được biết bà con khỏe, không mắc Covid-19. Mẹ con sản phụ an toàn, được chăm sóc trong sự yêu thương, đùm bọc ở quê nhà . Hy vọng lớn lên, cháu Và Tiểu Bảo (đứa trẻ trên đường chạy dịch) chăm học nên người, biết lo cho bản thân, gia đình và giúp ích cho xã hội.

Tôi không mong bạn tin vào câu chuyện của tôi mà muốn bạn thấy tôi đã sống cùng câu chuyện ra sao. Việc tôi làm, không phải cứu người hay to tát gì ghê gớm lắm. Tôi chỉ là nhóm que diêm vào đống củi ai đó đã gom để cho ấm căn phòng. Tôi chỉ khơi dậy tấm lòng tốt sẵn có của nhiều người. Giữa giông lốc cuộc đời, có lúc tôi chọn máu điên, dứt khoát, vượt rào trong sự chấp nhận được và trái tim mách bảo, miễn đừng gây tổn hại, hậu quả đến người khác và xã hội. Tôi không cổ xúy việc mình làm và không mong để nổi tiếng, được khen, biểu dương. Tôi chỉ là người thật, việc thật, có chút cảm tính, bột phát cá nhân trước tình cảnh éo le ấy. Và may mắn, cái kết vẹn nghĩa tình.

Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn có thư bày tỏ: “Thay mặt những người con xa xứ của quê hương Kỳ Sơn, thay mặt nhân dân huyện nhà, tôi xin dành tấm chân tình và lời biết ơn sâu sắc đến hành động nhân ái của anh Hoàng Quân, nhóm tình nguyện Đà Nẵng, anh chị em báo chí mọi miền từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, những anh chị mạnh thường quân… và tất cả những tấm chân tình đã dành cho con em của chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn, bôn ba nơi đất khách quê người. Những sự giúp đỡ chân tình đó, chúng tôi, những người dân Kỳ Sơn sẽ luôn luôn ghi nhớ. Xin kính chúc các anh chị luôn dồi dào sức khỏe, may mắn và thành công”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.