0,8 mét - 1,5 mét là chiều sâu ngắn nhất - dài nhất của một số ngôi nhà sau khi bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2. Có người tận dụng chút đất ít ỏi xây lên những căn nhà “siêu mỏng” cho thuê lại để trang trải thêm, có người cố bám trụ.
“Đúng là một năm nhớ đời”
Đầu năm ngoái, bà K.P hào hứng mua lại căn nhà trên đường Cách mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình) với giá “rẻ đến không ngờ” dù ở đây gần bệnh viện, lại đông dân. Mặc dù đã được chủ cũ thông báo trước là có dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng vì tâm lý cho rằng “biết bao giờ mới giải tỏa” nên bà đã huy động người thân quen mượn thêm bên cạnh số tiền tích góp trong nhiều năm buôn bán.
|
|
|
Trước đây, bà K.P thuê mặt bằng ở Q.Bình Tân để bán túi xách, vali và các phụ kiện du lịch. Từ ngày chuyển sang đây, bà vừa có chỗ để tự do bán hàng, vừa có chỗ để chui vào chui ra lúc mưa khi nắng mà không tốn thêm khoản phí thuê mướn nào. “Tôi cố bám trụ để kiếm đồng ra đồng vô, tiết kiệm thêm vài năm nữa rồi kiếm chỗ nào đó mua ở, sẵn tiện dưỡng già”, bà thành thật chia sẻ.
|
|
|
Các mặt hàng mà bà P. bán đa phần là dành cho dân du lịch, không may lại trúng năm Covid-19 nên vắng bóng khách. Tuy vậy, bà vẫn lạc quan nói: “Do dịch nên người ta có đi du lịch nữa đâu mà mua mấy cái đồ này, nhưng vẫn phải bán thôi. Đúng là một năm nhớ đời”.
Có nhà… nhưng chui ra chui vào
Sau khi bàn giao mặt bằng, chiều sâu ngôi nhà hai tầng “siêu mỏng” mà bà K.P đang sống từ 12 mét chỉ còn 0,8 và 0,9 mét, với chiều ngang là 3 mét. Trong đó, tầng trệt để vừa 1 chiếc xe máy, bàn thờ, bát đũa ăn cơm và vài thứ linh tinh khác. Tầng 2 chứa đồ đạc và tầng trên cùng là khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh.
Ngôi nhà của bà P. có 2 điểm đặc biệt. Một là không có nhà bếp, thông thường bà H. (em bà P.) sẽ nấu cơm ở nhà mang tới rồi cùng ăn với nhau. Hai là, phòng ngủ là một “chiếc hộp” được đóng lại từ những tấm tôn xanh, thanh sắt và lót miếng xốp bên trong.
“Chỗ ngủ còn không có thì lấy đâu ra chỗ để nấu ăn nên ăn ngoài, ăn mì là chủ yếu”, bà cười rõ to.
|
|
Bà P. cho biết mỗi ngày chỉ có lên nhà lúc đi tắm và đi vệ sinh vì… cực quá. Bởi lẽ, chiếc cầu thang đổ đứng không có một chút độ nghiêng khiến bà liên tục thót tim vào những ngày đầu leo lên, leo xuống. Mặc dù đã vài tháng trôi qua nhưng bà vẫn chưa quen dần với việc này vì lớn tuổi, chân cẳng không còn khỏe và dẻo như lớp trẻ.
Người phụ nữ có tuổi chia sẻ: “Ban đầu không biết thiết kế cầu thang ra sao vì diện tích quá nhỏ. Đến bây giờ, mỗi lần leo lên vẫn run vì sợ bước hụt chân nhưng giờ cũng phải chấp nhận “đu” để còn lên nhà. Nhiều khi tôi thấy mình như siêu nhân”.
Cuộc sống trong nhà “siêu mỏng” bất tiện nhiều thứ là vậy nhưng bà K.P cho hay chỉ chuyển đi sau vài năm, khi không còn sức để “vào nhà” nữa.
Ông P., chủ căn nhà có chiều sâu 1,5 mét cho biết: “Tôi sống ở trên, còn ở dưới cho thuê để mà có thêm tiền sinh hoạt mỗi ngày. Giờ mỏng mấy thì mỏng, miễn sao kê vừa cái giường 1,2 mét đã là quá tốt”.
Bà Thúy (55 tuổi, Q.Tân Bình): “Nhà tôi dài 22 mét, sau giải tỏa còn 12 mét. Nói thật, nhà tôi mà không dài chắc giờ cũng kiếm đường mà đi rồi”.
Bình luận (0)