Sử sách nói rằng cái tên Hà Nội hàm nghĩa là bên trong những dòng sông. Điều đó cũng ngụ ý về một nền văn hóa, văn minh tích tụ ngàn năm khi nhắc đến Hà Nội.
Với tôi, một khách phương xa, Hà Nội có cả Hà Nội trong Hà Nội và Hà Nội ngoài Hà Nội. Một Hà Nội âm trầm, rêu phong, cổ độ với ba mươi sáu phố phường, với những đền phủ.
Một Hà Nội khác khoáng đạt với sông Hồng, đồng xanh bát ngát và mỗi nhánh sông lại dẫn dắt người ta đến với một di chỉ, một nơi thiêng khí tích tụ, một địa linh nhân kiệt.
Một ngày ở Hà Nội, nếu muốn khám phá thì không bao giờ đủ, một tháng cũng không đủ. Nhưng nếu như bạn thở thật nhẹ, thật sâu, để các giác quan của mình cảm nhận thay thế lý trí, Hà Nội sẽ hiển hiện mọi góc.
Buổi sáng đi dạo bờ hồ Gươm, nhìn người Hà Nội tập thể dục buổi sáng, nhìn đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút lặng lẽ chuyện trò với sương trời, rồi lại đi tiếp.
Ba mươi sáu phố phường vẫn chưa mở cửa, những hàng ăn buổi sáng, những quán chè xanh, thuốc lào ở các góc phố như một người bạn mới kiệm lời.
Thế rồi tìm một nơi bán bánh cuốn vỉa hè, ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bằng gỗ hay tre, đặt túi xách bên cạnh, gọi một đĩa bánh cuốn chả lụa, có thêm chén để múc nước mắm ngọt, ba người, bốn người xa lạ chụm đầu quanh chiếc mẹt tre để ăn bánh. Thời dịch Covid-19, mọi thứ có thể tách rời, nhưng cái không khí chụm đầu của Hà Nội vẫn cứ mang mang mặc dù ngồi cách xa, đây là điều khó nói cho trọn.
Ăn bánh cuốn xong, lang thang qua cổ thành Hà Nội, nghe những viên gạch cổ chuyện trò về thân phận lịch sử của nó, để cảm nhận cái nhỏ nhoi của kiếp người và để thấy đời sống, dù gì thì con người cần phải học sự khiêm cung, bao dung và độ lượng.
Từ thành cổ Hà Nội, qua hai hoặc ba chuyến xe buýt sẽ đến làng cổ Đường Lâm, một ngôi làng chứa cả một trời cảnh xưa. Đương nhiên đây chỉ là cảm nhận chủ quan, nhưng tôi tin rằng với mảnh đất hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền), với tất cả sự phồn thịnh, sầm uất một thuở, nhà cửa khang trang, nhà xây theo cung cách quý tộc xưa, Đường Lâm không thể là nơi đơn thuần chỉ để ở, cày ruộng kiếm cơm và sống qua ngày.
Từ ngoài cổng làng, tôi bắt gặp một tam quan cổ với mái ngói âm dương rêu phong. Tam quan nằm giấu mình dưới gốc đa già, rễ chừng cả ngàn năm tuổi. Đường vào làng chạy dọc theo một dòng sông nhỏ, đi qua một cánh đồng, ở giữa đồng có một ngôi nhà cổ không có cửa. Hỏi ra mới biết ngày xưa, người dân đi làm đồng, khi nào mệt thì vào đây ngồi nghỉ cơm trưa, chợp mắt.
Bên trong làng Đường Lâm là một thiên đường cổ tích. Sân đình lót đá ong và gạch. Người ta bày bán kẹo vừng, nước sấu hay kẹo lạc trên những chiếc chõng tre. Những người già ở Đường Lâm làm hướng dẫn du lịch. Khi cần, bạn hỏi thăm về lịch sử Đường Lâm, họ sẽ không ngại ngần trả lời và thuyết minh cho bạn. Việc họ làm lấy vui là chính và bạn có thể bồi dưỡng chút tiền uống nước hoặc mua một bịch kẹo vừng hoặc chọn nghỉ ngơi trong nhà cổ của họ. Mức giá ở đây cũng khá thấp.
Từ sân đình, đi lệch về phía tây, ghé thăm lăng Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng và rồi lại quay ra đường cái quan, bắt xe buýt về lại Hà Nội. Một ngày dài lang thang ngoại thành Hà Nội, hít thở không khí ruộng đồng, những vườn su hào, cải ngọt, cà chua, đậu tây xanh mát…
Trở về hồ Tây, hóng gió và tìm một quán nước ven hồ hay lang thang vào chùa Trấn Quốc. Đương nhiên chùa đã đóng cửa vào buổi tối, chỉ có thể ngồi trò chuyện với người hàng nước và thi thoảng, nhìn ra hồ Tây mênh mông để nghĩ đến một Hà Nội huyền thoại xa xưa.
Có một Hà Nội như vậy, trong nhịp thở của phố.
|
Bình luận (0)