Trung Quốc bên bờ vực cuộc khủng hoảng nước

16/09/2022 18:53 GMT+7

Trung Quốc đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nước trầm trọng, đặt ra mối đe dọa lớn không chỉ trong nước mà cả trên toàn cầu.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng nước tại Trung Quốc không chỉ tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống dân sinh của Trung Quốc mà còn có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực và nguyên liệu công nghiệp toàn cầu trên quy mô thậm chí còn lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

Tài nguyên thiên nhiên luôn là yếu tố quan trọng đối với sức mạnh kinh tế quốc gia và góp phần không nhỏ vào sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự phong phú và đa dạng tự nhiên của Trung Quốc giờ đây đã là dĩ vãng, đặc biệt là tài nguyên nước. Hiện nay, dân số của Trung Quốc chiếm tới 20% dân số thế giới nhưng họ chỉ có 7% lượng nước ngọt toàn cầu. Thậm chí, các vùng đất ở khu vực phía bắc Trung Quốc còn khan hiếm nước hơn cả vùng Trung Đông khô cằn.

Tình trạng và nguyên nhân

Không giống như các loại vật chất khác, không có bất kỳ chất nào có thể thay thế nước. Ngày nay, bình quân mỗi ngày Trung Quốc tiêu thụ một lượng nước kỷ lục vào khoảng 10 tỉ thùng. Tuy nhiên, trải qua 4 thập niên tăng trưởng kinh tế bùng nổ, cộng với các chính sách an ninh lương thực tự cung tự cấp ở quy mô quốc gia đã đẩy hệ thống nước ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc, nhất là ở khu vực miền bắc vượt quá mức bền vững và đang đe dọa tương tự đến hệ thống nước ở khu vực miền nam. Hơn nữa, các tầng nước ngầm ở Trung Quốc ngày càng giảm xuống, các hồ biến mất, các con sông đang khô cạn hoặc bị ô nhiễm.

Đáy sông Gia Lăng, Trùng Khánh, Trung Quốc tại nơi hợp lưu với sông Dương Tử lộ ra do hạn hán vào ngày 18.8

Reuters

Năm 2005, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lúc bấy giờ tuyên bố rằng tình trạng khan hiếm nước đe dọa đến “sự tồn vong của đất nước”. Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc phải mất hơn 100 tỉ USD mỗi năm do khan hiếm nước. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy phân bổ và cải thiện hiệu quả sử dụng nước, nhưng không có gì đủ để giải quyết vấn đề.

Cuộc khủng hoảng nước của Trung Quốc là do cả yếu tố tự nhiên và nhân tạo, bao gồm:

Một là, do sự phân bố nước không đồng đều: Do vị trí địa lý rộng lớn và đa dạng, Trung Quốc có nhiều địa hình và vùng khí hậu. Trong khi miền nam và đông có lượng mưa dồi dào thì khu vực phía bắc và tây lại nhận được ít mưa. Hình thái thời tiết này dẫn đến những tác động đáng tiếc và trái ngược nhau khi một số tỉnh phải chống chọi với lũ lụt, trong khi các tỉnh khác lại oằn mình trong khô hạn. Hiện nay, miền bắc Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhiều vùng tại Trung Quốc phải đối mặt với các đợt nắng nóng nghiêm trọng qua các năm. Mùa hè năm 2022 được coi là mùa hè nóng kỷ lục của Trung Quốc trong 6 thập niên qua. Ngày 18.8, chính quyền Trung Quốc đã phải ban hành “cảnh báo vàng” quốc gia về hạn hán. Trung Quốc có hệ thống cảnh báo hạn hán 4 cấp theo màu sắc, trong đó nghiêm trọng nhất là màu đỏ, đến cam, vàng và xanh dương. Đợt nắng nóng này ảnh hưởng lớn nhất đến một khu vực rộng lớn ở lưu vực sông Dương Tử, trải dài từ ven biển Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, ngày 25.8, hầu hết quận huyện tại Trùng Khánh ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C, trong đó nhiệt độ tại quận Bắc Bội ở mức kỷ lục 45 độ C.

Hai là, chất lượng nguồn nước không đảm bảo và bị ô nhiễm: Một phần đáng kể nguồn cung cấp nước của Trung Quốc không phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Theo một phân tích từ năm 2018 về nước bề mặt của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, mặc dù chất lượng đã được cải thiện so với những năm trước nhưng có tới 19% lượng nước không phù hợp cho con người và khoảng 7% là không phù hợp cho bất kỳ mục đích sử dụng nào.

Chất lượng nước ngầm, vốn rất quan trọng để đảm bảo cung cấp nước trong thời kỳ hạn hán, còn tồi tệ hơn, với khoảng 30% không thích hợp cho tiêu thụ của con người và 16% không thích hợp cho bất kỳ mục đích sử dụng nào. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa cùng với ô nhiễm đã phá hỏng phần lớn lượng nước còn lại, làm suy giảm nguồn cung cấp nước tiềm năng trong nhiều thập niên tới.

Theo dữ liệu từ vệ tinh GRACE của NASA, trữ lượng nước ngầm của vùng đồng bằng Hoa Bắc Trung Quốc thậm chí còn cạn kiệt hơn so với trữ lượng của tầng chứa nước Ogallala dưới khu vực Đại bình nguyên của Mỹ. Hơn nữa, khu vực đông dân nhất Trung Quốc ở phía bắc sông Dương Tử trong 15 năm qua đã chứng kiến sự sụt giảm liên tục lượng nước trong các sông suối, ao hồ và các tầng chứa nước. Tại khu vực phía Bắc Trung Quốc, mức nước ngầm giảm gần 1 m/năm, khiến các tầng chứa nước ngầm tự nhiên bị sụp đổ, gây ra hiện tượng sụt lún đất và làm ảnh hưởng đến khả năng tái tạo của các tầng chứa nước trong tương lai.

Ba là, sự biến đổi khí hậu nhanh chóng gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung nước của Trung Quốc. Các nhà khoa học cho rằng, sự biến đổi khí hậu mà hầu hết do con người gây ra đang rút ngắn mùa mưa ở Trung Quốc và làm tan chảy các sông băng quan trọng cung cấp cho sông Hoàng Hà. Theo số liệu từ Bộ Tài Nguyên Nước Trung Quốc, lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử đã giảm khoảng 45% so với mức trung bình trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, nông nghiệp kém bền vững khiến tình trạng sa mạc hóa ngày càng diễn ra trên diện rộng; việc chăn thả gia súc quá mức đã biến đồng cỏ thành sa mạc cát, làm cho các hệ sinh thái mất khả năng giữ nước tự nhiên và thậm chí ngày càng trở nên khô cằn hơn.

Nông dân trồng vừng tại tỉnh Giang Tây bị ảnh hưởng vì hạn hán ngày 25.8

Reuters

Tác động tiêu cực

Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng là lĩnh vực thường phải chịu “hy sinh” trong “cuộc chiến” ưu tiên sử dụng nước ở Trung Quốc so với các lĩnh vực khác.

Tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng có thể làm cho vùng đồng bằng Hoa Bắc màu mỡ, nơi cung cấp một lượng ngũ cốc lớn cho đất nước và phục vụ hoạt động xuất khẩu, bị mất mùa và khiến Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng. Việc này sẽ tạo ra cú sốc lớn không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà cả thị trường thế giới, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người ở khu vực châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Bắc Phi và châu Á.

Thiếu hụt điện và ảnh hưởng xấu đến môi trường: Ngành năng lượng lớn nhất thế giới của Trung Quốc cũng phải đối mặt với những rủi ro đáng kể về nước. Bất chấp các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, gần 90% nguồn cung cấp điện của Trung Quốc vẫn đòi hỏi nguồn nước dồi dào, đặc biệt là thủy điện, than đá và thậm chí là điện hạt nhân.

Nếu Trung Quốc mất 15% sản lượng thủy điện trong một năm vì thiếu nước họ sẽ phải bù đắp bằng nguồn điện khác. Hiện nay, chỉ có các nhà máy nhiệt điện than mới có khả năng bù đắp sự thiếu hụt này. Việc này khiến Trung Quốc phải tăng cường sản xuất nhiệt điện, từ đó gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu: Hạn hán đã làm khô cạn hàng chục con sông và hồ chứa ở nhiều nơi ở Trung Quốc, khiến các nhà máy thủy điện phải cắt giảm công suất phát điện. Theo Đài truyền hình CCTV Trung Quốc, có tới 66 con sông/34 quận ở khu vực tây nam của Trùng Khánh đã khô cạn.

Thiếu điện ảnh hưởng trầm trọng đến các hoạt động sản xuất. Chính quyền nhiều địa phương đã phải yêu cầu các công ty, xí nghiệp, nhà máy tạm đóng cửa để giảm áp lực lên hệ thống điện. Tháng 8 vừa qua, hãng Volkswagen đã đóng cửa nhà máy với 6.000 nhân viên ở Thành Đô trong 10 ngày và hãng Toyota cũng phải tạm ngừng hoạt động tại nhà máy lắp ráp do thiếu điện.

Các nhà phân tích đánh giá, các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay “đang không được chuẩn bị” cho một đợt hạn hán ở Trung Quốc và nó có thể làm gián đoạn các mô hình buôn bán ngũ cốc và sản xuất nguyên liệu công nghiệp chính trên nhiều châu lục. Trao đổi với hãng CNBC của Mỹ, nhà kinh tế trưởng Dang Wang của Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc đánh giá nắng nóng và thiếu nước không chỉ tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc, đời sống dân sinh mà còn tác động đến cả chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số giải pháp của Trung Quốc

Nhận thức được tính cấp thiết của cuộc khủng hoảng nước, ngay từ năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã khởi động Dự án Chuyển nước Nam-Bắc trị giá 60 tỉ USD. Theo đó, nước từ các nhánh sông Dương Tử được lấy để bổ sung cho miền bắc khô hạn. Tuy nhiên, việc chuyển nước không giải quyết được vấn đề khan hiếm hoàn toàn, cũng không ngăn được miền nam chống chọi với hạn hán, cũng như không giúp bổ sung thực sự nguồn nước dự trữ của miền bắc.

Ngoài ra, để tăng lượng nước mưa và đôi khi phục vụ các dịp đặc biệt (Thế vận hội, các lễ kỷ niệm lớn), Trung Quốc cũng “gieo mưa nhân tạo”; di rời ngành công nghiệp nặng ra khỏi các khu vực căng thẳng về nước và đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng quản lý nước.

Các nhân viên gieo mưa nhân tạo tại tỉnh Hồ Bắc ngày 16.8

Reuters

Hiện nay, Bắc Kinh đang đầu tư nhiều nguồn lực vào việc bảo tồn nước trên toàn quốc. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, trong năm 2021, chính phủ đã chi 8 tỉ USD trợ cấp cho các nỗ lực bảo tồn nước, tăng 3% so với năm 2020. Bắc Kinh cũng đặt ra hạn ngạch quốc gia về sử dụng nước hàng năm, hiện đang nhắm mục tiêu tiêu thụ 640 tỉ m3 vào năm 2025, giảm so với mức 670 tỉ m3 vào năm 2020.

Vào tháng 2, Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc công bố kế hoạch áp đặt giới hạn sử dụng nước trong khu vực và giới thiệu một kế hoạch kinh doanh nước quốc gia (tương tự như một kế hoạch buôn bán khí thải carbon) trong tương lai gần. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước Ngụy Sơn Trung ước tính hàng năm Trung Quốc đầu tư khoảng 100 tỉ USD cho các dự án liên quan đến nước.

Theo China Daily, chính quyền thành phố Bắc Kinh hiện đang tái chế 94% nước thải để sử dụng cho tưới tiêu, một mô hình bảo tồn nước có thể dễ dàng được nhân rộng ở các thành phố lớn khác.

Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể không đủ để ngăn một cuộc khủng hoảng nước sắp tới ở Trung Quốc. Một số học giả ước tính rằng nguồn cung cấp nước của Trung Quốc có thể giảm 25% vào năm 2030, một tình huống buộc phải có sự điều chỉnh lớn trong xã hội.

Như cựu quan chức ngoại giao Anh và chuyên gia về Trung Quốc Charlie Parton đã từng phát biểu vào năm 2018 rằng: “Trung Quốc có thể in tiền, nhưng không thể in nước”. Do đó, nếu Trung Quốc không thể tăng đáng kể nguồn cung nước thì giảm nhu cầu về nước sẽ là giải pháp tối ưu để làm chậm lại cuộc khủng hoảng nước.

Tuy nhiên, con đường tiềm năng của Trung Quốc để thoát khỏi tình trạng khó khăn này bị ràng buộc bởi thực tế kinh tế, vật chất và môi trường chính trị khắc nghiệt ở đất nước này. Khi mà Trung Quốc tiếp tục khai thác quá mức nguồn nước ngầm trong bối cảnh thời tiết ngày càng biến động mạnh, mỗi năm nước này lại tiến gần đến một sự kiện thảm khốc về nước hơn. Hơn nữa, với vai trò là một nền kinh tế quan trọng trên thế giới, những gián đoạn tiềm ẩn do cuộc khủng hoảng nước ở quốc gia này sẽ nhanh chóng gây ảnh hưởng thông qua các thị trường thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu trên toàn cầu và gây ra tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị trong nhiều năm tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.