Dựa trên thông tin nội bộ và ước tính của các chuyên gia dựa trên số liệu nhiễm trước đó, hãng AP ngày 15.4 đưa tin giới chức Trung Quốc chậm công bố dịch Covid-19 chậm đến 6 ngày khi dịch bệnh lây lan tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) vào tháng 1. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Theo AP, trong 6 ngày đó, người dân Vũ Hán tổ chức một sự kiện thu hút hàng chục ngàn người, trong khi hàng triệu người bắt đầu đi lại nhiều vào dịp Tết Nguyên đán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo về dịch bệnh vào ngày 20.1. Tuy nhiên vào thời điểm này đã có hơn 3.000 người nhiễm Covid-19 sau một tuần chưa có thông báo, theo các chuyên gia ước tính dựa trên số liệu nhiễm Covid-19.
Theo AP, việc trì hoãn từ ngày 14-20.1 không phải là sai sót đầu tiên của giới lãnh đạo các cấp ở Trung Quốc khi đối phó với dịch bệnh, cũng không phải là thời gian trì hoãn dài nhất vì nhiều nước cũng chậm hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới đề cập đến tình hình Covid-19.
Tuy nhiên, việc trì hoãn tại nước đầu tiên ghi nhận ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 lại rơi vào thời điểm trọng yếu là lúc dịch bắt đầu bùng phát.
Thời gian mất vào việc cân nhắc giữa cảnh báo công chúng và tránh gây sợ hãi là khởi điểm của đại dịch toàn cầu khiến hơn 2 triệu người mắc và hơn 133.000 người tử vong tính đến hôm nay.
Theo chuyên gia dịch tễ học Zuo-Feng Zhang tại Đại học California ở Los Angeles (Mỹ), nếu Trung Quốc hành động sớm hơn 6 ngày, sẽ có ít người nhiễm hơn và các cơ sở y tế đủ đáp ứng.
Một số chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể muốn tránh gây hoảng loạn trong khi vẫn nhanh chóng hành động âm thầm vào thời gian đó. Dựa trên thông tin họ có được, các chuyên gia này cho rằng chính phủ Trung Quốc đã âm thầm có hành động quyết đoán.
“Họ có thể đã không nói đúng, nhưng họ đã làm đúng. Vào ngày 20, họ cảnh báo toàn quốc, và điều này không phải là sự trì hoãn vô lý”, theo cựu chuyên gia Ray Yip tại văn phòng Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ ở Trung Quốc.
Theo chuyên gia dịch tễ Benjamin Cowling tại Đại học Hồng Kông, nếu giới chức y tế cảnh báo quá sớm, uy tín của họ có thể bị ảnh hưởng và làm giảm khả năng kêu gọi người dân.
Việc trì hoãn có thể trùng khớp với các cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng chính phủ Trung Quốc âm thầm làm chậm nỗ lực của thế giới trong việc phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, việc thông báo vào ngày 20.1 cũng đã để cho Mỹ gần 2 tháng chuẩn bị đối phó.
AP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng cảnh báo sớm có thể tránh các trường hợp tử vong vì Covid-19 nếu người dân thực hiện giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và giảm đi lại. “Càng hành động sớm, càng dễ kiểm soát bệnh”, theo chuyên gia Zhang.
Ngày 16.4, tạp chí Newsweek dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ các cáo buộc và cho rằng những thông tin đó là “không công bằng”.
Ông Triệu từng là người lên tiếng cáo buộc quân đội Mỹ có thể đã đưa virus Corona đến Vũ Hán để lây lan dịch Covid-19 khi giới chức 2 nước cáo buộc nhau về nguồn gốc virus.
Bình luận (0)