Các quan chức, doanh nhân, bác sĩ và cả giáo viên nằm trong số hơn 100 người Anh có thông tin chi tiết nằm trong danh sách theo dõi an ninh của cảnh sát Trung Quốc, tờ The Daily Telegraph dẫn lại tài liệu bị rò rỉ cho biết.
Danh sách bị theo dõi bao gồm Margaret Johnson OBE, người đứng đầu một công ty quảng cáo có văn phòng tại thành phố Thượng Hải, một sĩ quan quân đội và hai phi công của hãng Virgin Atlantic.
Cảnh sát Trung Quốc lưu trữ đầy đủ thông tin cá nhân của những người này bao gồm ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu và thời điểm xuất nhập cảnh.
Mặt khác, danh sách còn bao gồm 7.600 người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Thượng Hải, bị đánh dấu trong hồ sơ là “khủng bố”, theo The Daily Telegraph.
Các chuyên gia của công ty tư vấn an ninh mạng Internet 2.0 đã đánh giá tài liệu bị rò rỉ và phát hiện dữ liệu của công dân Anh được lưu trữ trên các máy chủ tại Cục An ninh Công cộng ở thành phố Thượng Hải và phần lớn được thu thập hồi năm 2016.
Phản ứng trước thông tin trên, một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho biết việc ghi lại ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu và thời điểm xuất nhập cảnh là “thông lệ quốc tế bình thường”.
Trong khi đó, Cơ quan An ninh Anh MI5 đang điều tra về vấn đề này trong bối cảnh căng thẳng giữa Anh và Trung Quốc leo thang liên quan đến cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.
|
Trong tuyên bố ngày 26.3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố cấm vận 4 tổ chức và 9 cá nhân ở Anh, bao gồm cả các nghị sĩ như cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Nhân quyền đảng Bảo thủ vì đã "truyền bá thông tin dối trá và xuyên tạc đầy ác ý" về vấn đề nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương, theo Reuters.
Các cá nhân cùng thành viên gia đình người Anh sẽ bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc và người dân lẫn tổ chức Trung Quốc không được phép kinh doanh hay hợp tác với họ, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh có động thái này nhằm trả đũa việc Anh, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Canada đã áp đặt một loạt lệnh cấm vận chống lại Bắc Kinh. Phương Tây cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Các nhà hoạt động và các chuyên gia về nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong những cơ sở được gọi là trung tâm giáo dục hướng nghiệp dạy nghề ở Tân Cương.
Các nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản người Duy Ngô Nhĩ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần báo bỏ mọi cáo buộc khẳng định các trại giam đó là trung tâm giáo dục hướng nghiệp dạy nghề và “rất cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan”.
Hồi tháng 9.2020, truyền thông Anh đưa tin công ty công nghệ Zhenhua Data có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) sơ hữu kho dữ liệu cá nhân khổng lồ về công dân Anh.
Kho dữ liệu này chứa đựng thông tin cá nhân của 40.000 người Anh, trong đó có các quan chức cấp cao của Anh bao gồm Thủ tướng Boris Johnson, thành viên Hoàng gia, sĩ quan quân đội và gia đình của họ. Đây được cho là một phần trong chương trình “giám sát hàng loạt toàn cầu của Trung Quốc với quy mô lớn chưa từng có”.
Công ty Zhenhua Data được cho là có mối liên hệ mật thiết với mạng lưới tình báo và quân đội của Trung Quốc.
|
Bình luận (0)