Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước
26/02/2018 07:13 GMT+7
Đề xuất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình tái cử sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ vào năm 2023.
Tự động phát
Tân Hoa xã ngày 25.2 đưa tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đề xuất bỏ quy định giới hạn về nhiệm kỳ đối với chức danh chủ tịch và phó chủ tịch nước. Theo đó, cụm từ các chức danh này “không được phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tục” sẽ được bỏ đi trong hiến pháp sửa đổi. Nếu được thông qua, đề xuất sẽ giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tái cử khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2023. Trước đó, hai người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đều giữ chức chủ tịch 2 nhiệm kỳ và không được tái cử. Dự kiến đề xuất sẽ được đưa ra tại kỳ họp quốc hội khai mạc vào ngày 5.3.
Cũng trong hôm qua, Ban Chấp hành Trung ương CPC cũng chính thức thông báo đề xuất đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào hiến pháp, đồng thời bổ sung điều khoản quy định Ủy ban Giám sát quốc gia là cơ quan nhà nước.
Nhân sự chủ chốt
Giới quan sát cho rằng đề xuất không chỉ mở đường cho ông Tập mà còn tạo tiền đề cho nhiều phụ tá thân tín của ông tiếp tục giữ các vị trí then chốt trong nhà nước và chính phủ. Theo Reuters, “cánh tay phải” của ông Tập là ông Vương Kỳ Sơn đã kết thúc nhiệm kỳ tại Ban Chấp hành Trung ương CPC vào tháng 10.2017. Tuy nhiên, chính trị gia 70 tuổi này vừa trở thành đại biểu quốc hội và nhiều khả năng sẽ giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc.
Đề xuất được đưa ra trước thềm Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương CPC khóa 19 (Hội nghị trung ương 3), khai mạc vào hôm nay (26.2) tại Bắc Kinh với sự tham dự của 204 ủy viên và 172 ủy viên dự khuyết. Dự kiến hội nghị sẽ bàn về nhân sự cho các vị trí lãnh đạo nhà nước và chính phủ trước khi chính thức được thông qua tại kỳ họp quốc hội sắp tới. Hãng Reuters dẫn một số nguồn tin dự đoán ông Lưu Hạc, cố vấn tin cẩn về kinh tế của Chủ tịch Tập, có khả năng trở thành phó thủ tướng phụ trách kinh tế, kiêm Thống đốc Ngân hàng trung ương. Trước đây, chỉ có cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ là người từng kiêm 2 vị trí này cùng lúc. Ông Lưu hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và được xem là một trong những người đứng sau các chính sách kinh tế quan trọng của ông Tập kể từ năm 2013.
|
Trong khi đó, nhiều khả năng tướng Ngụy Phượng Hòa, cựu Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội Trung Quốc, sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Tướng Ngụy được xem là chính trị gia khéo léo và thăng tiến nhanh chóng. Hiện tại, ông Ngụy là thành viên duy nhất của Quân ủy Trung ương Trung Quốc chưa được bổ nhiệm chức vụ cụ thể. Bên cạnh đó, vị trí ngoại trưởng được dự đoán vẫn do ông Vương Nghị kiêm nhiệm sau khi trở thành Ủy viên Quốc vụ thay cho ông Dương Khiết Trì lên giữ chức Phó thủ tướng phụ trách ngoại giao. Theo tờ South China Morning Post, ông Dương (68 tuổi) và ông Vương (65 tuổi) đều đang sắp đến tuổi về hưu theo thông lệ trong giới lãnh đạo Trung Quốc, nhưng ông Tập coi 2 nhân vật này là không thể thay thế trong chính sách đối ngoại.
Cải cách thể chế
Theo tờ Nhân Dân nhật báo, Hội nghị trung ương 3 mỗi khóa đều rất quan trọng và thường tập trung vào những cải cách mang tính đột phá, trong đó có thể kể đến những chính sách cải cách kinh tế được đưa ra tại Hội nghị trung ương 3 năm 1978. Tân Hoa xã dẫn nghị quyết của Bộ Chính trị CPC cho hay năm 2018 là năm đầu tiên triển khai tinh thần của Đại hội lần thứ 19 cũng như kỷ niệm 40 năm thực hiện chính sách cải cách, mở cửa. Do đó, hội nghị lần này sẽ tập trung vào kế hoạch cải cách cơ cấu đảng cũng như thể chế nhà nước.
Theo nghị quyết, thể chế hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu khác nhau trong “thời đại mới”. Do đó, cần giải quyết các vướng mắc về thể chế để tận dụng tối đa lợi thế của chế độ xã hội chủ nghĩa. Cải cách thể chế cũng nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo của đảng và quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết về kế hoạch này chưa được tiết lộ trước thềm hội nghị.
Dự kiến hội nghị cũng sẽ bàn về chính sách tài khóa mang tính chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong năm ngoái, vượt mục tiêu 6,5% và là lần tăng tốc đầu tiên kể từ năm 2010. Theo Bộ Chính trị, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải cách theo hướng trọng cung, thúc đẩy sáng tạo, cải cách các lĩnh vực then chốt, giảm nghèo và kiểm soát ô nhiễm. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ theo đuổi chiến lược tiếp sức cho nông nghiệp, tăng cường phối hợp phát triển giữa các vùng miền, đẩy mạnh tiêu dùng, đầu tư hiệu quả và cải thiện đời sống người dân.
Bình luận (0)