Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 17.3, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi khẩn trương thực hiện các biện pháp kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Ca ngợi việc ứng phó Covid-19 và năng suất của nền kinh tế Trung Quốc là “dẫn đầu thế giới”, ông Tập nhấn mạnh cần tiếp tục các biện pháp chính xác, dựa trên cơ sở khoa học và tuân thủ chặt chẽ chính sách zero-Covid (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) để ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể. “Chiến thắng đến từ sự kiên trì”, ông Tập tuyên bố và kêu gọi các địa phương chuẩn bị ứng phó, theo Tân Hoa xã.
Một khu vực bị phong tỏa tại Thượng Hải |
AFP |
Đợt bùng phát nghiêm trọng
Trong khi nhiều nơi trên thế giới đã nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ hoàn toàn quy định liên quan đến Covid-19, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero-Covid đi kèm những quy định phong tỏa, xét nghiệm đại trà, cách ly, điều trị. Dù chính sách này giúp số ca nhiễm tại Trung Quốc thấp hơn so với những nơi khác nhưng sự xuất hiện của các biến thể lây lan mạnh như Delta, Omicron đang đặt ra thách thức lớn.
Đợt lây nhiễm đang diễn ra được xem là nghiêm trọng nhất từ khi đại dịch xuất hiện. Hàng chục triệu người đang bị phong tỏa. Số ca nhiễm mỗi ngày tăng dần từ tháng 3 và đạt đỉnh vào ngày 15.3 với hơn 5.000 ca, cao nhất từ đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán cách đây hơn 2 năm. Số ca nhiễm mới giảm trong 2 ngày qua nhưng giới chuyên gia nhận định còn quá sớm để khẳng định tình hình đã lắng xuống, theo tờ South China Morning Post.
Chính sách "zero Covid" của Trung Quốc trước thách thức Omicron |
Hơn 20 vùng có ca nhiễm mới trong vài tuần qua, trong đó nhiều vùng quan trọng đối với nền kinh tế như Thâm Quyến, Thượng Hải, Cát Lâm bị phong tỏa hoặc chịu những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.
Nhiều kinh tế gia từ các ngân hàng lớn như Morgan Stanley (Mỹ), UBS (Thụy Sĩ) gần đây hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm nay của Trung Quốc vì cho rằng nước này khó đạt được mức 5,5% đã đề ra. Các chuyên gia về Trung Quốc của Goldman Sachs (Mỹ) ước tính 4 tuần phong tỏa đối với 30% lãnh thổ có thể khiến GDP của Trung Quốc giảm khoảng 1 điểm phần trăm.
Chưa sớm thay đổi
Dù chiến lược zero-Covid được duy trì, giới quan sát lưu ý Trung Quốc đang có dấu hiệu áp dụng những biện pháp cân bằng hơn giữa việc chống dịch và giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội. Hôm 17.3, Chủ tịch Tập tuyên bố: “Các biện pháp hiệu quả hơn nên được thực hiện nhằm tạo ảnh hưởng tối đa trong việc ngăn ngừa và kiểm soát với chi phí tối thiểu, và nhằm giảm tác động đến phát triển kinh tế xã hội hết mức có thể”. Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên ông Tập nhấn mạnh đến việc giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của việc phòng dịch tại một cuộc họp Bộ Chính trị từ khi đại dịch bắt đầu.
Điều chỉnh sổ tay chẩn đoán và điều trị Covid-19
Theo Hoàn Cầu thời báo, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vừa cập nhật sổ tay điều trị Covid-19, theo đó bệnh nhân có triệu chứng nhẹ chỉ cần cách ly tập trung thay vì nhập viện như trước. Bên cạnh đó, bệnh nhân có chỉ số CT khi xét nghiệm PCR bằng hoặc cao hơn 35 có thể được xuất viện, thay cho mốc 40 như trước. Chỉ số CT càng thấp đồng nghĩa tải lượng vi rút trong cơ thể càng cao. Ngoài ra, bệnh nhân hồi phục chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày thay vì 14 ngày như trước. Tuần trước, Trung Quốc cho phép người dân sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để tự xét nghiệm tại nhà. Các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc gọi đây là những thay đổi dựa trên khoa học và thực tiễn, giúp giảm sức ép lên hệ thống y tế trong đợt bùng phát mạnh lần này.
Mới đây, chuyên gia hàng đầu bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc Trương Văn Hoành đăng bài viết cho rằng vi rút đang bớt nguy hiểm và đề xuất vạch kế hoạch rõ ràng đến việc nới lỏng quy định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo chính sách zero-Covid sẽ chưa thay đổi nhiều trước năm 2023, với việc Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự kiện chính trị quan trọng trong năm nay.
Nghiên cứu: nếu bỏ hạn chế đi lại ở vùng "zero Covid" như Trung Quốc, 2 triệu người có thể tử vong |
Về mặt dịch tễ, những thay đổi trong chính sách phòng dịch của Bắc Kinh có khả năng cũng sẽ chưa thể diễn ra sớm trong bối cảnh số ca nhiễm tại đại lục lẫn Hồng Kông đang ở mức cao. Bên cạnh đó, việc nới lỏng cũng mang theo nguy cơ do nhiều người Trung Quốc chưa bị nhiễm, do đó chưa hình thành kháng thể tự nhiên, trong khi nước này hiện chỉ sử dụng vắc xin nội địa. Kinh tế gia Bruce Pang tại Công ty tài chính China Renaissance Securities (Hồng Kông) nhận xét những tín hiệu từ cuộc họp ngày 17.3 gợi ý Trung Quốc sẽ tiệt trừ việc nhiễm bệnh trước rồi mới điều chỉnh chiến lược kiểm soát dịch.
Bình luận (0)