Mới đây, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố hình ảnh vệ tinh vừa chụp giữa tháng 11 cho thấy tàu đổ bộ tấn công mang máy bay trực thăng Type-075 của Trung Quốc đã neo đậu ở căn cứ hải quân Du Lâm (TP.Tam Á, đảo Hải Nam), hướng ra Biển Đông.
Trước đó, tàu này còn ở xưởng đóng tàu tại Thượng Hải (Trung Quốc). Theo đó, đây là lần đầu tiên tàu đổ bộ Type-075 chạy thử ở Biển Đông.
Trong khi đó, ngày 25.11, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa triển khai 3 tàu đổ bộ loại Type-071 là Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989) cùng một số tàu tên lửa lớp Type-022 tham gia 2 cuộc tập trận ở Biển Đông.
Các mục đích của Bắc Kinh
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Trung Quốc đã điều động đến 3 tàu đổ bộ loại Type-071, có thể mang theo 800 binh sĩ cùng một số tàu đệm khí đổ bộ, tham gia tập trận ở Biển Đông với nhiều mục đích”.
Philippines tập trận chống tấn công ở Biển ĐôngTờ Philippine Daily Inquirer hôm qua 28.11 đưa tin Bộ Chỉ huy miền Tây (Wescom) thuộc quân đội Philippines gần đây tiến hành cuộc tập trận ứng phó những vụ tấn công tiềm tàng nhắm vào cơ sở thăm dò dầu khí của nước này ở Biển Đông. Cuộc tập trận diễn ra tại cơ sở dầu khí Matinloc ở ngoài khơi TP.El Nido thuộc cái gọi là tỉnh Palawan của Philippines.
Cơ sở này đã dừng hoạt động hồi tháng 11.2019 và đang được xem là chốt quan sát quân sự của Philippines vì gần bãi Cỏ Rong và mỏ khí Malampaya trong vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông.
Theo kịch bản của cuộc tập trận, binh sĩ ứng phó một “tình huống an ninh” ở mỏ Malampaya, nguồn năng lượng chính của một số nhà máy điện ở Philippines. Binh sĩ ứng phó bằng cách cho trực thăng đáp xuống cơ sở Masinloc và đẩy lùi kẻ thù đang chiếm nơi này. Cuộc tập trận cũng có phần lục soát và tịch thu tàu của kẻ thù.
Văn Khoa
|
Theo TS Nagao, điển hình là nhiều vụ chiến đấu cơ Trung Quốc đại lục đã bay vào vùng trời Đài Loan khiến lực lượng phòng vệ của đảo này phải điều động máy bay chiến đấu xuất kích ngăn chặn. Thậm chí, Bắc Kinh điều động cả nhóm tác chiến tàu sân bay hoạt động xung quanh Đài Loan.
Bắc Kinh càng trở nên khó chịu khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc. “Chính vì thế, Bắc Kinh đang gia tăng sức ép nhằm vào Đài Bắc”, ông Nagao nhận xét.
Thực tế, quan hệ quanh eo biển Đài Loan đã gây căng thẳng cho phía bắc Biển Đông. Những tháng gần đây, giới quan sát lo ngại tình hình của quần đảo Đông Sa, ở phía bắc Biển Đông, mà Đài Bắc đang nắm quyền kiểm soát. Đầu tháng 8, tờ South China Morning Post đưa tin Đài Bắc vừa bổ sung thêm lực lượng quân sự đến Đông Sa. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục cũng triển khai nhiều lực lượng tấn công đổ bộ xung quanh khu vực này.
Mục đích thứ hai của việc Trung Quốc đưa tàu Type-071 tập trận, theo TS Nagao, nhằm gây sức ép với các nước Đông Nam Á. Ở Biển Đông, khả năng đổ bộ đem đến nhiều ưu thế cho việc tiến chiếm các đảo, bãi đá. Do đó, khi Trung Quốc thể hiện năng lực có thể cùng lúc đổ bộ 2.000 - 3.000 binh sĩ thì có thể gây quan ngại lớn cho nhiều nước trong khu vực.
TS Nagao cho rằng mục đích thứ ba của Bắc Kinh ở động thái trên là nhằm “thử lửa” phản ứng của Washington sẽ như thế nào, trong bối cảnh Mỹ đang giải quyết các vấn đề liên quan kết quả bầu cử ở nước này và nhiều khả năng sẽ chuyển giao chính quyền mới.
Cấp tập tăng cường sức mạnh đổ bộ
Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công cả bằng đường biển lẫn đường không.
Trung Quốc nối lại tuyến du lịch phi pháp đến Hoàng SaTân Hoa xã hôm qua 28.11 đưa tin giới chức tỉnh Hải Nam thông báo tuyến du lịch bằng tàu đến quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, sẽ nối lại từ tháng tới. Như vậy, hoạt động phi pháp này được nối lại sau 11 tháng tạm ngưng do đại dịch Covid-19.
Theo đó, 2 tàu du lịch Nanhai Dream và Princess Changle sẽ nối lại hoạt động đến quần đảo Hoàng Sa lần lượt vào ngày 9 và 10.12. Chuyến du lịch phi pháp này đến quần đảo Hoàng Sa kéo dài 4 ngày 3 đêm. Du khách khởi hành từ TP.Tam Á trên đảo Hải Nam và được tàu đưa đến nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa.
Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu mở chuyến du lịch phi pháp đến quần đảo Hoàng Sa, gần 1 năm sau khi Bắc Kinh đơn phương lập cái gọi là “TP.Tam Sa” để tự cho mình có quyền quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Văn Khoa
|
Xa hơn, Bắc Kinh đang kỳ vọng phát triển máy bay tiêm kích loại cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, để chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã biên chế nhiều tàu đổ bộ Type-071. Đây là loại tàu có thể chở theo lượng lớn binh sĩ cùng các máy bay trực thăng chiến đấu đa nhiệm và tàu đệm khí đổ bộ.
Ngoài ra, cuối tháng 7, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm thủy phi cơ AG600 trên biển. Đây là dòng thủy phi cơ lớn nhất thế giới, có thể chở theo khoảng 30 binh sĩ cùng vũ khí, tầm bay hơn 4.000 km và tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ.
Tờ Hoàn Cầu thời báo khi đó dẫn lời một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng thủy phi cơ AG600 có thể giúp quân đội nước này nhanh chóng tiếp cận các đảo ở Biển Đông để bảo vệ cái mà Bắc Kinh tự gọi là “lợi ích cốt lõi”. Sau khi đáp xuống mặt nước, AG600 có thể triển khai binh sĩ đổ bộ từ biển lên các đảo.
Chính vì thế, giới chuyên gia quân sự quốc tế lo ngại Bắc Kinh đang đẩy mạnh năng lực điều binh khẩn cấp ở Biển Đông.
Bình luận (0)