Theo Sohu hôm 23.9, Trung tâm An ninh Douyin xác nhận nền tảng này đã xử phạt 48 tài khoản liên quan đến việc sử dụng hình ảnh Phật Viên để tạo các hoạt động quảng cáo, tiếp thị sai lệch. Trong đó, nền tảng này đã cấm vĩnh viễn 7 tài khoản và “xóa sổ” 148 video sai phạm. Không chỉ vậy, Douyin hiển thị lời nhắc nhở: “Sống thật với chính mình sẽ được yêu mến lâu dài. Nói không với những kẻ giả tạo với mục đích tiếp thị” mỗi khi người dùng tìm kiếm từ khóa “Phật Viên” trên ứng dụng.
Không chỉ có Douyin, một nền tảng mạng xã hội khác là Xiaohongshu cũng thông báo trong ngày 23.9 rằng họ đã tiến hành một cuộc “truy quét” đặc biệt liên quan đến thực trạng trên. Kết quả, phía này đã xóa hơn 70 bài đăng không phù hợp và khóa 3 tài khoản. Ngoài ra, khi người dùng tìm kiếm từ khóa “Phật Viên”, phần kết quả sẽ hiển thị lời nhắc nhở: “Đừng dựng lên con người giả, hãy sống là chính mình”.
|
Sohu cho biết “Phật Viên” đề cập đến những người nổi tiếng trên mạng xã hội thường đăng tải những hình ảnh, video khoe chép kinh sách, thưởng trà, viếng chùa chiền, dùng bữa tại những nhà hàng chay... Tuy nhiên, mục đích sâu xa của những hành động liên quan đến Phật giáo này thường là tô vẽ hình tượng bản thân, quảng cáo, bán những sản phẩm quần áo, phụ kiện, quà tặng Phật giáo…
Phật Viên trở thành trào lưu cực kỳ phổ biến trên Douyin, Xiaohongshu cùng nhiều nền tảng mạng xã hội khác từ đó thu hút sự tham gia của nhiều hot girl, blogger hay những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Các người đẹp mạng thường đăng tải những video vãn cảnh chùa, chép kinh kệ, khoe ăn chay hay tận hưởng những thú vui tao nhã như thưởng trà, luyện thư pháp… để thu hút sự chú ý. Các trang phục, phụ kiện, bối cảnh xuất hiện trong đó thường lấy cảm hứng từ Phật giáo hay văn hóa truyền thống.
|
|
|
Trào lưu này ngày càng trở nên phản cảm. Theo UDN, không ít hot girl mạng khiến người xem “nhức mắt” trang phục hở hang, cố tình khoe thân, khoe của khi đến nơi cửa chùa thanh tịnh hay những bối cảnh liên quan đến Phật giáo. Trang tin tiết lộ đa phần những nội dung này đăng tải nhằm mục đích “sống ảo” và bán hàng, quảng cáo. Điển hình như nhiều trường hợp đăng video đang chép kinh Phật nhưng cố tình để lộ chiếc túi xách với logo của một thương hiệu xa xỉ hay dẫn link bán các loại quần áo, phụ kiện, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe… Nhiều người trong số đó bị chỉ trích vì quảng cáo lố bịch, sai sự thật, hét giá sản phẩm gấp nhiều lần so với giá bán ở những nơi khác
Các phương tiện truyền thông đang tích cực lên án những hành vi sai lệch kể trên và nhấn mạnh đây là sự thiếu tôn trọng đối với những nơi tôn nghiêm và các tu sĩ, Phật tử chân chính. Hôm 21.9, tờ Công Nhân nhật báo đã đăng bài viết mỉa mai trào lưu này: “Làm sao có thể giấu được cái đuôi cáo bằng chiếc áo cà sa”. CCTV cũng chỉ trích trào lưu trên, kêu gọi các nền tảng mạng xã hội “xóa sổ” những nội dung về Phật Viên, loại bỏ các sản phẩm liên quan, hạn chế thậm chí cấm vĩnh viễn các tài khoản có cách tiếp thị tương tự.
Bình luận (0)