Trung Quốc tăng nhập nông sản Việt

Chí Nhân
Chí Nhân
12/05/2019 14:22 GMT+7

Một trong những mặt hàng đang được các doanh nghiệp nước này quan tâm là gạo. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gần đây tham gia tìm hiểu thị trường ở vựa lúa ĐBSCL và ký hợp đồng ghi nhớ.

Theo Thương vụ Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc: Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản là 0% nên có nhiều thuận lợi vào nước này. Trung Quốc cũng đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài và có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh.
Dù vậy, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng chủng loại từ các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, để xâm nhập thị trường này vẫn còn nhiều vấn đề mà doanh nghiệp Việt cần quan tâm như: chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch. Cùng với đó, một số doanh nghiệp chưa có những người am hiểu tiếng Trung để phục vụ liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc...
Thực tế, nhu cầu của Trung Quốc với nông sản Việt là rất lớn. Trước nay, nước này vẫn nhập rất nhiều trái cây, rau củ, gạo... từ Việt Nam. Gần đây Trung Quốc mở cửa thêm cho trái măng cụt của Việt Nam, nâng tổng số trái cây lên 9 loại và đang tiếp tục xem xét thêm một số loại khác. Ngoài ra, đoàn thương nhân ngành gạo của nước này cũng đến ĐBSCL để tìm hiểu thị trường gạo. Trong cuộc làm việc trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp Trung Quốc với tổng lượng gạo là 84.000 tấn/năm.
Các thương nhân Trung Quốc khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam nên xuất khẩu gạo đóng gói dạng nhỏ, vừa, hút chân không, khoảng 5 - 25 kg; điều này sẽ phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng nước sở tại. Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo, do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói, tránh sai sót, rủi ro có thể phát sinh khi xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng xu hướng chung của thị trường thế giới. Chính vì vậy việc tăng cường giao thương với khách hàng lớn nhất thế giới là thông tin tích cực với ngành lúa gạo Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.