Trung Quốc tăng tốc phát triển hạm đội tàu sân bay

27/12/2020 09:00 GMT+7

Song hành cùng kế hoạch đóng mới tàu sân bay, Trung Quốc đang cấp tập bổ sung phi công để đáp ứng tham vọng tăng cường sức mạnh hải quân phục vụ các tham vọng trên biển, khiến Biển Đông đứng trước nhiều rủi ro.

Tờ Hoàn Cầu thời báo mới đây đưa tin chương trình thường niên tuyển dụng phi công cho tàu sân bay của Trung Quốc vừa tiến sang giai đoạn mới. Cụ thể, ứng viên phải trải qua cuộc lựa chọn về năng lực thể chất lẫn tâm lý. Cũng theo tờ báo trên, nhu cầu bổ sung phi công cho tàu sân bay của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, khi nước này đã có thêm tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ Type-075.

“Bắt lính” từ học sinh

Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường việc tuyển dụng và đào tạo phi công cho tàu sân bay. Đầu tháng 8, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) cho hay nước này đang tăng cường tuyển dụng lực lượng phi công.
Theo đó, hải quân Trung Quốc tổ chức kỳ thi tuyển dụng phi công hải quân với đối tượng là các học sinh phổ thông và vừa tốt nghiệp phổ thông, từ 16 - 19 tuổi. “Trong số này, 49% ứng viên trúng tuyển sẽ được đào tạo phi công tàu sân bay”, CCTV dẫn lời một quan chức cơ quan phụ trách tuyển dụng của hải quân.
Trước đó, vào tháng 4.2020, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đang phát triển loại máy bay huấn luyện JL-9. Có tốc độ cận âm, loại máy bay huấn luyện này được cho là nhằm phục vụ quá trình đào tạo lực lượng phi công phù hợp với tàu sân bay tích hợp bộ phóng máy bay, là loại Type-003 mà Bắc Kinh đang phát triển. Lâu nay, máy bay JL-9 đã được quân đội Trung Quốc sử dụng, nhưng cần được nâng cấp mới có thể dùng đào tạo cho phi công của tàu sân bay. Trong đó, quá trình nâng cấp sẽ giúp JL-9 có thể triển khai cùng bộ phóng máy bay được tích hợp trên tàu sân bay Type-003.
Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Trung Quốc có lẽ sẽ sớm được chính thức hóa việc chỉ đóng vai trò là tàu huấn luyện, khi nước này bổ sung thêm tàu sân bay”. Theo TS Holmes, tàu Liêu Ninh cùng với số máy bay huấn luyện mà Trung Quốc đang phát triển chính là cơ sở cho chiến lược phát triển hạm đội tàu sân bay.

Tham vọng của Bắc Kinh

Cách đây chưa lâu, tờ South China Morning Post trích dẫn kế hoạch của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đặt mục tiêu sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh phải chuẩn bị sẵn sàng khoảng 200 máy bay các loại, cùng hơn 500 phi công chuyên lái máy bay dành cho hàng không mẫu hạm. Để đạt được sức mạnh thực chiến cao, việc đào tạo phi công tương xứng là một thách thức lớn.
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada), nhận định: “Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng lực lượng tàu sân bay nhằm đảm bảo cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích của nước này ở nước ngoài. Tất nhiên, về mặt dân sự thì tàu sân bay khá cần thiết trong các hoạt động khẩn cấp đối với một nền kinh tế lớn và nhiều ảnh hưởng như Trung Quốc”.
Trung Quốc tăng tốc phát triển hạm đội tàu sân bay1

Tàu đổ bộ Type-075 của Trung Quốc

ẢNH: CHINADAILY

“Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để Trung Quốc đẩy nhanh lực lượng tàu sân bay vẫn là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương. Sau khi đầu tư lớn vào chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc phát triển mạnh vào tàu sân bay”, PGS-TS Nagy nói.
Hiện nay, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, loại Type-003, đang được đóng. Theo truyền thông quốc tế cũng như báo chí Trung Quốc, tàu Type-003 sẽ được hạ thủy vào đầu năm 2021.
Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn có tham vọng đa dạng hóa tàu sân bay theo mô hình của Mỹ. Cụ thể, truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin chiếc thứ 2 của loại tàu đổ bộ Type-075 vừa được chạy thử. Có sàn tàu rộng và chiều dài vượt mức 230 m, Type-075 là tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng nhưng đang được hướng đến trở thành tàu sân bay cỡ nhỏ tương tự cách hải quân Mỹ phát triển các tàu đổ bộ tấn công lớp America và lớp Wasp mang theo chiến đấu cơ F-35 phiên bản cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng. Báo chí Trung Quốc từng hé lộ việc Bắc Kinh đang phát triển phiên bản tương tự cho dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-31 để trang bị cho tàu Type-075. Với cách thức này, Trung Quốc có thể mở rộng tham vọng hạm đội tàu sân bay.

Rủi ro cho Biển Đông

Mới đây, tàu sân bay Sơn Đông đã được Bắc Kinh điều động đến tập trận ở Biển Đông. Không những vậy, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 21.12 dẫn lời một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định sau khi kết thúc tập trận, tàu Sơn Đông sẽ quay về đồn trú ở căn cứ hải quân Du Lâm tại TP.Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, phía bắc của Biển Đông.
Bên cạnh đó, hình ảnh vệ tinh mới đây cũng cho thấy một ụ nổi, đủ sức phục vụ cho việc bảo trì tàu sân bay cỡ lớn như tàu Sơn Đông, đã được hoàn thiện ở căn cứ Du Lâm. Vì thế, nhiều khả năng tàu Sơn Đông được đồn trú ở Du Lâm và đóng vai trò án ngữ Biển Đông. Bên cạnh đó, chiếc tàu Type-075 đầu tiên của Trung Quốc đang được đồn trú ở căn cứ Du Lâm. Chính vì thế, khi Trung Quốc tăng tốc phát triển hạm đội tàu sân bay thì Biển Đông sẽ càng đứng trước nhiều rủi ro.
Máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ Đài Loan
CNA ngày 26.12 đưa tin 2 máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc đại lục đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong ngày 25.12. Theo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, một chiếc máy bay tuần tra săn ngầm Y-8 bay vào khu vực tây nam ADIZ của Đài Loan trong khi một chiếc Y-8 khác bay trên eo biển Ba Sĩ giữa Đài Loan và Philippines, sau đó đi vào khu vực phía nam ADIZ. Phía Đài Loan triển khai chiến đấu cơ và huy động lực lượng phòng không để đối phó.  
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.