Trung Quốc thừa nhận tiêm kích J-20 nhái của Mỹ để… tăng uy tín?

Khánh An
Khánh An
03/08/2020 06:00 GMT+7

Nhà thiết kế chính thừa nhận tiêm kích J-20 chịu ảnh hưởng nhiều của Mỹ, dường như để cạnh tranh với một mẫu tiêm kích khác của Trung Quốc là FC-31.

Tờ South China Morning Post ngày 2.8 đưa tin nhà thiết kế chính của mẫu tiêm kích J-20 của Trung Quốc thừa nhận mẫu máy bay này chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các tiêm kích của Mỹ.
Trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington tiếp tục leo thang căng thẳng, các nhà thiết kế máy bay quân sự của Trung Quốc đang chạy đua phát triển một tiêm kích thế hệ mới để hoạt động trên các tàu sân bay, nhằm cạnh tranh với Mỹ.
Hai ứng viên gồm Viện Thiết kế máy bay Thành Đô (CADI) đang phát triển phiên bản mới của mẫu J-20, trong khi Viện Thiết kế máy bay Thẩm Dương đang điều chỉnh mẫu FC-31.
Trong khi cả 2 mẫu máy bay điều được phát triển trong nhiều năm, nhà thiết kế chính của CADI là ông Dương Vĩ gần đây cho hay mẫu J-20 giống với các tiêm kích của Mỹ hơn.
Mẫu máy bay này lấy cảm hứng từ lý thuyết của Mỹ về không chiến và phát triển máy bay, ông Dương phát biểu trên chuyên san Acta Aeronautica et Astronautica Sinica.
Các chuyên gia quân sự cho rằng ông Dương công khai thừa nhận học từ ý tưởng của người Mỹ là nhằm cố gắng giới thiệu mẫu biến thể của J-20 là lựa chọn vượt trội hơn so với biến thể của FC-31 được cho là dựa trên các thiết kế máy bay của Liên Xô cũ.

FC-31 có lợi thế là nhẹ hơn J-20 đến 12 tấn

Ảnh chụp màn hình SCMP

Ông Dương còn nhắc lại việc quân đội Mỹ phát triển mẫu tiêm kích dùng trên tàu sân bay và đưa vào sản xuất hàng loạt trong chưa đầy 6 năm.
“Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định dùng mẫu FC-31 là cơ sở cho tiêm kích mới trên tàu sân bay, sẽ cần ít nhất 10 năm trước khi nó sẵn sàng cho việc phát triển toàn diện, đến khi đó người Mỹ còn tiến bộ hơn nữa”, một nguồn tin ẩn danh nhận định.
Trong bài báo, ông Dương cho rằng mẫu tiêm kích thế hệ mới cần có phạm vi chiến đấu rộng, tăng cường năng lực tàng hình và có tải trọng vũ khí lớn hơn.
Nhái... giỏi hơn?
Chuyên gia quân sự Chu Thần Minh tại Bắc Kinh cho rằng ông Dương muốn chứng tỏ rằng J-20 không chỉ là tiêm kích thế hệ thứ 5, mà còn có thể là nền tảng cho các thiết bị và công nghệ hiện đại có thể bù vào những thiếu hụt so với mẫu F-22 Raptor của Mỹ.
Ông Chu cho rằng các nhà thiết kế máy bay của Trung Quốc trước đây bị ảnh hưởng nặng bởi cách nghĩ của Nga nên chỉ tập trung vào năng lực chiến đấu.
“Do ảnh hưởng của Nga, các nhà thiết kế Trung Quốc bỏ qua những điều như hệ thống điện tử hàng không và vũ khí. Chẳng hạn như MiG-29 của Nga không thể cạnh tranh với mẫu F-16 của Mỹ đa nhiệm và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết”, ông nhận định.
Tuy nhiên, một bất lợi của J-20 là nó nặng hơn nhiều so với FC-31. Các tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc sẽ trang bị hệ thống phóng bằng điện từ, giúp rút ngắn thời gian cất cánh nhưng lại chịu giới hạn về tải trọng.
Với trọng lượng tối đa 25 tấn, chiếc FC-31 nhẹn hơn 12 tấn và ngắn hơn 3 m so với chiếc J-20.
Mẫu FC-31 được phát triển nhằm tương xứng với mẫu F-35 của hãng Lockheed Martin (Mỹ) – nền tảng để phát triển các mẫu F-35B và F-35C dùng trên tàu sân bay.
Dù vậy, chuyên gia quân sự Antony Wong Tong tại Macau cho rằng FC-31 không thể so sánh với F-35 về khả năng điều khiển và hỏa lực.
“Dựa trên công nghệ và năng lực sản xuất hiện tại của Trung Quốc, hải quân nước này nên chọn một mẫu đáng tin cậy với tầm chiến đấu xa và tiềm năng phát triển. Lựa chọn tốt nhất là J-20”, ông nhận định.
J-20 là dòng chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc có kiểu dáng khá giống dòng F-22 của Mỹ. Được giới thiệu chính thức vào năm 2017, J-20 có tốc độ Mach 2 (khoảng 2.500 km/giờ), tầm tác chiến 2.000 km. Dòng máy bay này có thể mang theo một số loại tên lửa đối không và bom tấn công mặt đất.
Nếu tiêm kích J-20 trông khá giống F-22, thì J-31 lại có thiết kế hao hao F-35 của Mỹ. Tầm tác chiến khoảng 1.250 km với vận tốc tối đa khoảng 2.200 km/giờ, J-31 ngoài tên lửa đối không thì có thể mang theo tên lửa tấn công mặt đất, bom.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.