Ông thấy trong kho bảo tàng một sưu tập đồ chơi làm từ sắt tây do nhà khảo cổ học Colani sưu tầm và mang về Pháp hồi năm 1929. Trong đó, có những chiếc xe 4 bánh với con rối làm bằng sắt tây. Có con rối hình ông bán phở, tay thái phở liên tục trên thớt. Có cả tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng trong nhóm đồ chơi này.
“Tôi giật mình khi thấy thời bấy giờ dân Việt đã đưa vào nghệ thuật đồ chơi dân gian trung thu nội dung khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc, chống ngoại xâm một cách tài tình khéo léo đến thế”, TS Vũ Thế Long nhớ lại. Ông chia sẻ câu chuyện này tại tọa đàm “Tết Trung thu cổ truyền gìn giữ, phát huy và lan tỏa”, do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp Hội truyền thông số Hà Nội và Cung thiếu nhi Hà Nội tổ chức ngày 7.9 vừa qua.
Chợ bán đồ chơi trung thu xưa |
Tư liệu của tạp chí Xưa và Nay |
Nhà báo Vũ Tuyết Nhung, một người Hà Nội, chia sẻ hồi ức về những mâm cỗ trung thu xưa. Mẹ của bà thường chọn bưởi đào Hải Dương quả to, vỏ mọng để bóc múi tẽ tép làm con thỏ, con chó bưởi. Bà Nhung cho biết sau này cũng có nhiều mâm cỗ trung thu được tái hiện trong khuôn viên ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây với hàng trăm thức bánh trái hoa quả đầy ắp, rực rỡ. “Bên mâm cỗ choán hết chiếc bàn lớn, nghệ nhân Ánh Tuyết đặt một chiếc thau đồng sáng choang đựng đầy nước trong vắt. Ngày xưa các cụ nhà mình ở phố thường đặt thau đồng nước bên mâm cỗ trung thu, để khi nào trăng lên sẽ hiện bóng vào thau nước. Tha hồ long lanh óng ánh. Vớt trăng và chơi cũng vui”, bà Nhung nhớ lại.
Nhà văn Lê Phương Liên, người nhiều năm viết cho thiếu nhi, hồi tưởng: “Khi hòa bình lập lại, Bác Hồ về Hà Nội, dịp tết Trung thu nào Bác cũng đi gặp thiếu nhi. Bác đã đến Cung thiếu nhi Hà Nội để dự tết Trung thu. Bản thân tôi ngày ấy đã lần đầu tiên được gặp Bác Hồ tại nơi đây”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhắc tới kỷ niệm xưa trên phố Hàng Đường: “Gia đình tôi nhiều đời sống ở Hàng Đường nên ngoài cái âm thanh quanh năm là tiếng bánh xe điện cọ xát ken két trên đường ray để giảm tốc trước khi dừng ở cửa chợ Đồng Xuân, là tiếng gõ chí chát của thợ đóng bánh nướng, bánh dẻo đập những khuôn gỗ lên mặt bàn để dỡ bánh khỏi khuôn rộn ràng suốt đêm như báo tin mùa vui của trẻ con sắp đến”.
Ông Dương Trung Quốc cũng đọc lại một đoạn văn viết về trung thu trên Đăng Cổ Tùng Báo. Bài văn thương cảm việc vào trung thu, có những đứa trẻ vẫn phải dắt mẹ đi xin ăn. “Nhiều thứ nay vẫn còn, nhiều cái nay đã mất. Nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn gửi gắm giáo dục cho con cái nhà mình đừng quên những thân phận thiệt thòi mùa trung thu”, ông xúc động nói.
Bình luận (0)