Truy trách nhiệm

Ngọc Minh
Ngọc Minh
27/04/2021 04:47 GMT+7

Hơn 1 tháng qua, những người dân mưu sinh trên sông Mã (đoạn chảy qua 2 huyện Bá Thước, Cẩm Thủy thuộc tỉnh Thanh Hóa) lâm vào cảnh bế tắc, bởi dòng sông bị ô nhiễm.

Cả đoạn sông khoảng 80 km đi qua 2 huyện này nước đổi màu đen, bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Cá lồng của người dân và nhiều loài thủy sản chết trắng trên sông. Nhiều hộ nuôi cá lồng trắng tay, nhiều ngư phủ đành phải gác thuyền bất lực.

Tiếng kêu cứu từ sông Mã: Dân kiệt sức vì cá bỗng nhiên chết hàng loạt

Tương tự, những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một đầm nước rộng hàng ngàn mét vuông ở TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) bỗng nhiên chuyển màu hồng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc và nhanh chóng xác định các cơ sở chế biến hải sản là thủ phạm xả thải chưa qua xử lý ra đầm, gây ô nhiễm. Rõ ràng, nếu công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên hơn thì đã có thể ngăn chặn được hành vi xả thải của các doanh nghiệp.
Trở lại câu chuyện ô nhiễm trên sông Mã, trước áp lực của dư luận, chính quyền 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa (thượng nguồn sông Mã) đã vào cuộc truy tìm thủ phạm. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt doanh nghiệp chế biến lâm sản có hành vi xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã đã bị lật mặt. Việc phát hiện hàng loạt “hung thủ” đầu độc sông Mã thực tế chẳng hề gây ngạc nhiên đối với người dân địa phương, nhất là những người mưu sinh trên sông nước. Bởi chỉ bằng mắt thường, không cần bất cứ phương tiện gì họ cũng có thể khẳng định được đó là thứ nước thải từ các cơ sở chế biến tre luồng với mùi hôi thối đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Cái khiến người ta ngạc nhiên là trước đó không lâu, Sở TN-MT Thanh Hóa đã tổ chức đi kiểm tra 4 doanh nghiệp trên địa bàn H.Bá Thước, thế nhưng kết quả kiểm tra không phát hiện đơn vị nào chôn ống ngầm, hoặc có hành vi xả thải trái phép ra sông Mã. Nhưng sau đó, đoàn kiểm tra của H.Bá Thước đã phát hiện 3/4 doanh nghiệp trên chôn ống ngầm, xả thải trái phép ra sông Mã. Các ống ngầm đều đã được doanh nghiệp chôn từ nhiều năm chứ không phải mới chôn sau khi “được” Sở TN-MT Thanh Hóa kiểm tra. Điều đó cho thấy công tác quản lý môi trường của cả chính quyền địa phương và Sở TN-MT Thanh Hóa trong thời gian qua là có vấn đề.
Thông thường, sau khi phát hiện doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo các địa phương bao giờ cũng hứa sẽ chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Vâng. Tất nhiên là phải như vậy. Nhưng để xảy ra việc các doanh nghiệp xả thải trái phép ra môi trường, chắc chắn chính quyền và các cơ quan chức năng của các địa phương không thể chối bỏ được trách nhiệm. Vì vậy, bên cạnh xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp vi phạm, rất cần phải truy cứu rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể của các địa phương, các ngành, khi để xảy ra ô nhiễm trên địa bàn mình phụ trách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.