Truyền hình thực tế tìm KOL

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
31/08/2024 18:52 GMT+7

Chương trình truyền hình thực tế mới của VTV hướng tới tìm kiếm những KOL, KOC để thúc đẩy thương mại điện tử.

Chương trình truyền hình thực tế mới The K - Giấc mơ Việt Nam 2024 do Thời báo VTV thực hiện sẽ lên sóng vào tối chủ nhật hàng tuần kể từ 17.11 tới.

Chương trình sẽ gồm 8 tập và 1 chương trình truyền hình trực tiếp. Phó tổng biên tập Thời báo VTV Phạm Quốc Thắng, đại diện ban tổ chức, kỳ vọng chương trình nhận được sự ủng hộ, tạo được sức lan tỏa cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong thanh niên.

Truyền hình thực tế tìm KOL- Ảnh 1.

PGS-TS Phan Thị Thu Hoài (Trưởng khoa Marketing, Trường ĐH Thương mại) và NSND Tự Long đánh giá cao tính nhân văn của chương trình

ẢNH: BTC

Theo ban tổ chức, The K - Giấc mơ Việt Nam 2024 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhằm tìm kiếm và tôn vinh những cá nhân có khả năng truyền cảm hứng (KOLs - Key Opinion Leaders) và những người thử nghiệm, đưa ra khuyến nghị và ý kiến trung thực đến sản phẩm (KOCs - Key Opinion Consumers), có tiềm năng tạo nên sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là chương trình truyền hình thực tế hưởng ứng đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Quốc Thắng cũng cho rằng, chương trình truyền hình thực tế này bản chất là tìm kiếm "người bán hàng có tâm". Vì thế, trong hành trình cuộc thi thí sinh sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ về việc tuân thủ văn hóa doanh nghiệp, văn hóa thương mại, đạo đức kinh doanh. Các sản phẩm thí sinh bán online cũng sẽ là sản phẩm chất lượng. Sự tâm huyết, chân thành, liên tục học hỏi để đổi mới và tiến bộ của các thí sinh là điều quan trọng để có thể dành điểm cao.

NSND Tự Long cho rằng, chương trình truyền hình thực tế The K - Giấc mơ Việt Nam 2024 sẽ góp phần xây dựng niềm tin cho cộng đồng về đội ngũ bán hàng online hiện nay. Sự nhân văn của chương trình cũng nằm ở chỗ tạo việc làm, xây dựng kỹ năng bán hàng cho rất nhiều người, đặc biệt là những người yếu thế; hay giúp quảng bá các sản phẩm chất lượng từ mọi vùng miền đất nước.

PGS-TS Phan Thị Thu Hoài (Trưởng khoa Marketing, Trường ĐH Thương mại) cho rằng, chương trình truyền hình thực tế này sẽ hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Chương trình cũng sẽ thúc đẩy lành mạnh hóa thị trường kinh doanh trực tuyến với hệ tiêu chí 3T: Mua sắm thuận tiện - Bán hàng có tâm - Hàng hóa có tầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.