‘Truyền lửa’ âm nhạc dân tộc trên đất Pháp

05/02/2022 07:00 GMT+7

Bên cạnh hoạt động biểu diễn và truyền bá âm nhạc dân tộc trên đất Pháp, giáo sư - nghệ sĩ Hồ Thụy Trang và những người cùng chung chí hướng đặt mục tiêu bồi dưỡng mầm non ở xứ người.

Đối với giáo sư - nghệ sĩ Hồ Thụy Trang, một trong số ít nghệ sĩ Việt được chính phủ Pháp công nhận và cấp bằng giáo sư dạy nhạc cổ truyền Việt Nam, âm nhạc dân tộc đích thực là cội nguồn và là văn hóa của một quốc gia. Vì lẽ đó, cô và những người cùng chung chí hướng luôn chú trọng công tác dạy dỗ, truyền thừa niềm đam mê cho thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi nhi đồng, trên đất Pháp.

Giáo sư Hồ Thụy Trang biểu diễn nhạc cụ dân tộc

TRANG THANH TRÚC

Giữ lửa đam mê

Khi còn theo học Nhạc viện TP.HCM, cô Trang bắt đầu thành lập Nhóm Thiếu nhi Hoa Vàng, gồm 12 bé từ 6-10 tuổi. Hoạt động từ năm 1979 đến 1981, nhóm tham gia các chương trình ca khúc thiếu nhi trên đài truyền hình ở TP.HCM. Đến 1999, nhận lời mời cộng tác với HTV, cô tiếp tục gầy dựng nhóm Đàn Chim Việt với các thành viên từ 3 - 13 tuổi, và theo thời gian, số thành viên tăng hơn 50 em. Với chủ đề “Dân ca quê em”, Đàn Chim Việt lần lượt thu được 12 chương trình truyền hình ca múa nhạc và nhận được nhiều yêu mến của khán giả xem đài.

Một học viên nhí của lớp đàn tranh

nvcc

Sau khi định cư tại Pháp, cô Trang thành lập Tiếng Tơ Đồng vào năm 2000, tập hợp những thành viên đủ mọi lứa tuổi, dao động từ 18-75. Một lần nữa, sự thôi thúc phải truyền thừa nhạc dân tộc tiếp tục được khơi dậy. “Giấc mơ của tôi là tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ con em gốc Việt và những thiếu nhi mang hai dòng máu Việt-Pháp. Vẫn biết thời gian, không gian, giáo trình giảng dạy có khác nhiều so với trong nước, và bên cạnh đó là rào cản về ngôn ngữ, ngọn lửa ấy vẫn luôn rực cháy trong tôi”, cô chia sẻ.

Ngoài lớp nhạc, lớp múa và lớp bộ gõ cho người lớn, năm 2021, Tiếng Tơ Đồng chính thức mở thêm lớp múa thiếu nhi do cô Phan Tường Vi hướng dẫn, lớp bộ gõ trẻ em do thầy Mai Thành Nam giảng dạy, lớp võ tự vệ do võ sư Hồ Bảo Lộc chịu trách nhiệm và lớp ca cổ do nghệ sĩ gạo cội Thanh Bạch chủ trì. Cô Vi cho biết mình đã hợp tác giảng dạy tại trung tâm từ 4 năm trước. Cô hướng dẫn các nhóm tập múa đủ mọi lứa tuổi, với đặc điểm chung là các học viên đều là những người yêu thích bộ môn múa truyền thống Việt Nam. Và đến năm 2021, Tiếng Tơ Đồng quyết định mở thêm lớp ở độ tuổi thiếu nhi, với mong ước lan tỏa và duy trì nét văn hóa truyền thống cho thế hệ tương lai.

Điệu múa nón lá trong lớp của cô Vi

nvcc

Những chú ong chăm chỉ

Theo cô Vi, các em thiếu nhi đang theo học tại trung tâm có thể xếp vào thế hệ thứ tư, nên việc tìm hiểu và từ đó khơi gợi lòng yêu mến văn hóa Việt Nam như ở quê nhà thì thật sự không đơn giản, thậm chí là rất khó. “Thế nên việc tổ chức những hoạt động tại Tiếng Tơ Đồng và những nơi khác cũng giống như công việc của các con ong chăm chỉ, cho phép góp nhặt từng chút “mật hoa” quý giá để vun trồng và nuôi dưỡng tình yêu quê hương cội nguồn ấy”, cô chia sẻ.

Như cô Vi cho biết, lớp múa thiếu nhi bắt đầu từ tháng 10.2021, và lập tức nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các phụ huynh. Phụ huynh Hà Thanh Thảo cho hay nhà cô có hai bé, lần lượt 3 và 6 tuổi, đang tham gia học múa. Hai cháu đều mang nửa dòng máu Việt, với cha và bà nội đều là người Pháp. Thông qua việc tham gia lớp múa, cô Thảo hy vọng các con cơ hội giao tiếp và nghe tiếng Việt, tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam của mẹ.

Một tiết mục múa tại trung tâm

NVCC

“Ban đầu tôi phải tìm những video clip của nhóm múa cô Vi để giới thiệu hai con biết thế nào là múa dân gian Việt Nam. Chồng tôi cũng giải thích với bọn trẻ rằng vì mẹ là người Việt, các con nên biết thêm văn hóa của mẹ”, cô Thảo kể lại. Cô cho hay điệu đầu tiên hai bé được học là múa nón lá. May mắn là nhà có sẵn nón lá nên mọi chuyện đều dễ dàng hơn.

Phụ huynh Bích Tuyền cũng đang cho các con theo học tại Tiếng Tơ Đồng, bao gồm lớp múa, lớp trống và lớp đàn tranh. Mục đích chủ yếu là cho các bé có cơ hội tiếp xúc và giao lưu bằng tiếng Việt. Theo phụ huynh Bích Tuyền, học văn nghệ cho phép thiếu nhi trở nên dạn dĩ hơn, và mở ra cơ hội phát triển một bộ môn nghệ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn từ bé. Mỗi lần các con đi học cũng là dịp để cả nhà đi chơi vào cuối tuần, tạo nên sự gắn kết trong các thành viên gia đình.

Một tiết mục biểu diễn đàn tranh tại sự kiện ở TP.Gagny (Pháp) tháng 8.2020

NGUYỄN DUY ANH

Bện chặt mối dây liên kết quê hương

Cô Vi thừa nhận đây mới chỉ là bắt đầu. Trong quá trình xây dựng những nền móng đầu tiên, cô hy vọng thông qua các điệu múa và giai điệu âm nhạc, các bé thiếu nhi sẽ được “tắm mát” trong khung cảnh, văn hóa truyền thống. Theo thời gian, giai điệu của quê hương sẽ thấm nhuần trong giấc mơ và tâm hồn trẻ thơ, và tình yêu đối với Việt Nam sẽ tự nẩy mầm và lớn dần.

Các thiếu nhi Pháp tìm hiểu nhạc cụ Việt Nam

NGUYỄN DUY ANH

Hơn ai hết, giáo sư Trang hiểu được rào cản liên quan đến ngôn ngữ trong việc giảng dạy các em thiếu nhi. Cô cho biết phần lớn các em không nói sõi tiếng Việt, không giao tiếp bằng tiếng Việt mỗi ngày, nên việc có thể hiểu và phát âm chuẩn một bài hát thật sự mất rất nhiều công sức của các giáo viên đứng lớp. Điểm tích cực là thông qua sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, qua mỗi điệu múa dân gian và bài hát dân ca, các em có thể từng bước nhỏ trở về nguồn. “Một số em chưa từng thấy nón lá ngoài đời thực, các bé cũng ít dịp được mặc trang phục cổ truyền, vì thế mỗi giờ học đều mang đến những khám phá thú vị. Cứ sau mỗi buổi học, các em lại nghêu ngao câu hát, câu vè bằng tiếng Việt khi ra về. Và điều đó làm tôi vui mừng khôn xiết”, cô Trang cho biết.

Các em thiếu nhi tham gia một buổi biểu diễn với cô Trang cuối năm 2021

NVCC

Âm nhạc là một trong những nét văn hóa của quốc gia, là ngôn ngữ đặc trưng của dân tộc. Vì thế âm nhạc cổ truyền chính là ngôn ngữ và văn hóa truyền đời của tổ tiên, cha ông. Giáo sư Trang cho rằng giảng dạy âm nhạc cổ truyền cho lứa tuổi thiếu nhi là cách hay và không kém phần thú vị, giúp các em nhỏ nuôi dưỡng đức tính cần cù, kiên nhẫn, trọng nghĩa, thờ cha - kính mẹ - ơn thầy thông qua những làn điệu, ý nghĩa của lời ru, tiếng nhạc. Cô hy vọng các phụ huynh đóng góp phần mình trong công cuộc giữ gìn tiếng nói của dân tộc, chẳng hạn như nói tiếng Việt với trẻ từ mới lọt lòng. Còn cô Vi cho biết: “Tất cả chỉ mới bắt đầu”.

Biết đến hai chữ “Việt Nam”

Giới thiệu và quảng bá âm nhạc Việt Nam thông qua nhạc cụ là một trong những chủ trương của Tiếng Tơ Đồng nói chung và bản thân giáo sư Trang nói riêng. Cô và các đồng nghiệp luôn tận dụng những dịp giao lưu để mang theo nhạc cụ, cho phép người bản xứ và thiếu nhi tiếp xúc văn hóa Việt. Bên cạnh việc thỏa mãn sự tò mò, người nghe có thể cảm nhận được âm thanh của nhạc cụ, và trên hết là họ biết đến hai từ “Việt Nam”. Sau giai đoạn nước Pháp dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và giãn cách phòng dịch Covid-19, tháng 7.2021, cô Trang, cô Vi và thầy Thành Nam cộng tác với TP.Ermont (vùng bắc Paris) tổ chức tuần lễ khám phá và tìm hiểu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau khi sự kiện kết thúc, một số người tham gia bày tỏ ước muốn đến thăm Việt Nam và tìm hiểu hơn về đất nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.