Truyền thống trên hiện đại

Ngọc An
Ngọc An
17/02/2021 07:40 GMT+7

Những sản phẩm âm nhạc kết hợp truyền thống với hiện đại, giữa âm nhạc dân gian Việt Nam và âm nhạc phương Tây ngày càng được nhiều nghệ sĩ khai thác.

 

Âm nhạc chuyển động

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang vừa hoàn thiện album Tình đàn để tri ân cây đàn nhị và nhiều nhạc cụ dân tộc khác mà anh đã gắn bó hơn 20 năm. Phần lớn tác phẩm được sáng tác mới, còn lại là những tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam được hòa âm lại. Tình đàn được thực hiện sau nhiều năm Ngô Hồng Quang đi điền dã, bởi vậy, những sáng tác trong album lấy chất liệu âm nhạc dân tộc phong phú ở nhiều vùng miền từ Tây Bắc, đến Tây nguyên, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long để sáng tạo. “Tôi sử dụng chất liệu âm nhạc như đờn ca tài tử, âm nhạc dân tộc Mông, dân tộc Gia Rai, hay những nhạc cụ như đàn nhị, đàn môi...”, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhiều sản phẩm âm nhạc thị trường hiện nay hướng đến việc khai thác chất liệu dân gian, từ âm nhạc đến yếu tố văn hóa, tín ngưỡng. Ông Long nhìn nhận: “Đây là sự chuyển dịch thú vị của đời sống âm nhạc trong những năm gần đây. Sau giai đoạn nhạc Việt tiếp thu một cách rõ ràng với âm nhạc phương Tây, thì việc kết hợp với âm nhạc dân tộc, hay những yếu tố văn hóa truyền thống, văn học kinh điển không chỉ mang đến sự mới mẻ mà còn mở ra như xu hướng. Nhạc Việt đại chúng mang bản sắc Việt rõ ràng hơn”.
Không gian âm nhạc của Tình đàn mộc hoàn toàn, hướng đến tính đương đại và đa chiều, trong đó, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chơi cùng hai nghệ sĩ quốc tế, một nghệ sĩ chơi đàn santur đến từ Iran, một nghệ sĩ bộ gõ đến từ Senegal. Cùng với album này, Ngô Hồng Quang cũng thực hiện MV Tình đàn. Những giai điệu của tác phẩm được anh và nhóm Đàn đó thổi hồn bằng âm thanh mộc mạc của đàn tính hòa quyện cùng đàn đó, trống chum, trống lăng, sáo thiu và đàn môi. “Có hai cách để giữ gìn âm nhạc truyền thống, một là giữ nguyên bản, hai là sáng tạo trên chất liệu truyền thống. Tôi chọn hướng sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống trong những tác phẩm mới. Âm nhạc truyền thống cần được chuyển động như vậy”, Ngô Hồng Quang lý giải.
Vào tháng 12 năm ngoái, khoảng 40 nghệ sĩ âm nhạc dân tộc (kèn sona - tuồng, trống chiến - tuồng, trống - chèo, guitar - cải lương, sáo pí...), jazz, dàn dây, kèn đồng đã cùng tham gia trình diễn trong chương trình Dân gian trên jazz diễn ra tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chương trình giới thiệu những tác phẩm được chắt lọc những tinh túy của tuồng, chèo, cải lương, hay âm nhạc mang âm hưởng miền núi Tây Bắc đặt vào không gian âm nhạc đương đại với cấu trúc mang tính ngẫu hứng của nhạc jazz, kết hợp với khả năng biểu đạt của dàn dây và kèn đồng trong giao hưởng. Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, giám đốc âm nhạc của chương trình, đã nhiều năm tìm tòi sáng tạo kết hợp nhạc jazz với âm nhạc dân gian và nhạc cụ truyền thống.
Bên cạnh bước đi miệt mài của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, hay Quyền Thiện Đắc, có thể thấy sự xuất hiện của những “tân binh”, chẳng hạn, ca sĩ trẻ Hà Myo vừa ra mắt MV Xẩm xuân xanh hát xẩm trên nền nhạc EDM. Trước đó, cô cũng thực hiện MV Xẩm Hà Nội kết hợp xẩm, rap và nhạc EDM. “Tôi mong sự kết hợp này góp phần đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ, đồng thời cũng là động lực để các nhạc sĩ có thêm những sáng tác mới dựa trên chất liệu truyền thống”, Hà Myo bày tỏ.

Tiếng nói đại đồng

Việc sáng tạo trên “chất liệu” truyền thống dễ vấp phải những ý kiến trái chiều, thậm chí có lúc bị cho là “phá” truyền thống. “Chúng ta phải chấp nhận hai mặt, một mặt là tìm ra cái căn cốt nhất của truyền thống để gìn giữ, tìm ra xu hướng phù hợp nhất để phát triển; hai là chúng ta phải rạch ròi, những tác phẩm chỉ sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống để sáng tạo cần coi là những tác phẩm mới”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ.
“Âm nhạc truyền thống không thể “gom” vào tủ kính hay bảo tàng được, nếu chỉ bê nguyên ra cũng là cách sử dụng chưa đủ, chỉ khi được sáng tạo mới là “sống” trọn vẹn”, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho hay và nhìn nhận: “Âm nhạc dân tộc không thể giữ khư khư theo kiểu “giữ riêng bản sắc” trong tổng thể, đóng mình lại, mà cần kết nối, mang tính đại đồng”.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho biết, anh vẫn nghiên cứu tìm cách kết hợp âm nhạc dân tộc với hơi thở đương đại, cùng chất liệu văn hóa, âm nhạc ở khắp vùng miền trên thế giới. “Tôi muốn tìm “vị” âm thanh thích hợp với công chúng nước ngoài. Đó cũng là cách âm nhạc truyền thống Việt Nam dễ quảng bá, tiếp cận hơn”, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhìn nhận: “Có những người trẻ có thể chưa biết đến xẩm, nhưng thích rap, hay EDM khi nghe được sản phẩm kết hợp như vậy họ có thể thích và tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, chẳng hạn thế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.