Theo The Korea Times hôm 17.3, Arirang-Meari - một website tuyên truyền nổi tiếng của Triều Tiên, đã đưa tin rằng các ngôi sao Kpop ở Hàn Quốc đang bị công ty chủ quản đối xử như nô lệ và sống một cuộc sống khốn khổ. Cụ thể, hôm 13.3, trang này đã cập nhật bài viết với tiêu đề “Các ca sĩ trẻ Hàn Quốc bị chiếm hữu bởi những công ty lớn, buộc phải sống khổ sở”.
Bài viết tuyên bố đã trích dẫn các tờ báo Hàn Quốc, gọi các thần tượng xứ kim chi nói chung là “ca sĩ trẻ” và nhắc đến BTS, BlackPink làm ví dụ tiêu biểu cho việc sống khốn khổ, bị đối xử như nô lệ. Phía này nhấn mạnh những idol Hàn Quốc thường được ký hợp đồng độc quyền với các công ty lớn từ khi còn nhỏ tuổi và được đào tạo để trở thành những ngôi sao nổi tiếng.
|
Bài viết mô tả các công ty quản lý rất nghiêm ngặt, tách biệt các ca sĩ với thế giới bên ngoài, đưa họ vào guồng quay khắc nghiệt của quá trình đào tạo và chỉ cho phép họ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày. Trang web cũng nhấn mạnh các công ty lấy hầu hết doanh thu từ các ca sĩ dưới danh nghĩa là dùng tiền để đầu tư, đào tạo. Báo cáo chỉ ra mặt tối của ngành công nghiệp âm nhạc xứ củ sâm: “Ngoài những khóa đào tạo khắc nghiệt, họ còn phải chịu những sự sỉ nhục, bị đối xử vô nhân đạo. Các nữ ca sĩ trẻ thậm chí bị ép quan hệ tình dục để làm hài lòng những chính trị gia hay các nhân vật quyền lực trong giới. Nhiều ca sĩ trẻ phải chịu đựng những đau đớn về thể xác và tinh thần, sống cảnh như bị bỏ tù. Một số thậm chí tự kết liễu đời mình, để lại những bức thư tuyệt mệnh nói rằng thật khó để tiếp tục sống như thế”.
Báo cáo của trang web Triều Tiên cũng cho biết các hãng tin tức Hàn Quốc và phương Tây đều lên án các công ty giải trí lớn vì các nghệ sĩ hoạt động dưới trướng đã sống trong cảnh bị giam cầm bởi những hợp đồng nô lệ một cách khó tin ngay từ khi còn nhỏ. Phía này lên án, chỉ trích những ông chủ xấu xa, những công ty giải trí chỉ biết bóc lột và cướp đi cơ thể, tâm trí và linh hồn của những người đã làm “nô dịch” cho họ. Bài viết gây xôn xao cũng đề cập đến SM Entertainment, công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc từng cử nhóm nhạc nữ Red Velvet đến Bình Nhưỡng (Triều Tiên) như một phần của 160 “đại sứ văn hóa” Hàn Quốc trong chiến dịch thúc đẩy hòa bình của chính phủ Hàn Quốc năm 2018.
|
Hãng tin tức Hàn Quốc NK Economy nhận định trang web Triều Tiên đã phóng đại một phần những vấn đề còn tồn tại trong quá trình đào tạo và quản lý nghệ sĩ Kpop ở Hàn Quốc để phê phán toàn bộ. Phía này nêu quan điểm: “Có vẻ bài viết bắt nguồn từ nỗ lực của nhà nước Triều Tiên trong việc ngăn chặn làn sóng hâm mộ về sự nổi tiếng của các nghệ sĩ Kpop tồn tại trong công chúng nước họ”.
Bài viết của Arirang-Meari cũng vướng phản ứng từ dư luận xứ Hàn. Theo The Korea Times, Arirang-Meari được thành lập vào tháng 3.2016 bởi Hiệp hội Arirang, một tổ chức dân sự của Triều Tiên. Cơ quan ngôn luận trực tuyến của Triều Tiên - Uriminzokkiri từng đưa tin về việc thành lập vào tháng 2 năm đó, nói rằng Meari được ra đời “để chia sẻ những tin tức khác nhau có thể góp phần hòa giải và liên minh hai miền Triều Tiên”.
Bình luận (0)