Tăng từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38 quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Người lao động theo hợp đồng lao động sẽ được tăng lương tối thiểu từ 1.7 |
l.t |
Cụ thể, về mức lương tối thiểu tháng được phân theo 4 vùng: vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng trước đây lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Về mức lương tối thiểu giờ cũng được phân theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Theo đó, người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; các cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận... nằm trong đối tượng áp dụng nghị định này, bắt đầu từ ngày 1.7.
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền Lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết sau khi nghị định ban hành, ngày 17.6 Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản triển khai, yêu cầu người sử dụng lao động rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm ngoài giờ, làm việc vào ban đêm...
"Văn bản này cũng nêu rõ đối với các nội dung đã thỏa thuận cam kết trong hợp đồng, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo đó, chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện", ông Cường thông tin thêm.
"Được thêm 8 lít xăng cũng tốt"
Trước thông tin về việc lương tối thiểu được tăng, nhiều người lao động trẻ vui mừng mặc dù mức tăng này nếu quy ra giá xăng hiện tại thì chỉ được... hơn 5 lít xăng đến 8 lít xăng.
Được tăng lương dù ít hay nhiều cũng là điều quý giá đối với người lao động, nhất là công nhân |
l.t |
Trần Quang Tiến, 28 tuổi quê ở Đắk Lắk, hiện là công nhân của khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, Đồng Nai đang trọ tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, cho biết: "Mình không nắm rõ về cách tính toán lương nhưng hiện tại hàng tháng mình được nhận hơn 5 triệu đồng/tháng. Do thuê nhà trọ chung với mấy đồng nghiệp nên mỗi tháng tốn 800.000 đồng. Tiền ăn uống sinh hoạt tiết kiệm cũng hết 3 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tiền xăng. Hiện mình chỉ đủ sống với mức lương này, không biết khi nào mới có tiền cưới vợ".
Với Tiến, mỗi tháng được tăng thêm vài trăm ngàn tiền lương cũng là điều vô cùng quý giá trong thời điểm mọi thứ đắt đỏ như hiện nay. "Coi như được lãnh thêm tiền thì có tiền... mua thêm xăng chở bạn gái đi chơi nhiều hơn, thay vì trước đây chỉ chơi loanh quanh ở gần nhà", Tiến vui vẻ nói.
Phí Thu Yến (25 tuổi), nhân viên thu ngân của của siêu thị Bách Hoá Xanh tại đường Huỳnh Thiện Lộc, Q.Tân Phú, cũng thể hiện niềm vui nếu được tăng mức lương tối thiểu. "Hiện thu nhập hàng của mình là khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Sống ở thành phố nấu một bữa ăn chỉ có rau với đậu phụ cũng mất 40.000 - 50.000 đồng. Các chi phí sinh hoạt khác cái gì cũng tăng khiến lâu nay mình phải gói ghém tiết kiệm hơn rất nhiều. Vì thế, nếu lương mỗi tháng tăng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Thêm được mấy lít xăng cũng tốt rồi", Thu Yến chia sẻ.
Ông Phan Châu Tuấn, Trưởng phòng Huấn luyện nhân sự Công ty Lập Phúc, cho biết mức lương tối thiểu tháng chính là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động.
"Nếu người lao động trước giờ được nhận mức lương thấp hơn với lương tối thiểu vùng trong nghị định mới này thì từ 1.7 doanh nghiệp sẽ phải tính tăng thêm từ 180.000-260.000 đồng/tháng tùy theo vùng. Nhưng nếu người lao động đang có mức lương thỏa thuận cao hơn quy định này, thì có thể sẽ không tăng nữa do doanh nghiệp đã trả vượt với mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, tuỳ vào tình hình thực tế, căn cứ vào mức tăng lương tối thiểu, các bên có thể tiếp tục đề xuất thỏa thuận mức tăng phù hợp", ông Tuấn cho hay.
Bình luận (0)