Từ bỏ vùng an toàn, nỗ lực để vươn lên làm bếp trưởng
Trước khi trở thành bếp phó, bếp trưởng của nhiều nhà hàng và mở trung tâm dạy nghề tại TP.HCM, anh Thông (quê ở Lâm Đồng) từng có thời niên thiếu khó khăn. Nghỉ học từ năm lớp 11 để đi làm phụ giúp gia đình, anh đã phải trải qua nhiều công việc như: phục vụ nhà hàng, giao hàng... và bán cá viên chiên.
Để có được thành công trong ngành ẩm thực, anh Vũ Nhất Thông đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách |
NVCC |
“Khi còn bán cá viên chiên, một bếp trưởng thường ghé mua ủng hộ và khuyên tôi nên theo nghề đầu bếp sẽ có tương lai hơn. Bản thân tôi lúc đó cũng rất đam mê nên quyết định theo đuổi”, anh Thông kể.
Thế là vào năm 2008, anh Thông quyết định nghỉ bán cá viên chiên trong khi mỗi ngày có thể kiếm từ 200 - 300.000 đồng để vào nhà hàng làm phụ bếp với mức lương chỉ có 2,8 triệu/tháng. Mỗi ngày, anh đều đi xe buýt vào lúc 15 giờ để đến nhà hàng và tan ca lúc 0 giờ thì đi bộ 5 km về nhà trọ. Có hôm, anh Thông xin bảo vệ ngủ lại nhà hàng và chấp nhận làm thêm ca sáng không lương để học hỏi kinh nghiệm.
“Đã hơn 10 lần tôi tuyệt vọng và muốn bỏ nghề bếp nhưng không thể vì nó là đam mê. Tôi luôn nghĩ công việc này không chỉ mang lại niềm vui, sự hạnh phúc cho bản thân mình mà còn cho những thực khách”, anh Thông chia sẻ.
Anh Vũ Nhất Thông bắt đầu từ việc phụ bếp để học hỏi kinh nghiệm |
NVCC |
Sau thời gian tích góp, anh Thông mua được xe máy và xin làm việc ở 2 nhà hàng cùng lúc. Guồng quay của công việc từ 5 - 0 giờ mỗi ngày đôi khi khiến anh Thông kiệt sức, không có thời gian cho bản thân và dần mất đi các mối quan hệ xã hội.
Sau nhiều cố gắng, anh Thông được giao vị trí trưởng ca tại nhà hàng New York Steakhouse (Q.1, TP.HCM) vào năm 2009. Trong 10 năm sau đó, anh Thông dần thăng tiến và đạt được nhiều vị trí quan trọng trong nhiều nhà hàng nổi tiếng và trường đào tạo như: bếp phó nhà hàng Crab Pot (Q.3, TP.HCM), bếp trưởng nhà hàng The La Cave (Q.1,TPHCM), giảng viên trường dạy nghề ẩm thực Netspace, trường Hướng Nghiệp Á Âu… Bên cạnh đó, anh đạt được hàng loạt giải thưởng danh giá trong ngành ẩm thực như giải nhất cuộc thi “Xác lập kỷ lục món chiên Việt Nam” năm 2018.
Đến năm 2018, anh Thông thành lập một trung tâm dạy nấu ăn ngắn hạn với mong muốn chia sẻ kiến thức cho học viên yêu thích ẩm thực, các chủ nhà hàng, quán ăn muốn nâng cao tay nghề. Tại đây, học viên có cơ hội tiếp cận kiến thức và công thức nấu ăn được đúc kết từ nhiều năm của các đầu bếp chuyên nghiệp.
Anh Vũ Nhất Thông là khách mời của nhiều chương trình về ẩm thực uy tín |
NVCC |
Từng là một học viên được anh Thông đào tạo, chị Nguyễn Ngọc Thanh Trúc (du học sinh tại Singapore) nhận xét: "Với thầy, mỗi khâu làm ra món ăn đều quan trọng. Tôi học được sự tỉ mẩn, yêu thương nguyên liệu, đối xử dịu dàng với nguyên liệu làm cho hương vị của món ăn cũng được tăng lên”.
Anh Võ Văn Luận (trưởng ca bếp Âu, nhà hàng Côn Sơn, Q.3, TP.HCM) chia sẻ về người đồng nghiệp của mình: “Chứng kiến quá trình phát triển của Thông nên tôi rất trân trọng và khâm phục nỗ lực của anh. Anh là một đầu bếp có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm đáng nể và nhiệt huyết với nghề”.
Một số món ăn ấn tượng do anh được làm ra từ bàn tay điêu luyện của anh Vũ Nhất Thông |
NVCC |
Cần có tố chất gì để theo đuổi ngành ẩm thực
Chia sẻ về nghề đầu bếp, anh Thông chia sẻ: “Nếu trước đây, người ta chỉ cần ăn no thì ngày nay lại phải ăn ngon, ăn sạch và ăn nhiều chất dinh dưỡng. Sự phát triển của ngành du lịch đã mang ẩm thực Việt đến với rất nhiều thực khách sành ăn trên thế giới”.
Theo anh Thông, các bạn trẻ có năng khiếu khác nhưng đam mê ẩm thực có thể lựa chọn những công việc khác như: tự kinh doanh nhà hàng, làm food stylist, food photographer, viết sách về nấu ăn, giảng dạy, làm food review… để phát triển thay vì chỉ chọn nghề đầu bếp.
Anh Thông đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong ngành ẩm thực |
NVCC |
“Để có thể theo đuổi nghề này, bạn phải có sự sáng tạo, kỷ luật, tốc độ, sức khỏe và biết quản lý tính toán chi phí. Đặc biệt giao tiếp cũng là một kỹ năng quan trọng. Thực khách không thể đợi món ăn quá lâu, bạn phải biết sắp xếp thời gian để biết nên làm món nào trước. Bạn sẽ phải có sức khỏe để xóc được chảo cơm chiên cho vài chục khách ăn cùng lúc hay nhiều món ăn khác và phải chịu được sức nóng cùng với việc đứng liên tục trong nhiều giờ”, anh Thông chia sẻ.
Trong thời gian tới anh, bếp trưởng Thông mong muốn giới thiệu ẩm thực Việt tới bạn bè quốc tế và xuất bản một cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn.
Bình luận (0)