Từ cái cúi chào của sinh viên, nghĩ về những điều trường ĐH cần dạy

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
09/04/2023 08:22 GMT+7

Sinh viên xếp hàng, không xả rác, gặp người lạ cúi đầu chào... là những hình ảnh không còn quá xa lạ tại nhiều trường ĐH, khi mà văn hóa ứng xử, ý thức kỷ luật, thái độ sống... đang trở thành mục tiêu giáo dục quan trọng không kém gì kiến thức với kỹ năng.

Những hình ảnh ấm lòng

Khi Báo Thanh Niên tổ chức Giải Bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam lần 1 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhiều khách mời cảm thấy ấm lòng khi bắt gặp những hình ảnh đẹp như sinh viên cúi đầu chào người lạ, thấy rác là tự động nhặt vào thùng để giữ gìn khuôn viên luôn sạch đẹp.

Trong trận chung kết bóng đá tại sân vận động Trường ĐH Tôn Đức Thắng hôm 26.3, tại các lối vào khán đài, hàng trăm sinh viên kiên nhẫn xếp thành 2 hàng dài để chờ đợi được vào sân xem giải dù biết trên khán đài không còn chỗ trống.

Vì sao nhiều sinh viên cúi đầu 45 độ chào giảng viên và người lạ? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hàng để vào xem trận chung kết Giải Bóng đá Thanh Niên sinh viên toàn quốc do Báo Thanh Niên tổ chức

THÚY HẰNG

Tương tự, khách tới các trường như Việt Đức, Công nghệ TP.HCM, Hoa Sen... cũng có thể thấy chuyện xếp hàng hay giữ gìn vệ sinh chung của sinh viên đã trở thành ý thức hàng ngày.

Đặc biệt, nhiều sinh viên thấy giảng viên hay người lạ đều cúi đầu chào lễ phép. Hoặc khi ở những nơi như thư viện, khu vực cần giữ im lặng, sinh viên không đùa nghịch, không gây ồn...

Trường ĐH không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng

Thật vậy, trong thời đại nền kinh tế thị trường quyết định nhiều thứ, công nghệ lên ngôi, không ít bạn trẻ có xu hướng sống thực dụng hơn, bỏ qua sự kết nối với xung quanh, với các giá trị tinh thần, thì việc giáo dục thái độ sống, ý thức kỷ luật, văn hóa ứng xử, trân trọng giá trị truyền thống... cho bạn trẻ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần phải có quá trình lâu dài, từ khi còn là một đứa trẻ, học lên tiểu học, phổ thông cho đến khi học ĐH.

Vì sao nhiều sinh viên cúi đầu 45 độ chào giảng viên và người lạ? - Ảnh 2.

Hình ảnh sinh viên xếp hàng chờ vào thang máy tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

THIÊN DI

Thạc sĩ Đặng Thị Kim Ánh, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ: "Sinh viên xếp hàng, không xả rác, có thái độ lịch sự, lễ phép với người lớn, tôn trọng người khác... là văn hóa mà trường luôn hướng đến. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn trường, từ đó yêu cầu tất cả thầy cô, cán bộ, viên chức cùng đồng hành thực hiện".

Được biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã ban hành chương trình giáo dục 3 nội dung đạo đức gồm: học tập tốt để báo hiếu cha mẹ; tinh thần kỷ luật, nền nếp; tinh thần vì tập thể, vì cộng đồng, sống không ích kỷ.

Nhà trường còn có bộ quy tắc ứng xử trong sinh viên. Thông qua tuần sinh hoạt công dân đầu năm, học kỳ quân đội, các hoạt động phong trào, tập thể, hoạt động vì cộng đồng... sinh viên được rèn giũa và kết quả đánh giá rèn luyện này được sử dụng để xét các loại học bổng, xét khen thưởng và danh hiệu khác.

Tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh, cho rằng trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống hiện đại, việc đào tạo ra những sinh viên không chỉ có kiến thức, kỹ năng mà còn phải biết chú trọng đến đạo đức, giá trị truyền thống, cần được coi là triết lý, mục tiêu của các trường ĐH.

Vì sao nhiều sinh viên cúi đầu 45 độ chào giảng viên và người lạ? - Ảnh 3.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn làm lễ dâng hương thể hiện sự biết ơn với những người đi trước

Q.T

"Các em được rèn luyện kỹ tác phong đi lại, cách trao đổi với nhau, với thầy cô... Tất cả đều nằm trong quy định nhập học của chúng tôi. Trong các chuyên đề kỹ năng cũng có chuyên đề riêng về văn hóa ứng xử", thạc sĩ Tư cho hay.

Nền nếp, cách ứng xử văn minh của sinh viên có sự ảnh hưởng, tác động rất nhiều từ giảng viên, là khẳng định của bà Nguyễn Thị Trúc Giang, cán bộ Trường ĐH Việt Đức. Từ đó hình thành môi trường nuôi dưỡng và đẩy mạnh văn hóa ứng xử trong sinh viên.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Hương, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, nhận định để tạo nên môi trường ĐH văn minh, kỷ luật, giảng viên và cán bộ nhân viên phải thực hiện trước, tạo sự thân thiên, gần gũi, đối thoại văn minh, tôn trọng cá tính và giới tính của sinh viên...

"Môi trường giáo dục của gia đình và trường phổ thông trong suốt 18 năm rất quan trọng, tuy nhiên vai trò của môi trường ĐH cũng cực kỳ quan trọng, có thể phát huy những điều tốt đẹp hoặc thay đổi, cải thiện những điều chưa tốt của người học", bà Hương nhận định.

Tương tự, một cán bộ của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho hay giảng viên, cán bộ nhân viên với sinh viên trong trường gặp nhau là "gật đầu mỉm cười chào nhau suốt". "Chúng tôi chào nhau chứ không phải chỉ sinh viên chào giảng viên thôi đâu", vị cán bộ này cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.