Từ đăng kiểm đến giấy phép lái xe

Mai Hà
Mai Hà
12/04/2023 04:05 GMT+7

Chỉ trong chưa đầy nửa năm, chuyên án điều tra sai phạm tại Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) và hàng loạt trung tâm đăng kiểm tại 63 tỉnh, thành đã làm lộ rõ những góc khuất của một lĩnh vực mà 'ai cũng biết nhưng lâu nay không ai làm gì'.

Trước đây, rất nhiều người dân đi đăng kiểm đã chặc lưỡi với "luật ngầm" để lại 100.000 - 200.000 đồng trong xe cho đăng kiểm viên đỡ hạch sách. Song không chỉ là tham nhũng vặt vài trăm nghìn, kết quả điều tra công bố cho thấy có những trung tâm đăng kiểm ký khống cả nghìn giấy chứng nhận đăng kiểm, bỏ qua các lỗi vi phạm, cho thuê phụ tùng thay thế...

Với sai phạm mang tính hệ thống và tồn tại nhiều năm như thế, đã có bao nhiêu phương tiện mất an toàn vẫn được lưu thông, bao nhiêu vụ tai nạn do lỗi phương tiện đã xảy ra? Dẫu phát sinh hệ lụy như xảy ra ùn tắc nghiêm trọng đăng kiểm diện rộng trên cả nước, song việc "làm sạch" bộ máy đăng kiểm, xử lý những cán bộ đã nhúng chàm là vô cùng cần thiết.

Nếu với đăng kiểm, ngành giao thông rơi vào thế "bị động", thì rút kinh nghiệm với lĩnh vực đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) - một điểm nóng tiềm ẩn nhiều tiêu cực - Bộ GTVT đã chủ động vào cuộc.

Kết quả các đoàn kiểm tra tại 40 sở GTVT đã chỉ ra hàng loạt sai phạm. Bộ GTVT chỉ đích danh các sở GTVT Đắk Lắk, Lai Châu, Lào Cai phải xác minh làm rõ hiện tượng sát hạch viên "hỗ trợ" thí sinh khi thi lý thuyết hạng A1, hay Sở GTVT Bình Định làm rõ việc cho nhiều thí sinh sát hạch lại thực hành lái xe ô tô trong một số kỳ sát hạch... Thanh tra Bộ GTVT đã chuyển thông tin 2 cơ sở đào tạo lái xe có dấu hiệu tiêu cực đến công an để xác minh, xử lý.

Thực tế, việc gian lận trong sát hạch, cấp GPLX đã tồn tại từ rất lâu, cách đây 5 - 7 năm về trước các cò GPLX không chỉ "bao đậu" lý thuyết mà bao luôn cả thực hành. Tình trạng tiêu cực phổ biến này phần nào đã giảm bớt vài năm gần đây, sau khi Bộ GTVT siết lại công tác quản lý, yêu cầu áp dụng nhiều biện pháp giám sát, đặc biệt qua công nghệ. Song phản ánh điều tra trên báo chí cho thấy, việc "bao đậu lý thuyết" hay can thiệp thi thực hành vẫn xảy ra tại một số địa phương. Tại Lào Cai thậm chí từng có nhiều trường hợp "giả mù chữ" để bớt lý thuyết thi cấp bằng lái xe.

Đăng kiểm hay GPLX đều là lĩnh vực đã được xã hội hóa, chức năng quản lý nhà nước vì thế vừa khó, vừa dễ. Việc Bộ GTVT tự "nội soi" chính lĩnh vực mình quản lý cho thấy thái độ cầu thị tự sửa sai với một lĩnh vực nóng, phức tạp.

Tuy nhiên, đằng sau mỗi chiếc xe là tính mạng của rất nhiều người, mỗi một sai sót của người lái xe đều sẽ để lại hệ lụy không thể sửa. Với lĩnh vực đặc thù như thế, chỉ vì vài triệu đồng mà tiếp tay thông đồng, cấp bằng lái cho những người chưa đảm bảo trình độ, cũng có thể xem như một tội ác. Vì thế, việc tự sửa sai của ngành giao thông là chưa đủ, quan trọng hơn là một chuyên án điều tra diện rộng để quét sạch tiêu cực. Nhưng không chỉ ngành giao thông hay lĩnh vực đăng kiểm, GPLX, mà còn nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nóng khác cũng cần những cuộc "đại phẫu" làm sạch bộ máy, lấy lại niềm tin cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.