Từ đơn thư bạn đọc: Khuất tất chế độ thương tật của một thương binh

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
22/02/2020 08:22 GMT+7

Nhiều năm qua, thương binh Đinh Văn Tham (62 tuổi, ở xã Xuân Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình) nén cơn đau lặn lội kêu cứu khắp nơi để được giám định lại thương tật, nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu thờ ơ.

Thiếu trách nhiệm

Theo hồ sơ, ông Tham nhập ngũ năm 1977, thuộc đơn vị: c4, d1, e688 BP (Quân khu 7). Năm 1980, ông bị thương khi chiến đấu ở Campuchia, được đơn vị cấp sổ thương binh với tỷ lệ thương tật 21%, hạng 1 tạm thời. Ông Tham cho biết từ đó trở về sau ông không được khám lại, phục viên về quê năm 1981 và hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng từ địa phương chi trả.
Những năm sau đó, mặc dù các vết thương trong người đau âm ỉ nhưng ông cũng không tái khám để xác định lại thương tật. Đến năm 2009, bị sốt nặng, tức ngực khó thở và đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 268 ở Thừa Thiên-Huế mới phát hiện thêm nhiều thương tích. Sau đó, ông làm đơn gửi Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Quảng Bình đề nghị giám định lại thương tật.
Ngày 5.5.2010, Sở LĐ-TB-XH chuyển đơn ông Tham cho Phòng LĐ-TB-XH H.Minh Hóa xem xét trả lời. Ngày 24.5.2010, Phòng LĐ-TB-XH H.Minh Hóa có văn bản trả lời ông Tham với nội dung: “Ông không thuộc diện được giám định lại vì trong phiếu thương tật số 55, cấp ngày 10.6.1981, đã ghi rõ là thương binh loại A, hạng 1 (Một V.V; vĩnh viễn - PV) có nghĩa ông đã được giám định thương tật vĩnh viễn”.
Theo ông Tham, đã có sự thiếu trách nhiệm của Sở và Phòng LĐ-TB-XH. Ông khẳng định chưa được khám lại và trong sổ thương binh ghi rất rõ thương tật hạng 1 (TT; tạm thời - PV). Lẽ ra, khi tiếp nhận kiến nghị trực tiếp của ông Tham và có trong tay 2 bằng chứng quan trọng là sổ thương binh và phiếu thương tật thì Sở và Phòng LĐ-TB-XH phải lắng nghe, tìm hiểu, xác minh lại cho rõ ràng. Nhưng 2 cấp này đã không làm vậy mà vội vàng trả lời thiếu cơ sở.
Phòng LĐ-TB-XH H.Minh Hóa trả lời ông Tham: “Điều 12, Nghị định số 54/2006 của Chính phủ quy định: Thương binh được kết luận thương tật tạm thời từ 21% trở lên, sau 3 năm được giám định lại để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn. Trường hợp của ông đã được hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tật 21% vĩnh viễn, do vậy không thuộc diện giám định lại thương tật”.
Từ đơn thư bạn đọc: Khuất tất chế độ thương tật của một thương binh1

Phiếu thương tật có dấu hiệu bị chỉnh sửa

Không chấp nhận bị oan, ngày 29.10.2013, ông Tham tiếp tục làm đơn khiếu nại, trong đơn khẳng định: “Từ khi về đến nay tôi chưa được tái khám lần nào”. Một chi tiết đáng lưu ý, ông Tham cho rằng, phiếu thương tật số 55 mà Phòng LĐ-TB-XH làm căn cứ là đã bị sửa chữa thành “vĩnh viễn”.
Nghi ngờ của ông Tham là có cơ sở vì theo quan sát của PV Thanh Niên, chữ “V.V” trong phiếu thương tật tại hồ sơ lưu có nét và màu mực khác và mới hơn so với những chữ còn lại. Ngoài ra, bản sao của phiếu cũng bị cháy 2 lỗ tròn ở phần thông tin tạm thời hay vĩnh viễn.

Không được truy lĩnh?

Ngày 11.12.2013, Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình mới có công văn gửi Phòng Chính sách (thuộc Cục Chính trị, Quân khu 7) đề nghị xác minh lại nội dung ghi trong hồ sơ gốc của ông Tham, tại phiếu thương tật số 55 với tỷ lệ thương tật 21%, thương binh loại A, hạng 1 là “tạm thời” hay “vĩnh viễn”.
Và mọi chuyện được sáng tỏ, bởi ngày 27.12.2013, Quân khu 7 có văn bản trả lời Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình về hồ sơ thương binh của ông Tham, khẳng định: “Căn cứ biên bản giám định y khoa số 1686/TT-MS ngày 15.9.1980 của Sư đoàn 5, Quân khu 7 kết luận tỷ lệ thương tật 21%, tạm thời, loại A”. Hồ sơ gốc của ông Tham cũng được gửi về cho sở.
Từ đơn thư bạn đọc: Khuất tất chế độ thương tật của một thương binh2

Bản sao phiếu thương tật bị cháy 2 lỗ tròn đúng chi tiết quan trọng

Từ đó, ông Tham mới được khám lại. Ngày 15.8.2014, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Quảng Bình đã kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích của ông Tham là 48% vĩnh viễn. Ngày 15.9.2014, Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình có quyết định điều chỉnh trợ cấp thương tật đối với ông Tham do giám định lại thương tật tăng tỷ lệ từ 21% tạm thời lên 48% vĩnh viễn; với số tiền chênh lệch sau điều chỉnh khá lớn. Ở miền núi khó khăn, gia đình vất vả và tuổi già sức yếu, giờ ông Tham mong muốn được truy lĩnh số tiền chế độ chênh lệch mà ông không được nhận trong nhiều năm do sự tắc trách của cán bộ LĐ-TB-XH.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV Thanh Niên và xem lại hồ sơ, một vị lãnh đạo ngành LĐ-TB-XH của tỉnh thừa nhận trong vụ việc này ông Tham có sự thiệt thòi, nhưng quy định tại Nghị định 31 năm 2013 không cho phép cấp truy lĩnh; chỉ còn cách khởi kiện ra tòa án để phân định sai phạm và đền bù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.