Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đến diễn đàn văn hóa Việt Nam

22/11/2021 12:20 GMT+7

Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất 1946 thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm đối với lĩnh vực văn hoá, với nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ.

Lắng nghe nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ

Ngày 24.11.1946, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát TP.Hà Nội. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lĩnh vực văn hoá nói chung, nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ nói riêng.

Hội nghị là diễn đàn để lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hoá nghệ thuật, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Đây là cách làm mà các nhà khoa học hay tổng kết thành mô hình từ dưới lên.

Hơn 200 nhà hoạt động văn hoá đại diện cho phong trào văn hoá toàn quốc và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự lễ khai mạc Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất.

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh. Văn hóa cũng đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với 3 tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.

Người nói: “Tôi mong chúng ta đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Bác Hồ thăm một lớp bình dân học vụ trong nhà máy

Ảnh tư liệu

Cơ hội văn hóa nghệ thuật đóng góp vào phát triển

Bối cảnh lịch sử rất quan trọng để giải thích sự ra đời của Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất. Hội nghị này là nỗ lực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng những người yêu văn hóa Việt Nam nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa nước nhà. Nó lấy kinh nghiệm của giới hoạt động văn hóa châu Âu, trước hết là giới văn nghệ sĩ trí thức Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc.

Dù đây không phải là thời kỳ thuận lợi do không khí chiến sự căng thẳng tại Hải Phòng và Hà Nội, nhưng chính nỗ lực tổ chức hội nghị đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hoá, cũng như chính vai trò của văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Những thông điệp quan trọng của Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, sau đó là lần thứ hai (năm 1948) về văn hoá soi đường cho quốc dân đi, văn hoá là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó, Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng.

Không thể phủ nhận rằng, những tư tưởng và thông điệp đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những ca khúc, bộ phim, vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết... truyền cảm hứng, hình thành nên sức mạnh Việt Nam trong nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Chính vì thế, bài học của việc tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc cách đây 75 năm tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hoá nghệ thuật; khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hoá nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyên vọng của mình, đó là lúc văn hoá nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Cuốn Đề cương văn hóa là một tài liệu quan trọng trên con đường Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

bảo tàng lịch sử quốc gia cung cấp

Mong diễn đàn văn hóa định kỳ hàng năm

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa là một nội dung quan trọng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chính vì thế, chúng ta kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này cũng là đợt triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với yếu tố phát triển công nghiệp văn hóa sẽ được đẩy mạnh, chú ý nhiều hơn nữa.

Hiện tại, công nghiệp văn hóa dù chưa được sự triển khai thực hiện tốt nhưng vẫn rất năng động. Sự năng động đó chủ yếu đến từ sự năng động của thành phần kinh tế tư nhân và của các nhân yêu văn hóa nghệ thuật chứ chưa phải từ việc triển khai chiến lược văn hóa. Bây giờ chúng ta hy vọng nhờ các thông điệp tạo hội nghị việc thực hiện chiến lược phát triển sẽ tốt thơn.

Mắt biếc, bộ phim vừa đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Việt Nam 2021, cũng là phim có doanh thu "khủng"

tư liệu

Thời gian qua, dù chưa có triển khai chiến lược văn hóa như vậy, nhưng với sự năng động của khối tư nhân, chúng ta đã có những sản phẩm công nghiệp văn hóa đáng nhắc đến. Nhiều sản phẩm âm nhạc thu hút công chúng trong nước và lan tỏa ra nước khác như của Sơn Tùng MTP, Đen Vâu... Có những bộ phim Việt Nam doanh thu cao hơn cả phim bom tấn nước ngoài như Bố già, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc...

Những bộ phim đó thực sự sử dụng các tài năng sáng tạo kết hợp khai thác vốn văn hóa Việt, sử dụng công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm điện ảnh. Bây giờ nếu có thêm chung tay chung sức trong triển khai chiến lược văn hóa chúng ta sẽ tạo ra được sức sống mới, đột phá mới cho công nghiệp văn hóa. Chúng ta hoàn toàn hy vọng sẽ có những ban nhạc như BTS của Hàn Quốc, có những bộ phim như Squid gameParaside.

Chúng ta cũng còn có nhiều vấn đề của văn hoá nghệ thuật; chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân; tuổi lao động đối với các ngành nghệ thuật đặc thù; cơ chế tự chủ của các nhà hát, đoàn nghệ thuật, cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống và tiếp nhận chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới; phát triển công nghiệp văn hoá - sáng tạo, không gian sáng tạo ở các đô thị... Tất cả đang chờ những giải pháp từ phía Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Vì vậy, việc tổ chức một Hội nghị Văn hoá toàn quốc dưới hình thức Diễn đàn văn hoá quốc gia thường niên là việc có thể thúc đẩy đối thoại chính sách nhanh hơn, tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.