Xe

Từ làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc đến góc khuất của nước Mỹ

08/06/2020 08:00 GMT+7

Chưa thoát khỏi thiệt hại nghiêm trọng từ Covid-19 thì nước Mỹ lại đối mặt thêm làn sóng biểu tình lan rộng để thể hiện sự phẫn nộ trước cái chết của người đàn ông tên George Floyd, 46 tuổi, cao trên 1m9.

George Floyd là người đàn ông da đen thường được bạn bè gọi là “người khổng lồ hiền lành” đã bị cảnh sát bắt hôm 25.5 ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota vì bị nghi tiêu thụ một tờ 20 USD giả. Video được công bố cho thấy một cảnh sát da trắng tên Derek Chauvin (người có 19 năm làm cảnh sát và từng có ít nhất 17 lá đơn khiếu nại, tố cáo) đã ghì rất mạnh đầu gối vào cổ của ông Floyd trong khoảng 8 phút, trong khi ba cảnh sát khác hỗ trợ xung quanh. Theo các video và thông tin từ truyền thông Mỹ thì ông Floyd ngay từ ban đầu không có sự phản kháng lại cảnh sát và đã bị còng 2 tay trước đó nên về cơ bản thì Floyd không có khả năng gây nguy hiểm cho cảnh sát và không có ý chống người thi hành công vụ.
Khi bị viên cảnh sát Chauvin đè mạnh đầu gối lên cổ để ép sát mặt đường thì Floyd đã liên tục cầu xin, nói mình không thể thở được (Please, I Can’t Breathe) nhưng viên cảnh sát vẫn giữ nguyên tư thế đến khi Floyd bất tỉnh và sau đó tử vong tại bệnh viện.

Tổng thống Trump từng muốn đưa 10.000 binh sĩ dẹp biểu tình bạo động ở thủ đô Washington

Sau sự việc, 4 cảnh sát liên quan đã bị sa thải và bị bắt giam, riêng ông Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba với mức án tù khoảng 25 năm. Vợ của ông Chauvin là Kellie Chauvin đã nộp đơn xin ly hôn khi cô bị ảnh hưởng nặng nề sau cái chết của Floyd, người đã bị chính chồng cô ghì đến bất tỉnh rồi chết.

Cái chết đánh động hàng triệu người

Cái chết đó đã đánh động hàng triệu người Mỹ cùng sự bất bình với nạn phân biệt chủng tộc xảy ra trong quá khứ và luôn âm ỉ trong lòng nước Mỹ. Chính điều này đã dẫn đến các cuộc biểu tình đầu tiên tại thành phố Minneapolis và sau đó lan rộng khắp các thành phố khác ở Mỹ. Tại thủ đô Washington D.C, những người biểu tình đã đẩy đổ rào chắn trước Nhà Trắng, có hành động bạo lực và đụng độ với cảnh sát.
Người biểu tình hô to khẩu hiệu “Tôi không thể thở” mà chính ông Floyd đã cầu xin viên cảnh sát trước khi chết. Các cuộc biểu tình ôn hòa cũng có sự tham gia của tổ chức cho phong trào “Black Lives Matter”(Mạng sống của người da màu cũng có ý nghĩa) nhằm kêu gọi chống lại sự bất bình đẳng và hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi. Các cuộc biểu tình sau đó đã biến thành bạo động khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt xe, sở cảnh sát, phá hoại tài sản và cướp bóc cửa hàng tại nhiều thành phố ở các tiểu bang Mỹ.
Tổng thống Donald Trump vào ngày 29.5 đã liên hệ để chia buồn với gia đình Floyd. Ông cũng bày tỏ quan điểm là không chấp nhận các hành vi bạo loạn, gây rối kiểu vô chính phủ của những người biểu tình trong sự việc này, đồng thời đe dọa sử dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm soát tình hình.

Tình báo Mỹ: Ít bằng chứng có tổ chức cực đoan kích động biểu tình bạo lực

Cùng ngày, cựu Tổng thống Barack Obama phát biểu rằng ông chia sẻ với nỗi đau của hàng triệu người dân Mỹ trước cái chết của Floyd và sự phân biệt chủng tộc không thể xem là điều "bình thường" ở Mỹ. Trong khi đó, ứng viên tổng thống Joe Biden cho rằng việc phản đối sự tàn bạo của viên cảnh sát gây ra cái chết của Floyd là điều đúng đắn và cần thiết, nhưng người biểu tình không nên bạo động, thiêu rụi các cộng đồng và tàn phá đất nước. Ông Biden cũng đến hiện trường của một cuộc biểu tình ở tiểu bang Delaware và ông đã quỳ gối ở đó.
Chính phủ Mỹ đã huy động 5.000 Vệ binh Quốc gia tới 15 tiểu bang và thủ đô Washington D.C. Đồng thời, chính phủ Mỹ cũng ban bố lệnh giới nghiêm ở các thành phố và tiểu bang là điểm nóng của biểu tình, bạo loạn. Cảnh sát ở nhiều bang đã quỳ gối trước mặt người biểu tình với ý nghĩa xin lỗi và không có ý hành động đàn áp những người biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên, đến nay tình trạng bất ổn vẫn còn. Cái chết của Floyd đã thực sự làm bùng lên sự phẫn nộ và càng làm cho Mỹ thêm chia rẽ về chính trị lẫn sắc tộc vốn dĩ đã tồn tại âm ỉ trong nhiềm năm qua.

Ngọn lửa âm ỉ khắp nơi

Làn sóng biểu tình tại Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc đã nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia khác trên thế giới. Cụ thể là tại Anh, hàng trăm người biểu tình quỳ trước quảng trường Trafalgar, London và hô vang khẩu hiệu "Không có công lý, không hòa bình". Người biểu tình cũng đã diễu hành qua Hạ viện và tập trung biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại London. Tại Đức, hàng trăm người khác cũng phản đối bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Berlin và đưa ra khẩu hiệu "Công lý cho George Floyd".

Trước bầu cử Mỹ, ông Trump đối mặt với 3 khủng hoảng liên tiếp

Tại New Zealand, hàng ngàn người cùng hô to "Mạng sống người da đen quan trọng" trong cuộc biểu tình ở thành phố Auckland. Tại Canada, rất nhiều người biểu tình hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter” chống phân biệt chủng tộc tại thành phố Montreal, tỉnh bang Quebec và thành phố Toronto, tỉnh bang Ontario. Trước đó, sau cái chết của một người phụ nữ 29 tuổi, rơi từ ban công ở căn hộ tầng 24 trong khi cảnh sát đang có mặt ở hiện trường thì cũng đã có khoảng 4.000 người tại Canada đã tham gia cuộc biểu tình ôn hòa ở thành phố Toronto, tỉnh bang Ontario, Canada.
Do đó, qua sự kiện George Floyd mới thấy nạn phân biệt chủng tộc như ngọn lửa luôn âm ỉ trong lòng Mỹ cũng như nhiều quốc gia và rất nhiều người dân trên thế giới bất bình.
Phân biệt chủng tộc ở Mỹ đã tồn tại từ thời thuộc địa khi người Mỹ gốc châu Âu da trắng giàu có theo đạo Tin lành được hưởng các đặc quyền trong các vấn đề giáo dục, nhập cư, quyền bầu cử, quyền công dân, thu hồi đất và thủ tục hình sự trong suốt lịch sử Mỹ. Trong khi đó ở chiều ngược lại, các quyền tương tự bị từ chối đối với những người nhập cư không theo đạo Tin lành từ châu Âu như người Ireland, người Ba Lan, người Ý cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, các chủng tộc khác như người Do Thái, người Ả Rập, người Đông, Nam và Đông Nam Á cùng các nhóm thiểu số khác cũng bị phân biệt đối xử ở Mỹ.
Phân biệt chủng tộc không được chấp nhận về mặt xã hội cũng như đạo đức và phân biệt chủng tộc bị cấm chính thức vào giữa thế kỷ 20.
Đóng góp to lớn cho việc chống phân biệt chủng tộc là nỗ lực của Tiến sĩ thần học, Mục sư Martin Luther King (15.1.1929 – 4.4.1968). Ông là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi và là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động.
Martin Luther King nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1964 vì đã đấu tranh bất bạo động để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật về Quyền Dân sự vào năm 1964 và Luật về Quyền Bầu cử vào năm 1965 cho phép người da đen được quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác như người da trắng được hưởng. Với sự đóng góp to lớn trong việc xóa chế độ phân biệt chủng tộc, đấu tranh cho người da đen có những quyền lợi công bằng như người da trắng, Martin Luther King giành hàng loạt giải thưởng và đứng thứ hai trong danh sách những nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong thế kỉ 20 (theo cuộc thăm dò của Gallup).
Một trong những điều gây ấn tượng và yêu thích nhất về Martin Luther King là bài diễn văn “I have a Dream” (Tôi có một giấc mơ). “Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở thành ốc đảo của tự do và công bằng.Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng. Hôm nay, tôi có một giấc mơ...”.

Hệ lụy khó lường

Với tình trạng hiện tại ở Mỹ, có thể thấy một số hệ lụy trong tương lai là khả năng lây nhiễm Covid-19 vì tụ tập đông người, phá bỏ lệnh cách ly xã hội và biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Đồng thời, việc đập phá, cướp bóc, làm hư hại sẽ ảnh hưởng đến các cơ sở thương mại bao gồm cả ngân hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng và đặc biệt việc phá hoại tại các tiệm thuốc tây như Walgreens cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung cấp thuốc men cho người dân Mỹ.
Nền kinh tế càng thêm khó khăn, khả năng xảy ra khủng hoảng lớn vì Covid-19 gây ra cùng bạo loạn lan rộng do phân biệt chủng tộc và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến Mỹ thực sự gặp nhiều thách thức. Đây có thể xem là thử thách lớn nhất về kinh tế và vấn đề phân hóa xã hội Mỹ kể từ thời điểm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc vào năm 1964.
Điều này khiến người dân Mỹ gặp khó khăn và những tầng lớp có thu nhập thấp cảm thấy chính phủ chỉ có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho những người có thu nhập tốt hơn họ (chẳng hạn như ngoài tiền thất nghiệp thì chính phủ còn hỗ trợ thêm cho những người này 600 USD/1 tuần trong nhiều tháng) và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ưu tiên tiếp cận gói kích thích kinh tế. Đây cũng là quan điểm của Tổng thống Donald Trump và Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế để thông qua gói kích thích kinh tế. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ, người lao động có thu nhập thấp, không ổn định, không có việc làm lại không được hỗ trợ như họ kỳ vọng và khiến nhiều người cho rằng họ bị đối xử bất công. Điều này cũng tác động đến suy nghĩ, tâm lý của người dân nghèo tại Mỹ khi nhiều người da đen nằm trong số những người nghèo nhất ở Mỹ.
Hiện nay đã có hơn 40 triệu người Mỹ thất nghiệp, thị trường chứng khoán giảm và bất ổn. Các doanh nghiệp lớn đình trệ và các doanh nghiệp nhỏ (tiểu thương) thực tế khó tiếp cận nguồn vốn từ gói hỗ trợ của chính phủ. Khó khăn này sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ lâm vào cảnh phá sản. Hơn nữa, viễn cảnh kinh tế sẽ trì trệ, ảm đạm trong khi chi phí cho cuộc sống tại Mỹ có quá nhiều khoản phải chi như tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm, tiền thuế, tiền ăn uống, sinh hoạt và thậm chí là tiền nợ. Những người lao động Mỹ, đặc biệt tầng lớp lao động phổ thông, thu nhập trung bình thấp sẽ khó tìm việc làm, cạnh tranh công việc nên khó khăn sẽ càng khó khăn, cuộc sống sẽ càng chật vật hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.