Từ nông dân thành tỉ phú

14/10/2024 09:29 GMT+7

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc mở cửa hội nhập của kinh tế Việt Nam…, nhiều nông dân đã liên kết sản xuất quy mô lớn và trở thành những tỉ phú, những hợp tác xã có thể cho các thành viên vay tiền tỉ…

Trái cây tỉ USD và các "tỉ phú sầu riêng"

Cuối tháng 6, ông Nguyễn Thanh Hòa, một thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đạ M'ri (H.Đạ Huoai, Lâm Đồng), đón thương lái vào thu hoạch vườn sầu riêng Dona của mình với tâm trạng phấn khởi. Đây là vụ thu hoạch thứ 2 trong khu vườn rộng 2 ha với 400 gốc của ông Hòa. Năm nay nắng nóng gay gắt nên năng suất chỉ đạt 15 tấn/ha, thấp hơn dự tính là 20 tấn/ha, nhưng bù lại giá bán xô tại vườn lên tới 78.000 đồng/kg, cao hơn năm trước khoảng 15.000 đồng/kg, giúp ông Hòa thu về cả tỉ đồng, nên ông chủ vườn hết sức phấn khởi.

Ông Hòa cho biết do thời tiết năm nay khô hạn, bà con ở đây ai cũng phải tốn nhiều chi phí cho khâu bơm tưới, có người phải đầu tư ống dẫn nước dài đến 5 - 7 km. Tuy nhiên nhờ giá sầu riêng cao nên sau khi trừ hết chi phí cũng lãi được trên 1 tỉ đồng/ha.

Từ nông dân thành tỉ phú- Ảnh 1.

Nông dân Nguyễn Thanh Hòa, một “tỉ phú sầu riêng” của HTX Nông nghiệp Đạ M’ri (H.Đạ Huoai, Lâm Đồng)

ẢNH: CHÍ NHÂN

Ông Hòa là người cuối cùng trong HTX Nông nghiệp Đạ M'ri thu hoạch vụ sầu riêng năm 2024, nên thắng lợi của ông cũng là sự kết thúc trọn vẹn một mùa sầu riêng đối với toàn HTX. Vào đầu vụ, có thành viên đã bán được sầu riêng với giá trên 100.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M'ri, vui vẻ thông báo, hai năm nay xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, bà con bán được giá cao, nên thu nhập của các thành viên rất khá. "Sầu riêng cho lợi ích kinh tế cao, một vụ có thể kiếm vài tỉ đồng, cất được cái nhà khang trang. Ở HTX Đạ M'ri, chúng tôi sản xuất theo hướng hữu cơ với phương châm phải làm sao cho đất khỏe, cây khỏe và người trồng cũng như người sử dụng cũng phải khỏe", ông Sơn chia sẻ.

HTX Nông nghiệp Đạ M'ri được thành lập từ năm 2017, ban đầu với chỉ 16 thành viên, xuất phát điểm là câu lạc bộ làm vườn và tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn. Từ nhu cầu của các thành viên cũng như chủ trương của nhà nước trong việc đẩy mạnh phát triển, xây dựng nông thôn mới, HTX đã ra đời.

"Một trong những hoạt động nổi bật của HTX là tư vấn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chúng tôi liên hệ với các nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật, hội thảo không chỉ cho thành viên mà mở rộng cho tất cả nông dân ở địa phương tham gia. Ngoài những buổi hội thảo trực tiếp do các nhà khoa học hướng dẫn, chúng tôi còn thành lập nhóm Zalo chuyên việc tư vấn kỹ thuật cho bà con.

Có một phó giám đốc HTX chuyên về kỹ thuật phụ trách và các thành viên cũng tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm với nhau", ông Hòa tự hào kể và cho biết, dựa trên những chia sẻ đó, họ nắm bắt được các thành viên và bà con nông dân cần những sản phẩm phân thuốc nào, sản phẩm nào tốt, từ đó liên hệ với các nhà cung cấp có uy tín, chất lượng. Mục tiêu là làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng chứ không phải lợi nhuận. Tuy nhiên, do mua trực tiếp từ công ty nên HTX được hưởng cơ chế giá tốt. Nhờ vậy, HTX cũng tạo được khoản thu nhập từ việc cung cấp vật tư nông nghiệp.

Sầu riêng cho lợi ích kinh tế cao, một vụ có thể kiếm vài tỉ đồng, cất được cái nhà khang trang. Ở HTX Đạ M'ri, chúng tôi sản xuất theo hướng hữu cơ với phương châm phải làm sao cho đất khỏe, cây khỏe và người trồng cũng như người sử dụng cũng phải khỏe.

Từ nông dân thành tỉ phú- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M'ri (H.Đạ Huoai, Lâm Đồng)

"Từ khoản doanh thu này, mỗi năm HTX đóng góp từ 10 - 15 triệu đồng cho các hoạt động phúc lợi xã hội của địa phương; số còn lại một phần trích quỹ dự phòng và một phần chia cho các thành viên. Ngoài ra, năm nay HTX cũng tổ chức cho các thành viên đi nghỉ mát 2 ngày 1 đêm ở biển Vũng Tàu, bên cạnh đó kết hợp tham quan nhà máy của một doanh nghiệp đối tác", ông Hòa khoe.

"Trước đây, người ta cứ lo sầu riêng phát triển nóng rồi tới lúc dội chợ không bán được. Tuy nhiên, hiện nay nhờ ký được nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Trung Quốc nên bà con rất yên tâm sản xuất, cũng không lo việc trúng mùa rớt giá như trước đây", ông Nguyễn Thanh Sơn lạc quan.

HTX có vốn tích lũy cho nông dân vay trên 4 tỉ đồng/năm

Trong khi sầu riêng là "ngôi sao đang lên" thì sản xuất lúa vẫn là trụ cột quan trọng của ngành nông nghiệp VN. Nhưng đã xa rồi cái thời trồng lúa "con trâu đi trước…", nhiều nông dân trồng lúa giờ đây chẳng khác nào chuyên gia nông nghiệp. Họ tham dự hội nghị, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thực tế cho cả các cơ quan quản lý. Cuối tháng 8 vừa qua, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo VN (Vietrisa) phối hợp tổ chức hội thảo "Tham vấn về tiếp cận tài chính trong chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp tại VN". Ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình (H.Thanh Bình, Đồng Tháp), được mời tham dự với tư cách người trong cuộc.

Từ nông dân thành tỉ phú- Ảnh 3.

Ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình

ẢNH: CÔNG HÂN

Nói về vấn đề trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang là thời sự hiện nay, ông Bông cho biết: HTX của ông tham gia ngay khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai tại địa phương, với diện tích là 100 ha của 41 thành viên vụ hè thu 2024. Trong số này, người ít nhất cũng có 0,5 ha và người nhiều nhất lên đến 15 ha.

"So với cách trồng thông thường thì cách sản xuất mới này tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu do giảm lượng lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu… tương đương từ 15 - 20% vốn. Lúa vụ hè thu vẫn đảm bảo năng suất và được doanh nghiệp bao tiêu với giá 8.450 đồng/kg, giống OM18, cao hơn thị trường 50 đồng/kg và cao hơn cam kết hồi đầu vụ 100 đồng/kg do giá thị trường tăng. Sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp là một hướng đi đúng. Để tiếp tục mở rộng và phát triển mô hình này, cần có sự quyết tâm của nhà nước và đầu tư nhiều hơn nữa về vốn, kỹ thuật cho bà con nông dân", ông Bông tâm huyết.

Ông Bông có gần 40 năm gắn bó với HTX Nông nghiệp Tân Bình và vùng đất Cù lao Tây. Những năm qua ông xây dựng Tân Bình thành một HTX hoạt động đa lĩnh vực và gần như khép kín quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống đến làm đất bằng tia laser, trạm bơm tưới nước, thu hoạch bằng máy, bảo quản sau thu hoạch, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, sản xuất phân bón hữu cơ… Đây là những nền tảng cơ bản và quan trọng để tiếp tục phát triển ngành lúa gạo cũng như nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đặc biệt nhất với HTX Nông nghiệp Tân Bình là hoạt động tín dụng nội bộ.

HTX Nông nghiệp Tân Bình được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở hợp nhất 3 HTX quy mô nhỏ trên Cù lao Tây nằm giữa sông Tiền với 1.034 thành viên, diện tích sản xuất 712 ha, trong đó có 600 ha chuyên canh lúa, phần còn lại 112 ha hoa màu và cây ăn trái. "Sau khi hợp nhất, với các hoạt động đa ngành, hiệu quả đã giúp HTX mỗi năm có dư một ít vốn tích lũy. Để đồng tiền phát huy giá trị, chúng tôi tiến hành cấp tín dụng nội bộ cho các thành viên. Thành viên muốn vay sẽ phải làm hồ sơ gởi đến ban lãnh đạo HTX, trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi xét duyệt hồ sơ chỉ trong vòng một buổi và cấp hạn mức tín dụng từ

150 - 200 triệu đồng/ha với lãi suất tượng trưng chỉ 1%/năm. Nhờ quá trình hoạt động kéo dài nhiều năm qua, hiện tại nguồn vốn của quỹ tín dụng này lên tới trên 4 tỉ đồng. Vì là hoạt động tín dụng nội bộ nên nhiều năm qua các thành viên đều có ý thức cao trong việc duy trì và bảo vệ nguồn vốn chung", ông Bông nói.

Có thể thấy, người nông dân thời đại mới đã thay đổi rất lớn, họ có sự sáng tạo, năng động, luôn có ý thức tìm tòi, học hỏi, thí nghiệm, đổi mới cách làm. Năm 2023, HTX Nông nghiệp Tân Bình bắt đầu đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng và mang về làm nấm rơm. Sau khi làm nấm, rơm đó để ủ phân bón hữu cơ. Với giá phân bón hữu cơ là 3.800 đồng/kg, riêng khoản này cũng mang về doanh thu cho HTX thêm hơn 200 triệu đồng. "Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, chúng tôi cũng vừa làm vừa học và vừa rút kinh nghiệm để có thể tiếp tục làm ra sản phẩm ngày một tốt hơn. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng thương hiệu, bao bì mẫu mã cho mặt hàng phân bón này. Đáng mừng là một số tổ chức trong và ngoài nước cũng đang rất quan tâm và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều", ông Bông khoe.

Ở vùng cù lao này nước ngọt quanh năm, sản xuất lúa 3 vụ ăn chắc, sản lượng từ 18 - 20 tấn/ha; với diện tích đất trung bình 1 - 2 ha, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá. Có được kết quả này cũng nhờ giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả bằng việc tận dụng phế - phụ phẩm nông nghiệp là nguyên liệu đầu vào cho các quy trình sản xuất mới của HTX Nông nghiệp Tân Bình. "Từ khi thành lập đến nay, năm nào doanh thu thấp cũng đạt 500 - 700 triệu đồng, những năm gần đây lên tới 1,5 - 2 tỉ đồng. Lợi nhuận này một phần để tiếp tục đầu tư, phần còn lại chia cho các thành viên, nên bà con ngày càng gắn bó với HTX", ông Bông tâm sự.

Sau vụ hè thu, trong những ngày đầu tháng 9, ông Bông và các thành viên HTX lại tiếp tục xuống giống vụ thu đông. Cây lúa trên vùng đất cù lao giữa sông Tiền và những đồng vốn của HTX lại bắt đầu một vòng quay mới, xanh hơn, bền vững hơn.

CLB nông dân tỉ phú

Tại ĐBSCL, phong trào cùng nhau làm giàu ngày càng phát triển rộng. Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tập hợp những nông dân sản xuất giỏi với lợi nhuận mỗi năm từ 1 tỉ đồng trở lên để thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỉ phú, có 20 thành viên. Nhờ hoạt động thiết thực và hiệu quả, đến nay toàn tỉnh có 10 CLB ở các địa phương với 415 thành viên. Tiếng lành đồn xa, mô hình CLB mở rộng sang một số tỉnh thành khác trong khu vực như Cần Thơ, Cà Mau và gần đây nhất là An Giang.

Cuối năm 2023, CLB Doanh nhân nông thôn tỉnh An Giang ra đời, với 20 thành viên là những nông dân sản xuất giỏi tại xã Long Kiến, H.Chợ Mới. CLB có người làm lúa, sản xuất cá khô và trồng sầu riêng với tiêu chí doanh thu mỗi năm trên 1 tỉ đồng. Anh Lê Trường Giang, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được bầu làm Chủ nhiệm CLB, cho biết được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh cho đi học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh bạn, thấy đây là mô hình hay, là sân chơi để tập hợp anh em trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau tiếp tục phát triển, nên đã thành lập CLB. Do đặc thù của vùng đất cù lao Chợ Mới diện tích không được nhiều nên mọi người phải lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp, suy nghĩ cách làm để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Từ nông dân thành tỉ phú- Ảnh 4.

Anh Lê Trường Giang (trái), Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nông thôn tỉnh An Giang

ẢNH: NVCC

Ở vùng đất này, ông Võ Văn Em là người đầu tiên chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng cách đây khoảng 12 năm. Thấy hiệu quả nên ông mở rộng diện tích dần, đến nay trên 10 ha. Anh Giang và nhiều người cũng học theo. Nhận thấy thị trường vẫn bấp bênh, dễ rớt giá khi vào vụ thu hoạch rộ, họ lại khăn gói đi học cách xử lý ra hoa vụ nghịch và cách đây 2 năm đồng loạt chuyển sang trồng vụ nghịch. "Cây sầu riêng tuy khó tính nhưng khi mình hiểu và nắm vững kỹ thuật thì nó không còn khó nữa. Thường thì người ta làm sầu riêng vụ nghịch đạt tỷ lệ đậu trái 40 - 50% là thành công rồi, nhưng ở CLB chúng tôi, tỷ lệ thành công đến 80 - 90%. Vụ vừa rồi, năng suất của chúng tôi đạt bình quân 20 tấn/ha. Cũng nhờ vụ nghịch nên sầu riêng của CLB vừa né được nắng hạn gay gắt và sản phẩm có giá cao gấp đôi thị trường. Có một chị trong CLB bán sầu riêng giống Thái với giá lên đến 190.000 đồng/kg", anh Giang kể.

Cũng theo anh Giang, thay vì tập trung cho xuất khẩu thì trong 5 năm qua, các thành viên trong CLB chú trọng vào việc phát triển thị trường nội địa và xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. Hiện CLB của anh cũng có đầu mối phân phối hàng ở một số địa phương trên cả nước, nhờ vậy bà con rất yên tâm về đầu ra không lo bị ép giá. "Là vùng đầu nguồn, hưởng những hạt phù sa từ dòng sông mẹ Mê Kông bồi đắp cho vùng đất cù lao, nên sản phẩm sầu riêng của chúng tôi được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng. Hiện tại, CLB có sản phẩm khô cá lóc Kim Loan được chứng nhận OCOP và chúng tôi cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu sầu riêng Tám Long trở thành đặc sản địa phương", anh Giang tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.