Từ ổn định đến hỗn loạn, điều gì đang xảy ra tại Kazakhstan?

08/01/2022 13:30 GMT+7

Từng được coi là pháo đài ổn định giữa Trung Á đầy biến động, Kazakhstan nay chìm trong hỗn loạn và bạo lực.

Ngày 6.1, binh lính đã nổ súng vào người biểu tình ở thành phố Almaty (Kazakhstan) sau khi tình trạng bạo loạn kéo dài nhiều ngày.

Chính phủ Kazakhstan đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và kêu gọi sự hỗ trợ từ đồng minh Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nhưng bạn đã biết gì về Kazakhstan?

Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan còn chia sẻ biên giới với 3 nước thuộc Liên Xô cũ khác. Kazakhstan là nền kinh tế lớn nhất ở Trung Á, sở hữu nhiều mỏ kim loại và hydrocarbon phong phú.

Kazakhstan từng là một quốc gia ổn định giữa Trung Á

Quốc gia này thu hút hàng trăm tỉ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài từ khi độc lập vào năm 1991.

Về mặt chiến lược, Kazakhstan nối liền thị trường Trung Quốc và Nam Á đang phát triển mạnh mẽ với thị trường Nga và châu Âu từ đường bộ, đường sắt và đường cảng biển Caspi.

Kazakhstan tự xem mình là một mắt xích lớn trong dự án thương mại “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Kazakhstan là nhà sản xuất uranium hàng đầu thế giới. Tình trạng bất ổn trong tuần này đã khiến giá loại kim loại này tăng 8%. Đây là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 9 trên thế giới, sản xuất khoảng 85,7 triệu tấn vào năm 2021 và là nhà sản xuất than lớn thứ 10 toàn cầu.

Kazakhstan cũng là nước khai thác bitcoin lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo BTC.com, tỉ lệ băm của bitcoin - tức đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào tiền mã hóa - đã giảm 10% trong ngày 5.1 khi kết nối Internet ở Kazakhstan bị sập.

Kazakhstan là nước khai thác bitcoin lớn thứ 2 thế giới

Tại sao người dân Kazakhstan lại nổi giận?

Tình hình hỗn loạn bắt nguồn từ các cuộc biểu tình nổ ra ở miền tây Kazakhstan để phản đối việc chính phủ bỏ giới hạn giá butan và propan. Đây là 2 nhiên liệu được yêu chuộng vì giá cả phải chăng.

Các cuộc biểu tình sau đó lan rộng để thể hiện sự bất bình về tình trạng tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập và khó khăn kinh tế.

Liên minh quân sự CSTO triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan

50% dân số Kazakhstan - quốc gia lớn thứ 9 thế giới tính theo lãnh thổ - sống ở các cộng đồng nông thôn, khả năng tiếp cận dịch vụ công kém.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Kazakhstan giúp một tầng lớp nhỏ trở nên vô cùng giàu có, trong khi nhiều người dân cảm thấy bị bỏ rơi.

Khoảng 1 triệu người trong tổng số 19 triệu dân ước tính sống dưới mức nghèo khổ. Lạm phát năm ở mức gần 9%, cao nhất trong hơn 5 năm, khiến ngân hàng trung ương Kazakhstan tăng lãi suất lên 9,75%.

Ai lãnh đạo Kazakhstan?

Ông Kassym-Jomart Tokayev (68 tuổi) được bầu làm tổng thống vào năm 2019, cam kết tiếp tục các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của người tiền nhiệm Nursultan Nazarbayev.

Tuy nhiên, ông Nazarbayev, người từng lãnh đạo Kazakhstan trong gần 30 năm, được cho là vẫn còn nhiều ảnh hưởng. Ông Nazarbayev chưa có bình luận gì kể từ khi tình trạng bạo loạn bùng phát.

Triển vọng kinh tế

Theo Ngân hàng Thế giới, tổng GDP bình quân đầu người của Kazakhstan trong năm 2020 là 9.122 USD.

Chính phủ ông Tokayev đã công bố gói kích thích trị giá 6% sản lượng quốc gia để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Thế giới đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Kazakhstan là 3,5%, năm 2022 là 3,7% và năm 2023 là 4,8%.

Ngân hàng Thế giới đã kêu gọi Kazakhstan tăng cường cạnh tranh và hạn chế vai trò của các doanh nghiệp nhà nước lớn trong nền kinh tế, giải quyết bất bình đẳng xã hội và tạo ra sân chơi kinh tế bình đẳng hơn.

Bạo loạn tiếp diễn ở Kazakhstan sau khi Nga đưa quân dù đến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.