Tự tạo cơ hội: Kiếm tiền từ máy nông cụ

14/07/2016 05:48 GMT+7

Dù chỉ học hết lớp 6, nhưng hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Sáng (Hậu Giang) đã chế tạo ra nhiều loại máy nông cụ giúp nhà nông đỡ vất vả, giảm chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sáng (Tư Sáng, 67 tuổi, ngụ P.1, TP.Vị Thanh) vừa giành giải nhất cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2015 với công trình máy sạ lúa sạ lan. Ông kể, năm 2014, khi chuẩn bị xuống giống, lúa đã ngâm ủ xong nhưng tìm mãi không có người giúp sạ phụ nên trễ 2 ngày. “Tôi hỏi anh em xung quanh thì nhiều người cũng gặp tình cảnh tương tự. Do nông dân thường xuống giống đồng loạt nên nhân công sạ vào những ngày cao điểm rất khó tìm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định chế tạo cái máy sạ lan”, ông Sáng kể.
Tháng 10.2014, ông bắt tay vào nghiên cứu và 3 tháng sau máy của ông hoàn thành đưa ra thử nghiệm thành công với giá bán khoảng 23 triệu đồng. Máy sạ lan gồm bộ phận sạ với thùng chứa khoảng 5 giạ lúa giống cùng với miệng phun được vận hành bằng một máy xăng 6,5 mã lực. Một bộ phận dùng để di chuyển máy gồm giàn xới và 2 bánh lồng được vận hành bằng một máy dầu 8,5 mã lực. Theo ông Sáng, 2 bộ phận này hoạt động riêng biệt, do đó nếu nông dân nào đã có sẵn giàn xới chỉ cần mua bộ phận sạ khoảng 10 triệu đồng ông sẽ tới nơi lắp đặt, hướng dẫn sử dụng. “Máy có thể phun lúa giống xa 5 - 9 m, lúa giống ngâm từ 2 - 4 ngày đều có thể sạ được. Tùy theo nhu cầu mà chỉnh van để lúa giống ra dày hoặc thưa, theo đó mức tiêu thụ lúa giống từ 10 - 40 kg/công. Hiện tôi đã bán được 6 máy tại Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bình Thuận…”, ông Sáng cho biết.
Tại Hậu Giang, đến thời điểm này ông Tư Sáng đã quá nổi tiếng vì những máy móc thiết thực cho nông dân. Đầu tiên phải kể đến máy xúc lúa, cào lúa cho lò sấy. Chiếc máy này được ông chế tạo vào khoảng năm 2007. Nếu trước đây, một mẻ sấy từ 8 - 12 tấn lúa cần 9 người, thì với máy của ông chỉ cần 3 người vận hành có thể xong mẻ sấy, tiết kiệm rất nhiều nhân công. Sau đó, thấy nông dân vất vả khi phơi lúa phải cào, xúc vô bao, nhất là những tháng mùa mưa, nếu gom xúc không kịp sẽ ướt lúa, thế là ông chế máy xúc lúa sân. Với máy này, người dân chỉ cần điều khiển để máy di chuyển trên sân xúc lúa và có người đưa bao vô hứng là xong. Máy có thể xúc khoảng 7 tấn lúa/giờ, rất tiện lợi và giúp ích rất nhiều cho nông dân.
Hiện nay, ông Tư Sáng vẫn tiếp tục nghiên cứu “cho ra lò” dụng cụ diệt lúa cỏ. Theo ông, bà con nông dân ngán nhất là lúa cỏ (lúa có đuôi), cỏ gạo, đuôi phụng... vì nếu không diệt trừ chúng sẽ lây lan đến những vụ mùa sau. “Sau một thời gian suy nghĩ, tôi ngộ ra cây cỏ thường phát triển cao hơn cây lúa, vì thế phải làm sao thuốc chỉ đụng vào cây cỏ khiến cỏ chết mà không ảnh hưởng đến lúa. Đó là cơ chế chính để làm ra dụng cụ diệt lúa cỏ”, ông Sáng nói. Nông cụ này rất đơn giản, gồm 1 ống nhựa đường kính 27 mm, dài 1,9 m được ông sử dụng dụng cụ bít ở đầu. Gần một đầu gắn thêm chữ T ra khoảng 10 cm để làm chỗ chế thuốc vào. Đầu kia khoan hàng lỗ nhỏ trên ống dài khoảng 0,8 m, sau đó quấn tấm xốp vào cột chặt lại. Khi cho thuốc vào sẽ thông qua các lỗ thấm ướt miếng xốp, người sử dụng chỉ cần cầm dụng cụ này quơ phía trên, do lúa cỏ mọc cao hơn lúa sẽ trúng thuốc và chết. Một nông cụ được ông bán với giá chỉ 50.000 đồng nhưng rất hữu ích.
Nói về dự định tương lai, ông Tư Sáng tiết lộ: “Tuy đã có máy sạ lan nhưng tôi thấy máy sạ hàng cải tiến cũng rất tiềm năng nên tôi đang nghiên cứu làm. Vì trước đây sạ hàng chủ yếu dùng sức người kéo, nên tôi quyết tâm sẽ cho nó vận hành cho được bằng máy để giảm sức người”.
Với những sáng chế giúp ích cho nông dân, ông Tư Sáng đã nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2009, ông được T.Ư Hội Nông dân công nhận nông dân sáng tạo; năm 2010 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.