'Tư tưởng bao cấp bắt đầu quay lại'

15/03/2017 14:07 GMT+7

Dự thảo luật Đường sắt, cũng như một số dự luật được trình thời gian qua đều đặt vấn đề đòi hỏi nguồn ngân sách nhà nước bỏ ra rất lớn. Đây là những dấu hiệu cho thấy tư tưởng bao cấp bắt đầu quay lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận xét như vậy khi góp ý dự luật Đường sắt (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 15.3.
Trước đó, báo cáo về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban đã rà soát các đạo luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định về mức ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đường sắt trong dự thảo Luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, ưu đãi hỗ trợ là cần thiết vì đường sắt so với các ngành khác chưa được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, mức ưu đãi đầu tư này “không phải vô hạn” và phải thống nhất với các luật đã ban hành, tránh xung đột.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, vấn đề chính sách ưu đãi hỗ trợ thúc đẩy ngành đường sắt phát triển là rất cần thiết. Nhưng quy định thế nào để không chồng chéo một số luật khác là điều cần làm rõ.
Ông Định cũng cảnh báo một thực tế là gần đây, với tinh thần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các luật do Chính phủ trình Quốc hội xem xét đều có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
“Hôm qua họp luật Du lịch cũng được xác định là ngành mũi nhọn cần ưu đãi, hỗ trợ. Hôm nay luật Đường sắt cũng thế, tới đây bàn luật Bảo vệ và phát triển rừng... cũng đặc thù cần hỗ trợ. Rất nhiều thứ quay lại vấn đề đòi hỏi nguồn ngân sách nhà nước bỏ ra rất lớn, tư tưởng bao cấp bắt đầu quay lại”, ông Định cảnh báo.
Theo ông Định, nhiều quy định liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ nêu trong dự luật này đã đã được quy định ở nhiều luật liên quan khác. “Khi ban hành luật thuế Thu nhập doanh nghiệp 2013, Quốc hội đã thống nhất bãi bỏ các nội dung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của 12 luật khác liên quan. Bây giờ luật này lại quay lại quy định cụ thể như vậy cũng là làm ngược lại các quy định đã có. Điều này phải tính lại để không xảy ra chồng chéo”, ông Định nói.
Cũng theo ông Định, luật quy định kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt là ngành, nghề ưu đãi đầu tư thì không hợp lý do phạm vi rất rộng. Ví dụ, dịch vụ trong ngành đường sắt cũng là dịch vụ bình thường, các đơn vị làm dịch vụ ăn uống đường sắt được ưu đãi mà các công ty làm dịch vụ ăn uống của khối du lịch không được ưu đãi thì không ổn. Vì vậy, chính sách ưu đãi thế nào phải quy định rõ trong Luật.
Phải kỷ luật lãnh đạo địa phương để xảy ra tai nạn ở đường dân sinh trái phép
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đề nghị trên tại phiên thảo luận dự luật Đường sắt (sửa đổi). Báo cáo trước đó tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết, hiện có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh, trong có 1.511 đường ngang hợp pháp. Cũng theo ông Minh, trong số này có tới hơn 4.200 lối đi dân sinh là đường ngang trái phép, không được cấp có thẩm quyền cấp và hầu hết không có cảnh báo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải làm nghiêm và có chế tài nếu không sẽ không xử lý được ai. Luật phải quy định không chỉ gắn với trách nhiệm của ngành giao thông mà của cả địa phương có đường sắt đi qua. “Nơi nào để mở đường dân sinh trái phép, tức là vi phạm pháp luật, rồi để xảy ra tai nạn thì phải xem xét trách nhiệm. Luật phải nghiêm, nơi nào chính quyền mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.