Từ vụ cháy karaoke Bình Dương: Thay vì hỏi pass wifi đầu tiên hãy nhìn an toàn không, thoát hiểm ở đâu?

08/09/2022 11:44 GMT+7

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ, nhưng thấm đẫm nỗi buồn và sợ hãi suốt những tháng ngày còn làm báo của tôi là trải nghiệm đưa tin về những vụ cháy.

Những cái chết tức tưởi, vô lý bắt nguồn từ mồi lửa làm người ta không khỏi nghẹn lòng khi nhắc đến. Vụ cháy kinh hoàng nhất tròn cách đây 20 năm ở trung tâm thương mại ITC cũng vào tháng 9 làm 60 người chết và 70 người bị thương; vụ cháy cửa hàng giày tại TP.Cần Thơ năm 2015, làm chết 3 người trong cùng gia đình.

Không lâu sau đó, tại TP.HCM, vào tháng 9 năm 2014 một vụ cháy phát sinh vào rạng sáng trên đường Nguyễn Trãi dẫn đến cái chết thương tâm của 7 nạn nhân.

Vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương khiến 33 người chết

LÊ LÂM

Đến giờ nhiều người hẳn chưa quên được tai nạn kinh hoàng trong vụ nổ “Phương khói lửa” hồi năm 2013 kéo theo 11 con người vắn số, phải sớm lìa đời, chỉ vì những sơ suất, thiếu cẩn trọng. Nhớ đến rồi chợt giật mình. Nhớ đến mà không cầm lòng nổi. Nhớ đến những vụ cháy, nhắc về những cái chết thương tâm để nhìn nhận lại vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ, cốt làm sao để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất những những tai nạn không đáng có.

Tràn ngập các mặt báo hôm nay là cái chết thương tâm của 33 con người trong vụ cháy ở quán karaoke tại thành phố Thuận An, Bình Dương. Đáng nói hơn, sự việc tương tự, cháy ở cơ sở kinh doanh karaoke này diễn ra không lâu sau vụ cháy ở thủ đô Hà Nội, cướp đi sinh mạng của 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC kiên cường.

Đầu năm ngoái, tôi chuyển đến một địa điểm mới. Khi mới thuê chỗ này, cánh cửa sắt 2 lớp dày ở cổng chính là mối tận tâm. Chúng tôi không có chìa khóa riêng mà phụ thuộc vào người bảo vệ chung của tòa nhà và theo lịch mở đóng cửa cố định 5 giờ sáng và 11 giờ đêm. Tôi đã nhiều lần đề xuất, cần có chìa khóa dự phòng máng ngay chỗ dễ thấy, và có búa tạ, hay bất cứ công cụ nào phá được cửa nhằm dễ thoát thân nếu xảy ra rò rỉ điện, cháy nổ, hay những sự cố ngoài ý muốn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng, tất cả đều chỉ là những im lặng.

Những năm tháng học tập tại Úc, có một lần bị đóng tiền phạt mà tôi không bao giờ quên. Bạn bè tôi vẫn trêu là “đóng tiền ngu” để “được khôn ra”. Lần đó, tôi nấu ăn rồi quên tắt bếp. Món thịt nướng có kèm tí mỡ, đã tạo thành khói, tức thì chuông báo khói (smoke alarm) kêu inh ỏi. Chưa thấy lửa bốc lên, chỉ mới có khói lan lan, thì chú bảo vệ đã có mặt để kiểm tra, xử lý.

Từ quan sát của tôi, các hộ gia đình ở Úc buộc phải thiết lập chuông báo khói, chuông báo động nếu có cháy và được khuyến khích kiểm tra chúng định kỳ hàng tháng đảm bảo rằng, khi có sự cố, chuông này vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, thiết bị này, có khi cũng gây phiền cho nhiều người vì tính năng quá “nhạy” của chúng, có thể reo chỉ vì có ai đó hâm nóng bánh mì, hoặc báo động khi phát hiện khói từ vòi nước nóng trong nhà tắm.

Tại Úc, dù là cao ốc “ xịn” hay bình thường, kể cả gia đình các hộ dân, không bao giờ vắng bóng các phương tiện chữa cháy, được gắn ở những nơi dễ bắt tầm mắt nhất. Nhiều lần chuyển chỗ ở, nhưng lần nào tôi cũng ấn tượng với những tờ thông tin dán ngay cửa chính, hội trường, rồi ở phòng riêng cá nhân cách chỉ dẫn, xử lý nếu nghe thấy tín hiệu báo cháy, quy trình di tản, thoát thân thế nào để bảo toàn tính mạng.

Bình gas không bao giờ để gần bếp lửa

hồng chi

Chứng kiến những buổi diễn tập về an toàn cháy nổ, thỉnh thoảng do khoa tổ chức, tôi cũng vô cùng ấn tượng, không chỉ vì tinh thần hợp tác của sinh viên, mà còn bởi công tác tổ chức hết sức khoa học. Học sinh tiểu học ở Úc cũng được nhà trường dạy những điều cần thiết trong trường hợp cháy nhà. Ai cũng biết, trẻ con thường dễ trở thành những nạn nhân đầu tiên.

Vì vậy mà các khóa huấn luyện hoặc học cách thoát thân trong khi xảy ra cháy nổ, hoặc những sự cố tương tự được tổ chức thường xuyên, liên tục ngay từ cấp tiểu học.

Cũng cần nói thêm, luật pháp tại Úc quy định rất rõ về quy chuẩn xây dựng, để đảm bảo người dân cảm thấy an toàn giữa các dãy nhà, các quy tắc đun nấu. Tại Úc, tôi chưa bao giờ thấy một bình gas nào được đặt cạnh nhà bếp. Tôi đem thắc mắc này hỏi một người bạn dân bản xứ, thì được giải thích là vì lý do an toàn, người dân ở đây không lắp đặt bình gas ngay cạnh bếp, hay ở trong nhà. Thay vào đó, có một đường ống dẫn, hệ thống chung được gắn cho các hộ gia đình có nhu cầu. Làm như thế chỉ để đảm bảo tính an toàn, ngăn ngừa cháy khi đun nấu. Lý do đưa ra là người ta tin tưởng, hiện tượng rò rỉ khí gas, có thể là mồi châm của các vụ cháy nổ lớn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Cũng giống như nhiều nước phát triển khác, khi thiết kế xây dựng nhà cửa, công trình, ngoài lối đi dành cho người khuyết tật, thì các kỹ sư hết sức quan tâm đến những cửa phụ, lối thoát hiểm để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Lối thoát hiểm là bắt buộc với tất cả các công trình nhà cửa tại Úc. Dưới sự quan sát của tôi thì tại Úc, không có chuyện rào cửa bằng song sắt. Dường như mọi thứ đều bằng kiếng để cảnh sát, lực lượng cứu hỏa có thể đập vỡ trong trường hợp khẩn cấp.

Phải nói là những câu chuyện đằng sau công tác ngăn ngừa phòng chống cháy nổ tại xứ này thật ấn tượng. Với tôi, ấn tượng mạnh mẽ nhất phải kể đến những khoảng đất trống “ bất khả xâm phạm” với dòng chữ: “fire”. Đó là khu vực, ô trống được ghi chú dành riêng cho xe chữa cháy ở trước mỗi công trình công cộng phòng trường hợp xấu xảy ra.

Bãi đậu xe lúc nào cũng có chỗ dành riêng cho xe cứu hỏa

hồng chi

Đi sâu vào phân tích, chia sẻ những suy nghĩ về vấn đề trên giữa Úc và Việt Nam, cốt không phải để so sánh, chê bai vì mỗi nước đều có một quy định riêng. Ở Việt Nam, các quy định về PCCC cũng vô cùng ngặt nghèo, đơn giản tại tòa báo tôi làm việc khi kiểm tra định kỳ về công tác an toàn PCCC cũng hết sức nghiêm túc, quy củ. Đó không phải là mục đích của những dòng chia sẻ này. Cái chính vẫn là để giúp mọi người nhìn nhận rõ hơn về thực tế và ý thức hơn về an toàn của chính mình. Tôi nhận thấy rằng, hầu hết bạn trẻ, khi đến một địa điểm, phản ứng đầu tiên là hỏi xem mật khẩu Wifi là gì, chứ không phải là sự quan sát về môi trường an toàn, lối thoát hiểm xung quanh.

Các số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) cho thấy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, và thiệt hại gần 414 tỉ đồng. Đáng buồn thay, danh sách này ngày càng dài thêm, khi chỉ một vụ cháy tại Bình Dương lần này có đến 33 người tức tưởi phải lìa đời do hậu quả của lửa.

Không thể xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc, an toàn khi mà có quá nhiều nỗi lo, gắn liền với tính mạng của người dân chỉ bắt nguồn từ những mồi lửa nhỏ. Khẩu hiểu “an toàn phòng cháy, chữa cháy là hạnh phúc cho bạn, gia đình và xã hội” là không sai. Nhưng một khi số lượng các khẩu hiệu được căng lên, tăng lên, nhưng những thiệt hại, nhất là về sinh mạng do cháy đâu đó lại "giáng xuống" thì rõ ràng, đó không thể an toàn tuyệt đối, hàm chứa giá trị hạnh phúc đích thực và bền vững.

Trong lúc câu chuyện này còn là đề tài bán tán của dư luận, chờ các cơ quan chức năng đưa ra các kế hoạch tốt hơn, thiết thực hơn về đảm bảo an toàn cháy nổ, tốt hơn hết là, mỗi cá nhân nên tự biết bảo vệ mình, bằng những quan sát có phẩm chất, và luôn xây dựng cho mình ý thức an toàn ở mỗi nơi mình đến. Nó không đến từ những cá nhân, mà còn đến cả những doanh nghiệp, những người quản lý tòa nhà, các dịch vụ kinh doanh như karaoke chẳng hạn. Và hơn ai hết ý thức được thắp lửa phải luôn đi kèm với sự kiểm tra giám sát của chặt chẽ, minh bạch của cơ quan quản lý trong công tác an toàn PCCC.

Tình tiết bất ngờ vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Khách nghe báo cháy, đóng cửa hát tiếp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.