Như Thanh Niên đã thông tin, từ clip do Ngọc Trinh đăng tải lên mạng xã hội, CSGT đã đến nhà lập biên bản "phạt nguội" các lỗi: "không có giấy phép lái xe", "nằm trên yên xe điều khiển xe", "điều khiển phương tiện bị che lấp biển số".
Trong đó, clip Ngọc Trinh cùng "thầy" dạy lái nằm trên yên xe mô tô ở đường Võ Chí Công (khu Công nghệ cao, TP.Thủ Đức, TP.HCM), CSGT xác định chiếc xe mà 2 người này "biểu diễn" không phải xe chính chủ.
Xem nhanh 20h ngày 19.10: Vì sao Ngọc Trinh bị bắt? | Lật tẩy chiêu trò ‘né vé’ của xe khách
Do vậy, CSGT đã mời 2 chủ xe đến làm việc và lập biên bản vì "giao xe cho người không đủ điều kiện". Cụ thể, trường hợp này, Ngọc Trinh chưa có bằng lái, còn "thầy" dạy lái dù có bằng lái A2 nhưng đang trong thời gian bị tước bằng vì vi phạm nồng độ cồn.
Vậy cho người quen mượn xe cần lưu ý điều gì để tránh bị phạt?
Trao đổi với PV, lãnh đạo một đội CSGT cho biết, chủ xe bị phạt vì giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe theo quy định là lỗi vi phạm tương đối phổ biến. Điển hình thường gặp là: phụ huynh để con chưa có bằng lái chạy xe đi học, cho người quen mượn xe dù người này đang bị tước bằng lái, giao xe cho người đang trong tình trạng có sử dụng rượu bia…
Xem nhanh 20h ngày 12.10: Công an TP.HCM điều tra có hay không Ngọc Trinh bất chấp pháp luật nhằm quảng cáo mô tô
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, người giao xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu giao xe cho người không đủ điều kiện lái gây tai nạn.
Vì vậy, trước khi cho người quen mượn xe, chủ xe cần phải xác định rõ: người mượn xe có đủ điều kiện để lái xe hay không.
Theo luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe và có bằng lái phù hợp với loại xe.
Khi tham gia giao thông trên đường, người lái xe cần mang theo đầy đủ các giấy tờ gồm: cà vẹt xe, bằng lái xe, CCCD/CMND, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với ô tô).
"CSGT không xử phạt lỗi "xe chính chủ" khi tham gia giao thông trên đường. Điều này có nghĩa nếu CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ, người tham gia giao thông chỉ cần xuất trình cà vẹt xe đúng với biển số xe đang lưu thông cùng các giấy tờ liên quan. Nếu người lái xe không xuất trình được bằng lái ở thời điểm đó, CSGT sẽ tạm giữ xe. Khi đến làm việc, nếu xác định người lái xe không có bằng lái thì chủ xe phải đến làm việc và đóng phạt vì giao xe cho người không đủ điều kiện", CSGT giải thích.
Mức phạt khi giao xe cho người không đủ điều kiện
Theo Điều 8 Nghị định 100/2019 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021, giao xe máy cho người không đủ điều kiện lái xe theo quy định (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có GPLX nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) thì bị phạt từ 800.000 – 2.000.000 đồng (mức phạt trung bình 1.400.000 đồng).
Giao xe ô tô cho người không đủ điều kiện lái xe thì chủ xe bị phạt từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, người giao xe cho người không đủ điều kiện lái cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện trong trường hợp: giao xe cho người khác mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn lái mà gây thiệt hại cho người khác.
Bình luận (0)