Từ vụ TikToker Nờ Ô Nô: Lượt view càng cao càng phải có trách nhiệm

28/11/2022 17:44 GMT+7

Để không đi vào vết xe đổ như TikToker Nờ Ô Nô khi đăng tải nội dung phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, những nhà sáng tạo nội dung trẻ khác cho rằng càng được nhiều người theo dõi càng phải có trách nhiệm.

Làm TikToker cần phải cân nhắc

Nguyễn Thị Ngoan (25 tuổi) hiện đang là chủ kênh Tôm Chanel và 2 kênh YouTube khác về nội dung trẻ em cho rằng trong thời buổi kỹ thuật số hiện nay, những nền tảng mạng xã hội dần phổ quát với công chúng. Cho nên, lựa chọn nội dung đăng tải đến người xem phải thật sự thông minh. Cần sử dụng những câu chuyện rất đời thường, gần gũi để tạo cảm giác quen thuộc, dễ tiếp cận mọi người và giúp nội dung lan toả hơn.

TikToker Nờ Ô Nô đang bị phản ứng dữ dội từ cộng đồng

chụp màn hình

Theo Ngoan, để có được sự ủng hộ lớn của mọi người, đầu tiên phải có nội dung thu hút, có câu chuyện, chiều sâu và thật ý nghĩa. “Quan trọng hơn cả là cách diễn đạt nội dung đó sao cho thật duyên dáng, tạo cho khán giả nhiều tiếng cười châm biếm. Khi đảm bảo được cả về 2 mặt là giải trí cộng bài học cuộc sống thì chắc chắn sẽ được lan toả mạnh mẽ và lâu dài hơn”, Ngoan chia sẻ.

“Khi tôi quyết định sản xuất một nội dung nào đó thì nên bỏ thêm thời gian nghiên cứu các luồng thông tin trên mạng xã hội. Xem gần đây có trend nào không, có vấn đề xã hội nào xảy ra không. Để mình có thể nắm được tâm lý người xem tốt nhất, cũng có thể chắt lọc câu chữ, hình ảnh tránh việc vô ý đụng chạm gây ảnh hưởng cũng như tổn thương cho một cá nhân nào đó”, Ngoan nói.

Còn Lê Bá Anh (34 tuổi, chủ kênh ToySation trên YouTube) cho biết việc sáng tạo nội dung để phát ra công chúng cần phải cân nhắc nhiều thứ. Bởi người làm sáng tạo nội dung cũng là một phần của xã hội, được nhiều người biết đến. Nếu lượt theo dõi càng cao thì trách nhiệm cũng tỉ lệ thuận như vậy.

Theo Bá Anh, thời gian gần đây, nhiều người trẻ, đặc biệt là TikToker đang bị say vào guồng sáng tạo, say mạng, làm nội dung “mì ăn liền” và nhất là say view và “ảo tưởng sức mạnh”. TikToker phải đua với thời gian và phát hành nhanh, nhiều nội dung càng tốt. Điều này dẫn đến hệ lụy những bạn trẻ này chỉ muốn câu view, không có thời gian để đánh giá lại sản phẩm của mình, kiếm tiền một cách thiếu suy nghĩ.

“Có những YouTuber, TikToker hiện nay thường thể hiện bằng những nút 18+, hay viết những cảnh báo lên sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động thoái thác trách nhiệm khi cố tình đăng tải những nội dung quá đà bởi mạng xã hội thì bất cứ ai cũng có thể xem, kể cả trẻ em dưới 18 tuổi”, bá Anh bày tỏ.

Riêng với Bá Anh, để cho ra đời một sản phẩm mạng cần phải tư duy một cách đúng đắn, nhất là nội dung, thời gian, âm thanh, ánh sáng và nhất là dành thời gian để thẩm định, nhìn lại nội dung của mình. Đồng thời, phải đúng với luật pháp, không xa rời văn hóa, đạo đức, tránh gây kích động cộng đồng. Có như vậy mới có thể loại bỏ được những nội dung xấu, bẩn trên các nền tảng mạng xã hội.

Xã hội đang có trào lưu giật gân

Tiến sĩ Lương Thế Hà, giảng viên bộ môn Marketing Trường ĐH Văn Lang cho rằng: "Đối với khía cạnh của người sáng tạo nội dung, đầu tiên cần biết rằng nhóm sáng tạo này có thể kiếm được tiền từ các nền tảng mạng xã hội, kể cả TikTok. Các video trên TikTok có đặc thù là ngắn, nên việc tạo nội dung khá đơn giản".

Theo tiến sĩ Hà, khi tham gia thị trường “kiếm tiền bằng cách tạo video” trở nên dễ dàng hơn, và số lượng người muốn chia sẻ “miếng bánh” ngày nay càng đông đảo hơn. Điều này thúc đẩy những người sáng tạo nội dung phải liên tục tìm kiếm những chủ đề “hot”, giật gân, bắt trend để thu hút người xem mới và giữ chân được người xem cũ.

Xu thế sáng tạo nội dung nhanh, dễ dãi, "mì ăn liền" đang gây ra nhiều hệ lụy

chụp màn hình

Tiến sĩ Hà cũng cho biết số lượng người sáng tạo nội dung hiện nay quá đông đảo, trong khi các chủ đề xã hội mới không được tạo đủ nhanh, thì nhóm sáng tạo nội dung có xu hướng tạo ra những trào lưu hoặc thử thách mang tính giật gân, thậm chí có phần nổi loạn để câu view.

"Điều này khiến các trends xuất hiện dày đặc, nhưng đa phần thiếu tính xây dựng cho sự phát triển nhân cách, tâm sinh lý, kiến thức của người tiếp nhận thông tin cũng như xã hội. Trong đó những nội dung của TikToker Nờ Ô Nô gần đang bị cộng đồng lên án mạnh mẽ là một điển hình", ông Hà nói.

Đối với giới trẻ, tiến sĩ Hà cho biết do nền tảng kiến thức xã hội còn chưa phong phú, nên khả năng tự lọc tin tức tích cực và tiêu cực của lứa tuổi này còn nhiều hạn chế, dễ bị ảnh hưởng và bắt chước theo.

Khi những thử thách hoặc trends, dù nhảm, nhưng nếu không vi phạm luật pháp thì cũng khó có lý do gì để yêu cầu tháo video đó khỏi nền tảng. Việc quá nhiều nội dung nhảm xuất hiện dày đặc và lặp đi lặp lại sẽ khiến cho người dùng, đặc biệt là nhóm người dùng trẻ và rất trẻ nghĩ điều đó hiển nhiên là đúng và họ sẽ bắt chước. Thậm chí cơ chế FOMO (Fear of Missing Out, sợ bị bỏ lỡ) cũng sẽ bị kích hoạt khiến các bạn trẻ làm theo vì không muốn bị “lạc đàn”. Chưa cần nói đến việc đu trend xấu. Việc bị sa đà vào “ma trận” videos để rồi tự tạo ra ảo giác rằng đã tìm được sự đồng cảm từ những videos đó cũng đã là không tốt, ví dụ như vụ Tiktoker Nờ Ô Nô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.