Tuần lễ Sách của người làm báo: Nhà báo "đi trên dây" khi sáng tác

Thế Sang
Thế Sang
17/06/2023 14:38 GMT+7

Sáng ngày 17.6, Hội Nhà báo VN, Hội Xuất bản VN, Sở TT-TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Báo Thanh Niên đã tưng bừng tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo (diễn ra từ ngày 17 – 22.6) tại Đường Sách TP.HCM với sự tham dự đông đảo của bạn đọc.

Buổi lễ khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo vinh dự đón tiếp ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Lãnh đạo Sở TT – TT TP.HCM có ông Lâm Đình Thắng – thành ủy viên, Giám đốc Sở TT – TT TP.HCM; đồng Trưởng ban tổ chức: nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN, nhà báo Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, Nhà báo Lý Việt Trung – Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Ủy viên T.Ư Hội Nhà báo VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Tuần lễ Sách của người làm báo: Nhà báo nói về cái khó khi sáng tác  - Ảnh 1.

Ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN phát biểu khai mạc sự kiện sáng 17.6

THẾ SANG

Bên cạnh ban tổ chức là sự góp mặt của nhiều nhà báo đang công tác ở TP.HCM, các tác giả cùng rất nhiều sinh viên, giảng viên báo chí… 

Có tất cả 281 tựa sách của các tác giả là các nhà báo đang công tác tại các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Phụ nữ TP.HCM, Công An TP.HCM... được trưng bày nhân sự kiện lần này. Tác phẩm của các nhà báo được trưng bày ở các kệ sách dọc theo Đường Sách để độc giả tiện theo dõi trong suốt quá trình diễn ra tuần lễ sách cũng như trong buổi lễ khai mạc. Theo nhận định của ông Trần Trọng Dũng, Tuần lễ Sách của người làm báo là dịp để các nhà báo lão thành gặp gỡ với các thế hệ sau, cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm sáng tác, viết sách...

Tuần lễ Sách của người làm báo: Nhà báo nói về cái khó khi sáng tác  - Ảnh 2.

Sách của các nhà báo được trưng bày tại Tuần lễ Sách của người làm báo

THẾ SANG

Chiều ngày 17.6, nhà báo Hoàng Hải Vân sẽ có buổi giao lưu "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng" - Người thầy siêu hạng của những điệp viên, giới thiệu về quyển sách cùng tên. Đây sẽ là một trong những buổi giao lưu đầu tiên mở màn cho hàng loạt giao lưu sau đó trong Tuần lễ Sách của người làm báo cho đến hết ngày 22.6. 

Nhà báo viết sách như "đi trên dây"

Sau buổi khai mạc, các nhà báo Lại Văn Long,  Lê Minh Quốc, Bùi Phan Thảo, Bùi Tiểu Quyên đã chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề trong vai trò vừa là nhà báo, vừa là tác giả sách. Những chia sẻ của các tác giả nhận được nhiều phản hồi của người tham dự, nhất là khi nói về vấn đề sáng tác của nhà báo. 

Các tác giả đều nhìn nhận, một nhà báo khi viết sách sẽ gặp rất nhiều vấn đề nếu không nhận diện tốt về mặt thể loại, giữa báo chí và sáng tác. Nhà báo Bùi Tiểu Quyên (tác giả của Cà Nóng chu du Trường Sa của cô đạt Giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn TP.HCM 2022, Giải Mai Vàng của báo Người Lao Động 2022, Giải C - Giải thưởng Sách Quốc gia 2022) tâm sự, cô thuộc thế hệ đàn em của các nhà báo cùng tham dự nên đã học hỏi rất nhiều về nghề từ những người anh đi trước. 

Tuần lễ Sách của người làm báo: Nhà báo nói về cái khó khi sáng tác  - Ảnh 3.

Các tác giả, nhà báo Bùi Phan Thảo, Bùi Tiểu Quyên, Lê Minh Quốc và Lại Văn Long trò chuyện tại buổi lễ khai mạc

THẾ SANG

Hai nhà báo Lại Văn Long (tác giả Hồ sơ lửa) và Lê Minh Quốc (tác giả của Chào thế giới bây giờ con đã đến đạt Giải C - Giải thưởng sách quốc gia năm 2020),  cho rằng khi bước vào địa hạt sáng tác, phải phân biệt rõ ràng giữa tâm thế người viết sách và người làm báo vì tính chất văn chương và báo chí khác nhau, lầm lẫn giữa hai ranh giới này sẽ là điều rất nguy hiểm. Riêng nhà báo Lại Văn Long nhấn mạnh, quá trình viết Hồ sơ lửa rất kỳ công, chính thời kỳ làm báo dài đã giúp cho anh có cái nhìn sắc sảo về các chi tiết để đưa vào sáng tác; viết tiểu thuyết hay làm thơ, với Lại Văn Long và Lê Minh Quốc như "đi trên dây" vì nhà báo đôi khi có thể nhầm lẫn về thể loại và khiến cho tác phẩm khó đi vào lòng bạn đọc.  

Khởi động Tuần lễ sách của người làm báo: Làn gió mới tại đường sách thành phố

Nhà báo Lại Văn Long nói về những thuận lợi trong những năm tháng theo nghề đã giúp anh có được những tư liệu, kỹ năng quý giá để sáng tác Hồ sơ lửa: "Nếu như tôi không làm báo Công An TP.HCM trong suốt mấy chục năm thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ tích lũy được kiến thức, cảm xúc để viết về liên hoàn nhân vật từ người già đến người trẻ như thế...". Anh nói, những năm làm nghề đã mài bén sự quan sát của anh để nhìn và "mổ xẻ" tâm lý nhân vật, trong đó anh có nêu ví dụ về cái ác phải trả giá trước pháp luật. 

Nhà báo Lê Minh Quốc thổ lộ, anh phân định rất rõ thể loại trước khi sáng tác từ hồi thập niên 1980, rằng thơ văn rất khác báo chí. Nếu như không phân biệt được thơ văn với báo chí, thì viết văn nhưng quá lý tính, quá chuẩn xác, thiếu sự bay bổng hay ngược lại, viết báo mà lại quá hư cấu thì những điều mà tác giả viết dễ rơi vào tình trạng: thứ nhất, tác phẩm không chạm đến được trái tim của bạn đọc và thứ hai, bài báo anh viết có thể dẫn đến những vấn đề pháp lý rắc rối về sau. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.