Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu, đồng thời là người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, cho rằng các bước lùi của Ukraine trên tiền tuyến chỉ là dấu hiệu cho thấy Kyiv đang “tạo ra lực lượng” cho một cuộc tấn công tiếp theo.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado (Mỹ) hôm 18.7, vị tướng hàng đầu của liên minh quân sự cho biết chiến lược quân sự tổng thể của Kyiv là “tuyệt vời" xét về mặt cân bằng giữa tuyển mộ binh sĩ, đào tạo và mua sắm vũ khí.
Theo tướng Cavoli, trong chiến tranh hiện đại, một bên “hoặc giành chiến thắng nhanh chóng và ngay từ đầu”, hoặc bị mắc kẹt “trong một cuộc chiến dài đầy những khúc quanh và ngã rẽ khó lường”. Ông nói trường hợp sau chính là điều đang diễn ra ở Ukraine.
Ông cho biết chiến thắng sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo ra lực lượng. “Bên nào có thể tạo ra lực lượng nhanh nhất và tận dụng lợi thế đó khi có cơ hội. Và lợi thế đó có thể chuyển qua lại giữa hai bên”.
Tướng Cavoli nói những gì Kyiv đã làm trong vài tháng qua là cố gắng bảo vệ miền đông, ngăn Nga sử dụng bán đảo Crimea và miền nam để tổ chức tấn công, và duy trì lối ra biển Đen, cũng như tạo lực lượng.
“Tôi nghĩ rằng họ có một chiến lược tuyệt vời. Vấn đề chỉ là thực hiện nó, và phần then chốt là tạo ra lực lượng”, ông phát biểu.
Ông ca ngợi những nỗ lực huy động gần đây của Kyiv và cho biết việc chuyển giao vũ khí từ phương Tây cũng đang “tiến triển tốt”. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine không ít lần quy trách nhiệm cho phương Tây đã không chuyển giao vũ khí đầy đủ và kịp thời, dẫn đến thất bại của lực lượng Kyiv trên chiến trường.
Trong chuyến thăm Anh mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai chỉ trích phương Tây vẫn chưa chuyển giao một chiếc tiêm kích F-16 nào trong số hàng chục chiếc mà họ đã cam kết cung cấp.
Đầu tháng 7, ông cũng nói rằng Kyiv có nhiều lữ đoàn không thể chiến đấu vì đang chờ được trang bị vũ khí.
Quân đội Ukraine đã phải đối mặt với một mùa xuân khó khăn và đang bị lực lượng Nga đẩy lùi ở nhiều điểm dọc theo tiền tuyến. Một số ít thành quả mà Kyiv đạt được trong cuộc phản công năm ngoái cũng phần lớn đã bị đảo ngược.
Ngay cả các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng nghi ngờ khả năng giành chiến thắng trước Nga của nước này.
Theo một báo cáo của tờ New York Times hồi đầu tháng 7, trích dẫn lời các quan chức Mỹ, nhiều người tin rằng “gần như không thể” có việc Ukraine giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất, vì lực lượng của họ đã “bị kéo căng dẫn đến quá mỏng”.
Nga cho biết không có viện trợ nước ngoài nào có thể thay đổi kết quả của cuộc xung đột, và sự can thiệp của phương Tây chỉ kéo dài thêm tình trạng thù địch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 tuyên bố rằng ông sẽ ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán với Ukraine ngay khi nước này cam kết không tìm cách gia nhập NATO và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow đã sáp nhập.
Bình luận (0)