Tuyên án 6 bị cáo vụ đánh chết 1 học viên cai nghiện ở Cơ sở Nhị Xuân

29/04/2022 12:53 GMT+7

Quá trình cai nghiện tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân (gọi tắt là Cơ sở Nhị Xuân, TP.HCM), Dũng và các đồng phạm đã đánh một học viên mới vào ở cùng phòng gây chấn thương sọ não khiến nạn nhân chết trước khi được đưa đến bệnh viện.

Ngày 29.4, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Thái Ngọc Dũng (43 tuổi) 18 năm tù; Phan Văn Tiến (41 tuổi, cùng ngụ TP.HCM); Lê Thanh Truyền (28 tuổi) cùng 16 năm tù; Hồ Hoài Mỹ (37 tuổi, cùng ngụ Bình Dương), Nguyễn Ngọc Quý (30 tuổi, ngụ Kiên Giang); Trần Văn Tuấn (26 tuổi, ngụ Long An) cùng 13 năm tù về cùng tội “giết người”.

Đánh chết bạn cùng phòng tại cơ sở cai nghiện Nhị Xuân: 6 người lãnh án

6 bị cáo từng là học viên cai nghiện tại Cơ sở Nhị Xuân (thuộc Lực lượng TNXP TP.HCM, tại H.Hóc Môn, TP.HCM) đã tham gia vụ đánh bạn cùng phòng đến tử vong.

Các bị cáo trong vụ đánh chết học viên cai nghiện Cơ sở Nhị Xuân

SONG MAI

Theo cáo trạng, nạn nhân là Trần Vũ Nam (43 tuổi) là người nghiện ma túy. Ngày 4.4.2015, UBND P.Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) đưa ông Nam vào Cơ sở Nhị Xuân để điều trị cắt cơn trong thời gian chờ tòa án ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Sau khi điều trị cắt cơn, khoảng 8 giờ ngày 10.4.2015, ông Nam được chuyển sang khu phục hồi sức khỏe 1 để theo dõi. Các cán bộ phụ trách đưa ông Nam vào phòng số 8 của khu này. Thời điểm này, phòng số 8 đã có 23 học viên, tự chia thành 3 “mâm”. Trong đó, mâm 1 có 5 bị cáo, do Dũng tự xưng "trưởng phòng". "Mâm" 2 có Phan Văn Tiến, được giao nhiệm vụ phục vụ "mâm" 1.

Khi ông Nam vừa vào phòng đã bị "trưởng phòng" Dũng đánh, yêu cầu cúi đầu xuống. Ông Nam phản ứng liền bị lần lượt các bị cáo còn lại đánh, đấm, đá, đạp vào ngực và dồn vào góc phòng nhà vệ sinh rồi lấy nước dội vào mặt. Thấy ông Nam mệt và thở dốc, bị cáo Dũng yêu cầu không đánh và cho các học viên nhóm dưới đưa Nam vào phòng vệ sinh tắm, thay đồ rồi đưa ra ngoài nằm.

Đến chiều cùng ngày, thấy ông Nam bỏ ăn cơm và yếu dần, cả nhóm báo cán bộ giáo dưỡng, đưa nạn nhân Nam đến trạm xá Cơ sở Nhị Xuân. Và nạn nhân Nam tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo kết luận giám định pháp y tử thi thể hiện, nạn nhân Nam chết do chấn thương sọ não.

HĐXX nhận định, bị cáo Dũng là người tổ chức, các bị cáo còn lại là người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo Tiến, Truyền và Quý có tiền án chưa xóa án tích, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

Về ý kiến của đại diện bị hại và các luật sư về việc xem xét trách nhiệm của các cán bộ tại Cơ sở Nhị Xuân thiếu trách nhiệm dẫn đến học viên trại cai nghiện bị đánh chết, theo HĐXX, đã từng trả hồ sơ để làm rõ, tuy nhiên, CQĐT và Viện KSND TP.HCM trả lời chưa đủ căn cứ cho rằng các cán bộ này thiếu trách nhiệm. Do giới hạn việc xét xử, HĐXX không xem xét trách nhiệm các cán bộ tại Cơ sở Nhị Xuân trong vụ án này.

Đồng thời, HĐXX nhận thấy Cơ sở Nhị Xuân tại thời điểm xảy ra vụ án chưa có quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân quản giáo. Thông qua vụ án này, HĐXX kiến nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các cơ sở cai nghiện khác phải nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể, rõ ràng, quy định trách nhiệm rõ ràng từng cá nhân cán bộ giáo dưỡng, quản lý trại. Cũng như tăng cường quản lý học viên cai nghiện tránh trường hợp như vụ án xảy ra.

Cũng theo cáo trạng, một số cán bộ của Cơ sở Nhị Xuân có dấu hiệu về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan điều tra đã nhiều lần ra quyết định khởi tố bổ sung bị can đối với các cán bộ này, nhưng Viện KSND TP.HCM đã không phê chuẩn vì cho rằng các cán bộ này không chịu thừa nhận và cơ quan điều tra không chứng minh được việc thiếu trách nhiệm của các cán bộ này. Sau đó, vì đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được tội phạm, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với các cán bộ này.

Quá trình xét xử sơ thẩm trước đây, TAND TP.HCM cũng từng trả hồ sơ để làm rõ các cán bộ có thiếu trách nhiệm dẫn đến học viên trại cai nghiện bị đánh chết hay không. Tuy nhiên, do không chứng minh được nên phiên tòa chỉ xét xử 6 bị cáo nêu trên.

Năm 2017, TAND TP.HCM từng xét xử sơ thẩm tuyên các bị cáo từ 5 năm - 14 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Vụ án được TAND cấp cao tại TP.HCM hủy án, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó Viện KSND TP.HCM đã đổi tội danh đối với 6 bị can từ tội “cố ý gây thương tích” thành tội “giết người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.