Thông tin trên được Bộ Nội vụ cho biết tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 của ngành, diễn ra ngày 7.7.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, sở nội vụ các địa phương đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh thực hiện sắp xếp đối với 115 tổ chức bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và 226 đơn vị sự nghiệp công lập.
Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đã tinh giản 127 người, trong đó, có 12 người là công chức.
Tuyển hơn 14.000 người bổ sung số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc
Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
6 tháng đầu năm, các sở nội vụ đã tham mưu tuyển dụng 14.244 công chức, viên chức (công chức là 2.242 người, viên chức là 12.002 người), kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc.
Đánh giá về những kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, của ngành nội vụ đã tích cực tham mưu, đề xuất và giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó và những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, nhất là về chính sách tăng lương cơ sở; tinh giản biên chế và nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế sát yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy, phương thức quản lý nhà nước một số lĩnh vực đáp ứng sự thay đổi và xu thế phát triển.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ ra một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế, bất cập, trong công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành và thực tiễn đặt ra. Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ hơn, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm, hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn, hạn chế và có mặt lúng túng; cải cách hành chính ở một số địa phương chưa được chú trọng, chuyển biến chậm, chỉ số thấp.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh sẽ tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tham mưu để đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Bộ trưởng lưu ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kỷ cương, kỷ luật, hoàn thiện thể chế, chính sách xử lý vi phạm, tránh tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Nhằm hạn chế tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương; hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức theo chỉ tiêu biên chế.
Vì đâu hơn 82.500 người lao động tại TP.HCM nghỉ việc trong nửa năm?
Bình luận (0)