Chưa đặt trong tổng thể đào tạo nguồn nhân lực
Việc xác định chỉ tiêu ĐH chưa đặt trong tổng thể đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, mà chỉ dựa vào khả năng đào tạo của các trường, liên quan đến đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.
Chỉ tiêu ĐH luôn cao hơn chỉ tiêu đào tạo nghề. Năm 2022, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh (TS) thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có có 620.477 TS đăng ký nguyện vọng ĐH. Trong khi tổng chỉ tiêu ĐH năm 2022 là 560.000. Số TS đăng ký ĐH chỉ cao hơn số chỉ tiêu một ít nên hầu hết TS chỉ cần đăng ký là trúng tuyển. Nhiều trường THPT đỗ ĐH gần 100%, trong đó nhiều lớp đỗ 100%. Dư luận xã hội cho rằng chất lượng giáo dục được nâng cao, nhưng thực chất là do đỗ ĐH quá dễ dàng.
Có khoảng 350.000 TS không đăng ký ĐH, sẽ đi học CĐ, trung cấp, nghề ngắn hạn, tham gia lao động trong nước, xuất khẩu lao động hoặc một bộ phận đi du học. Như vậy số người được đào tạo ĐH hằng năm cao hơn 1,6 lần số người học nghề và tham gia lao động, mất cân đối lớn trong đào tạo: “thầy” nhiều hơn “thợ”.
Một thực tế đáng quan tâm, phân tích, đánh giá để tìm nguyên nhân vì sao có những TS trúng tuyển nhưng không đăng ký nhập học. Trong số 567.018 TS trúng tuyển đợt 1, chỉ có 463.440 TS đăng ký nhập học (tỷ lệ 81,7%), còn lại 103.578 TS không xác nhận nhập học. So với tổng chỉ tiêu, thiếu gần 100.000 TS, do đó có 116 trường ĐH phải tuyển bổ sung, trong đó có nhiều trường ĐH công lập. Thực tế này buộc các trường phải hạ điểm chuẩn, vét cạn nguồn tuyển, chấp nhận đầu vào thấp, chất lượng đào tạo thấp. Sinh viên ra trường thất nghiệp do năng lực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Thí sinh trúng tuyển năm 2022 làm thủ tục nhập học. Hiện nay, các trường ĐH thực hiện tuyển sinh bằng nhiều phương thức |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
TS học khoa tự nhiên giảm, ngành kỹ thuật đầu vào thấp
Với cách thi và đề thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) luôn dễ có điểm cao hơn tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN), dẫn đến tỷ lệ học sinh (HS) chọn tổ hợp KHTN ngày càng giảm, từ 38% năm 2017 giảm còn 30% năm 2022. HS ngày càng ít chọn học các môn như hóa học và sinh học. Điều này dẫn đến hai hệ lụy: HS ít chọn các ngành nghề STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán), trong khi ở trường THPT lại thừa giáo viên các môn KHTN, phải chuyển qua làm thêm việc khác.
Các ngành kỹ thuật ở các trường ĐH điểm chuẩn ngày càng thấp, như mỏ, địa chất, tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, dệt may... điểm chuẩn ở mức trung bình 15 - 16 điểm (bao gồm cộng điểm ưu tiên). TS đổ dồn cho các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, truyền thông... Và tương lai gần, nước ta sẽ thừa nhân lực các ngành truyền thông, kinh tế, thiếu lao động trong các ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học cơ bản.
Nhiều hạn chế cần được cải tiến
Trước hết, đó là việc xét tuyển ĐH theo học bạ THPT dẫn đến tiêu cực, gian lận nảy sinh, không trung thực trong kiểm tra, đánh giá.
Thứ hai, trải qua hơn 50 năm thi THPT và tuyển sinh ĐH nhưng thang điểm tối đa của một môn thi vẫn là 10, làm hạn chế trong đánh giá về năng lực, năng khiếu rất đa dạng của TS.
Ngoài ra, điểm thi trắc nghiệm rất bó buộc, mang tính “cào bằng”. Bài thi trắc nghiệm có 40 - 50 câu hỏi lựa chọn đáp án, với thang điểm 10 mỗi câu chiếm 0,2 - 0,25 điểm. Trong khi đề thi các kỳ thi như Gaokao của Trung Quốc, CSAT của Hàn Quốc, SAT của Mỹ... có nhiều định dạng trắc nghiệm, bao gồm: trắc nghiệm chọn đáp án, viết đáp số, trình bày tự luận; điểm thành phần từng câu và tổng điểm luôn là một số nguyên như 100, 150, 800.
Bên cạnh đó, nhiều TS đạt điểm tuyệt đối 30/30 vẫn trượt ĐH do nhiều TS được cộng điểm ưu tiên. Điều này cho thấy việc cộng điểm ưu tiên là chưa phù hợp.
Chưa kể, hệ thống tuyển sinh chung góp phần tạo thuận lợi cho TS và lọc ảo tốt, nhưng các trường ĐH hoàn toàn bị động, không dự đoán được số trúng tuyển nhập học nên rất lúng túng trong khâu tuyển sinh.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
độc lập |
Giải pháp nào cho tuyển sinh ĐH ?
Tuyển sinh ĐH cần phải có những cải tiến mạnh mẽ, không chờ đến năm 2025. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp cho HS từ cấp THCS đến cấp THPT; thông tin tuyên truyền một cách mạnh mẽ, đầy đủ về nhu cầu nhân lực trong 5 - 10 năm tới để thu hút HS vào học các ngành mà kinh tế - xã hội cần. Chẳng hạn, theo thông tin từ trường ĐH dệt may, mỗi năm ngành dệt may cần tuyển 300 - 400 kỹ sư (vì lao động thủ công sẽ giảm) nhưng trường này chỉ tuyển được dưới 200 TS cho các ngành dệt may.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể tách riêng hai mục tiêu khác nhau, đề thi trắc nghiệm cần mở rộng 50 - 60 câu hỏi, trong đó, 40 câu dành cho tốt nghiệp và 10 - 20 câu dành cho tuyển sinh ĐH, đánh giá năng lực và phân hóa cao. TS dự thi được xếp phòng riêng giữa 2 nhóm: chỉ dự thi tốt nghiệp và có đăng ký ĐH. TS có thể làm trên cùng 1 tờ giấy thi, điểm của 40 câu đầu để xét tốt nghiệp THPT (thang điểm 10), điểm 10 - 20 câu hỏi sau (thang điểm 10) dành cho tuyển sinh ĐH, tuyển sinh ĐH có thang điểm 20/môn.
Tiếp tục tuyển sinh ĐH với nhiều phương thức, trong đó phương thức xét điểm học bạ bắt buộc phải có chỉ số phụ, điểm chuẩn nằm trong một khoảng điểm, chỉ xác định trúng tuyển ở chỉ số phụ. Điểm học bạ chỉ là điều kiện cần, muốn trúng tuyển phải có thêm giải HS giỏi cấp tỉnh trở lên hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, sau khi lấy hết số TS này mới xét từ điểm cao xuống. Các trường ĐH giảm các phương thức hay tổ hợp tuyển sinh không hiệu quả, tăng chỉ tiêu cho các tổ hợp A00, B00 để khuyến khích HS học các môn KHTN.
Thành lập các trung tâm khảo thí độc lập chuyên về tổ chức thi, đánh giá theo chuẩn quốc tế theo đơn đặt hàng của các trường ĐH. Cải tiến hệ thống tuyển sinh theo hướng các trường ĐH chủ động hơn, nắm bắt được thông tin và dự báo được khá chính xác lượng TS sẽ vào trường.
Xác định chỉ tiêu cho các trường ĐH không chỉ dựa vào năng lực của từng trường mà phải dựa vào nhu cầu nhân lực của nền kinh tế - xã hội, phải đặt trong tổng thể đào tạo nguồn nhân lực chung cả giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Tuyển sinh ĐH Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn
Trong hơn 50 năm, từ năm 1970 đến nay, Việt Nam đã trải qua 5 giai đoạn thay đổi về thi và tuyển sinh ĐH.
Giai đoạn 1 (1970 - 1990), Bộ GD-ĐT ra đề thi chung cho các trường ĐH. Các trường ĐH chịu trách nhiệm tổ chức thi.
Giai đoạn 2 (1991 - 2001), các trường tự chủ tuyển sinh, trong đó 90% ra đề theo bộ đề thi tuyển sinh do Bộ GD-ĐT phát hành, 10% tự ra đề thi riêng. Việc khuyến khích các trường ra đề thi theo bộ đề đã dẫn đến ra đời hàng ngàn trung tâm luyện thi, HS học thêm quá sức để giành suất vào ĐH.
Giai đoạn 3 (2002 - 2014), tuyển sinh ĐH theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả). HS cuối cấp THPT phải trải qua 3 kỳ thi: Tốt nghiệp THPT vào tháng 6, tuyển sinh ĐH vào tháng 7 và tuyển sinh CĐ vào tháng 8. Điều này gây ra áp lực, căng thẳng cho HS và tốn kém cho xã hội.
Giai đoạn 4 (2015 - 2019), Bộ GD-ĐT hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH bằng một kỳ thi chung (THPT quốc gia). Hai năm đầu, TS thi dự thi tối thiểu 4 môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ bắt buộc và 1 môn tự chọn trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa. Từ năm 2017, ngoài 3 môn thi bắt buộc, TS chọn một trong hai tổ hợp KHTN (lý, hóa, sinh) và KHXH (sử, địa, giáo dục công dân) để thi. Việc giao quyền cho các địa phương chủ trì tổ chức thi đã nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt là kỳ thi năm 2018 xảy ra gian lận quy mô lớn ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.
Giai đoạn 5 (2020 - 2022) và có thể kéo dài, tuyển sinh ĐH do các trường ĐH tự chủ, đa dạng phương thức xét tuyển.
Bình luận (0)